Ảnh minh họa/INT
Lý giải cho đề xuất quy định này, Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật cho rằng, Luật Cán bộ, công chức hiện hành đang quy định cơ chế quản lý riêng đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Tại Luật Cán bộ, công chức và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành dù đã có quy định về việc liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, tuy nhiên còn phát sinh nhiều thủ tục hành chính khi thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng cho rằng, thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện - PV) và tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp cơ sở thì việc bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã, thực hiện thống nhất cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến cơ sở là yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Cấp cơ sở là cấp quan trọng nhất, do đó cán bộ, công chức cấp xã cũng chính là những người gần dân nhất. Thực tế cũng cho thấy, ở đâu cấp cơ sở giải quyết tốt những kiến nghị, bức xúc của người dân, thì địa phương đó tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm, tránh phát sinh những “điểm nóng” không đáng có. Nhưng cũng bởi việc gì người dân cũng tìm đến nên tình trạng “luôn tay” khi giải quyết những vấn đề phát sinh từ cấp xã khiến không ít nơi rơi vào tình trạng quá tải.
Nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, bảo đảm đồng bộ, liên thông và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác cán bộ trong tình hình mới; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực, cùng với việc sửa đổi khái niệm cán bộ, công chức, dự thảo Luật đã bỏ một chương về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến địa phương, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.
Bên cạnh đó, để không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp ngay khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dự thảo Luật bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp để thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã (hiện hành) với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm tính liên tục trong công tác cán bộ.
Theo đó, cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019) kể từ ngày Luật này có hiệu lực thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được xếp lương theo ngạch, bậc tương ứng với vị trí việc làm được giao đảm nhiệm nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức.
Đặc biệt, nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng công chức, dự thảo Luật cũng quy định, trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tinh giản theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện tinh giản.
Như vậy, với đề xuất quy định mới này, không còn có sự phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh và Trung ương. Đây là động viên lớn đối với công chức cấp cơ sở - những người lâu nay có không ít tâm tư về cơ chế chính sách. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi công chức phải đáp ứng đầy đủ trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, phải “đủ tâm, đủ tầm” mới đáp ứng yêu cầu công việc ở cơ sở trong tình hình mới. Bởi nếu không đáp ứng yêu cầu, công chức sẽ bị tinh giản, loại khỏi bộ máy.
Để thực hiện được yêu cầu này, đòi hỏi cần sớm hoàn thiện quy định về vị trí việc làm, đây là cơ sở rất quan trọng để sàng lọc công chức. Cùng với đó, cần tính tới phương án sát hạch, thi tuyển công khai trên cơ sở cạnh tranh minh bạch. Có như vậy mới lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở tinh, mạnh, gần dân, thấu hiểu dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Song Hà