Trịnh Đình Tiến, nhiếp ảnh gia đặc biệt và những cổng chào

Trịnh Đình Tiến, nhiếp ảnh gia đặc biệt và những cổng chào
2 giờ trướcBài gốc
Nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến (1938-2021) vốn con nhà “danh gia vọng tộc”. Ông là hậu duệ đời thứ 10 của chúa Trịnh Căn. Cha ông là Trịnh Đình Kính, nhà tư sản dân tộc nổi tiếng giàu có, người làm ra thủy tinh màu đầu tiên ở Việt Nam, sản phẩm được xuất cả sang Pháp, đọ cùng những hàng tinh xảo của châu Âu. Chị gái là Trịnh Thị Ngọ, nổi danh với cái tên Hanoi Hannah - phát thanh viên chương trình tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời chống Mỹ.
Nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến. Ảnh: Nguyễn Quang Thiều cung cấp.
Từ bé ông Tiến đã có sở thích chụp cổng chào Hà Nội. Vì thế nên ngày ấy, ông đã chụp được một loạt cổng chào của các phố phường Hà Nội. Phố Hàng Thiếc thì làm cổng chào bằng tôn múi, phố Hàng Bông thì làm cổng chào bằng bông, phố Hàng Nón thì làm cổng chào bằng lá nón, phố Hàng Đào thì lại làm cổng chào bằng vải điều đỏ…
Phố Hàng Bông gắn bông. Ảnh: Trịnh Đình Tiến.
Khi những chiếc cổng chào được người Hà Nội dựng lên đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về, chàng trai 17 tuổi Trịnh Đình Tiến khi đó đã không bỏ lỡ những hình ảnh đặc biệt trong thời khắc đặc biệt của lịch sử dân tộc:
“Người dân Hà Nội đã hướng về kháng chiến từ lâu rồi. Khi đại quân ta trở về, Bác Hồ trở về thì dân Hà Nội rất phấn khởi, dựng lên những cổng chào khải hoàn môn, khúc ca khải hoàn đón những người chiến thắng trở về. Nơi phố Hàng Khay, các cụ bô lão và nhân dân phố Hàng Khay dựng lên cái cổng chào đón tiếp quân ta. Cổng chào này chất liệu bằng mành, dựng lên bằng tre nứa - tượng trưng cho cổng thành.
Phố Hàng Khay. Ảnh: Trịnh Đình Tiến
Tôi có chụp một cái ảnh nữa tại Hàng Bông, ngã tư Hàng Bông, Quán Sứ, Hàng Gai cổng chào bằng bông, bông gòn người ta đắp lên. Ở phố Hàng Thiếc, ngã ba phố Hàng Thiếc thì làm bằng tôn múi. Còn tại Cửa Nam thì họ làm bằng chất liệu vải điều. Tôi, người thanh niên Hà Nội 17 tuổi háo hức cầm máy ảnh đi chụp ảnh tất cả các cổng chào của Hà Nội, cổng khải hoàn môn để đón quân ta giải phóng Thủ đô, chấm dứt một thời kỳ dài Hà Nội bị chiếm đóng, dân ta độc lập tự do…”.
Phố Hàng Thiếc. Ảnh: Trịnh Đình Tiến
Phố Cửa Nam trong dịp giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Ảnh: Trịnh Đình Tiến.
Sau này, Trịnh Đình Tiến mơ theo nghề quay phim. Ông từng theo học ngành quay phim ở Trường Sân khấu Điện ảnh. Cái số không được làm nghề này nên khi phụ quay phim "Vợ chồng A Phủ", ông bị tai nạn ngã ngựa, hỏng mắt phải. Buộc phải rẽ ngang, ông hành nghề chụp ảnh dạo để kiếm sống. Nhưng đó lại là duyên may của Hà Nội khi có một người lưu giữ lịch sử thành phố bằng ảnh. Trong ngôi nhà ở số 65 Hàng Bồ, ông cất giữ một kho tư liệu ảnh vô giá, ghi lại hình ảnh của Hà Nội trải qua nhiều chục năm, về con người, cảnh sắc, phường phố, y phục, xe cộ… và những nghệ sĩ tài hoa của Hà Nội như danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng…
Ngõ Hàng Hương. Ảnh: Trịnh Đình Tiến.
Câu châm ngôn của riêng ông là: "Nói có sách, mách có ảnh". "Bất kỳ ai cũng có thể hiểu được lịch sử qua kho tư liệu ảnh của tôi" – nói một cách chính xác, bất kỳ ai cũng có thể hiểu được lịch sử Hà Nội giai đoạn mà ông sống qua kho tư liệu ảnh ấy. Kho tư liệu ảnh khổng lồ ấy là những khoảnh khắc Hà Nội không mất đi, kể cả khi thời gian đã trôi, kể cả khi ông đã không còn nữa…
Đài Hà Nội
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/trinh-dinh-tien-nhiep-anh-gia-dac-biet-va-nhung-cong-chao-271409.htm