Mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân chánh thất được đắp hình voi phục. Lăng mộ tọa lạc tại phường Trung Dũng, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: Báo Đồng Nai
Trịnh Hoài Đức - tác giả của “Gia Định thành thông chí” là học trò xuất sắc của cụ Võ Trường Toản, đồng thời được đánh giá là “công thần đa tài, trung hiếu” của triều Nguyễn.
Nửa đời bình dân, nửa đời vinh hiển
Trịnh Hoài Đức sinh và mất đều vào năm Ất Dậu (1765-1825), tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai. Theo “Trịnh Hoài Đức truyện”, “Đại Nam liệt truyện”, bổ sung theo “Đại Nam thực lục chính biên” của Quốc sử quán triều Nguyễn, tổ tiên Trịnh Hoài Đức là người Phúc Kiến, Trung Hoa, nhiều đời làm quan.
Đến đời tổ phụ, triều đình Mãn Thanh thay nhà Minh, gia đình ông không hợp tác với triều đại mới nên rời cố hương sang cư ngụ ở Đàng Trong, thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Gia đình ông trước ở Phú Xuân (Huế) sau vào Trấn Biên, tức Biên Hòa ngày nay. Cha của Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh, kết hôn với một cô gái Việt, sinh ra ông. Năm lên 10 tuổi, Trịnh Hoài Đức mồ côi cha.
Còn nhỏ tuổi nhưng chí học của ông rất bền. Để tránh loạn lạc, mẹ ông dời nhà đến Phiên Trấn (tức Gia Định). Tại đây, Trịnh Hoài Đức được mẹ cho theo học Võ Trường Toản tiên sinh - một nhà nho thuần hậu, đạo cao đức trọng nổi tiếng thời bấy giờ. Bạn đồng môn với Trịnh Hoài Đức là Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh - sau này hợp thành nhóm “Gia Định tam gia” trứ danh.
Tượng danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức tại Vườn tượng danh nhân văn hóa, Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai). Ảnh: Báo Đồng Nai
Nói về quãng đời từ lúc ấu thơ đến năm “tam thập nhi lập” của ông, tác giả Huỳnh Văn Tới trong tác phẩm khảo cứu “Trịnh Hoài Đức công thần nhiều công đức” đánh giá: “luôn trong bối cảnh gia đình ‘gánh mẹ’ neo đơn, chạy loạn, vượt khó học hành”. Hơn 10 năm dùi mài đèn sách dưới sự dạy dỗ của vị danh sư, Trịnh Hoài Đức cùng các bạn học đã được trau dồi tri thức và tinh thần yêu nước. Cơ hội giúp dân, giúp nước, làm nên công danh sự nghiệp cũng đã đến.
Năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) chiếm lại Gia Định đã cho mở khoa thi để chọn người tài giúp sức. Trịnh Hoài Đức cùng nhóm Lê Quang Định ra ứng cử, đỗ khoa này và được bổ nhiệm làm Hàn lâm Chế cáo. Năm 1789, Trịnh Hoài Đức đảm nhiệm chức Điền Tuấn sứ huyện Tân Bình, phụ trách mở mang vùng đồng bằng miền Tây, xác định chế độ điền thổ, đồng thời lo liệu lương hướng cho quân đội.
Sau đó, ông chuyển sang bộ Hình, tham gia xét xử hình luật và văn án. Năm 1801, Nguyễn Ánh mang quân đánh chiếm Phú Xuân, Trịnh Hoài Đức phụ trách việc gặt hái ở Quảng Nam và Quảng Ngãi để cung cấp lương thực cho quân đội. Năm 1802, sau khi vua Gia Long lên ngôi ở Phú Xuân, Trịnh Hoài Đức làm quan trong triều Nguyễn, được bổ nhiệm và lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng như Thượng thư bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Lại, và có lần kiêm Binh bộ Thượng thư. Ông cũng hai lần làm Hiệp trấn Gia Định thành.
Năm 1820, vua Gia Long băng hà, vua Minh Mạng nối ngôi. Minh Mạng nguyên niên, Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Văn Nhơn được triệu về kinh, Trịnh Hoài Đức được cử nắm quyền Tổng trấn. Đến tháng 6 cùng năm, Trịnh Hoài Đức trở về kinh đô để trông coi Bộ Lại và kiêm Phó tổng tài Quốc sử quán, Hiệp biện đại học sĩ. Ông trở thành nguyên lão nhị triều, là cố vấn quan trọng cho vua Minh Mạng, tham gia vào các chính sự quan trọng của triều đình.
Khi ông từ kinh đô xin về Gia Định ở, vua Minh Mạng nói với quần thần: “Các đấng nhơn quân đời xưa, gặp lúc thần hạ bất đắc ý cáo xin về hưu, cũng có xuống lời dụ ôn tồn để an ủi, nhưng chỉ lời văn nói khéo bề ngoài vậy thôi. Còn như trẫm với Trịnh Hoài Đức, trọng lễ hậu đãi, đau ốm thì hết lòng xót thương; thành thực trải lòng, chẳng chót mảy may giả dối, điều đó các khanh đều biết như thế. Vì Trịnh Hoài Đức là bậc huân cựu đại thần, trẫm rất tin cậy” (Đại Nam Thực lục chính biên).
Kế tục danh sư, mở rộng giáo dục
Khi Trịnh Hoài Đức mất ở tuổi 61 (1825) tại Huế, vua Minh Mạng đã khóc xót thương: “Trẫm nghe tin không ngờ, nước mắt nhỏ xuống, bèn sai nghỉ triều 3 ngày và hậu ban cho sa, gấm, trừu, đoạn, tiền, gạo, dầu đèn; tặng Thiếu phó Cần chính điện Đại học sĩ, cho tên thụy là Văn Khúc; cho một tế đàn”. Vua phái hoàng tử Miên Hoằng đưa thi thể ông về Gia Định. Khi về đến nơi Tổng trấn Lê Văn Duyệt thân hành đi viếng.
Sau quá trình Nam tiến, bờ cõi được mở rộng, nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân nhận thấy cần phát triển giáo dục ở vùng đất mới. Tuy nhiên, điều này gặp khó khăn. Một mặt, triều đình muốn phát triển Nho giáo, mở rộng bộ máy quan lại, tuyển lựa nhân tài thông qua thi cử. Mặt khác, trên thực tế cư dân vùng đất Nam Bộ mới khai hóa chưa có truyền thống khoa cử.
Trong “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức đã viết về ưu đãi này như sau: “Thành Gia Định nước ta, đất rộng lương thực nhiều, không lo về đói rét”, “nhiều thóc gạo cá muối”, “các loại sản vật phong phú”. Chính điều kiện tự nhiên thuận lợi nên ít người chú tâm vào việc học, hòng lập thân bằng con đường công danh.
Một số giai đoạn ông được giao làm công việc liên quan đến giáo dục như dạy học, nghiên cứu học thuật, coi việc thi cử. Trên cương vị một nhà giáo, Trịnh Hoài Đức không chỉ là một thầy giáo uyên thâm, dạy học cho hoàng tử, mà còn là một nhà quản lý giáo dục tài ba, có nhiều đóng góp cho sự phát triển giáo dục Gia Định.
Nổi bật nhất, sử chép năm 1793, ông được bổ nhiệm chức Thị giảng Đông cung (quan dạy học cho Hoàng tử Cảnh, con trưởng vua Gia Long). Thời gian dạy học cho Hoàng tử kéo dài một năm thì ông được giao trọng trách khác.
Sau khi kinh qua nhiều nhiệm vụ, ông được giao làm Thượng thư Bộ Lễ (tương đương Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục). Là người coi trọng các hoạt động văn hóa, giáo dục, Trịnh Hoài Đức đã nhiều lần đi giám sát, làm chủ khảo các kỳ thi, kén chọn người tài.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục trong việc xây dựng và phát triển đất nước, khi làm Hiệp tổng trấn Gia Đình, Trịnh Hoài Đức đã tích cực vận động mở rộng việc học hành trên vùng đất mới. Ông đề xuất nhiều chính sách khuyến khích các nhà nho mở trường dạy học đến tận nông thôn, tạo điều kiện cho con em nhà nghèo được học tập.
Bên cạnh đó, Trịnh Hoài Đức còn trực tiếp soạn thảo nhiều sách giáo khoa, tài liệu học tập có giá trị. Những tác phẩm này không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn bồi dưỡng cho các em lòng yêu nước, thương dân và ý chí tự cường, tự chủ. Nhờ những nỗ lực của ông, giáo dục Gia Định đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao trình độ dân trí và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Có thể nói, ông đã kế tục danh sư Võ Trường Toản ngày trước, một lớp sĩ phu mới mang tinh thần hào kỳ Đồng Nai ra đời. Trong đó có nhiều người yêu nước, tham gia phong trào hoặc trở thành lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp như Đồ Chiểu, Thủ Khoa Huân, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông…
Học sinh Trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP Biên Hòa, Đồng Nai) tham dự Hội thi cắm hoa chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024. Ảnh: INT
Danh thần đa tài, đau đáu quê mẹ
Ngoài tài năng quản trị khi làm quan, từng lần lượt đứng đầu tứ bộ triều đình, Cấn Trai tiên sinh còn là một nhà văn hóa lớn. Sách “Đại Nam liệt truyện” đánh giá: “Đức là người cẩn thận, phong độ, trầm tĩnh, nghiêm chỉnh, học vấn rộng rãi, nghị luận thường giữ đại thể”.
Trong cuốn “Theo dòng chảy Đồng Nai”, nhà văn Nguyễn Thái Hải cho biết: “Trịnh Hoài Đức đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm, cho thấy ông vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là một sử gia tài ba.
Năm 1805, khi đang làm quan ở thành Gia Định, Trịnh Hoài Đức được vua Gia Long sai “kê khảo sự tích, cương vực, thổ sản trong địa hạt”. Nhân đó, ông viết “Gia Định thành thông chí”. Khi mới lên ngôi, Vua Minh Mạng, đã xuống chiếu cầu sách cũ, Hoài Đức đã dâng bộ sách này lên và được vua khen ngợi.
Tác phẩm “Gia Định thành thông chí” gồm 6 quyển viết bằng chữ Hán của Trịnh Hoài Đức là một trong những sử liệu quan trọng nhất về xứ Đồng Nai - Gia Định trong thời kỳ khai phá. Tác phẩm này biên khảo công phu, toàn diện về quá trình hình thành đất đai, sông núi, sản vật, phong tục và con người Nam Bộ.
Có thể nói “Gia Định thành thông chí” là cống hiến xuất sắc của Trịnh Hoài Đức đối với lịch sử và văn hóa dân tộc. Bộ sách không chỉ có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa và địa lý, sách còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ.
Trịnh Hoài Đức còn là một nhà thơ tài năng. Ông nằm trong nhóm Gia Định tam gia nổi tiếng thời bấy giờ, bao gồm Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh đều là những người cùng sáng lập ra Bình Dương thi xã.
Ông để lại những tập thơ như “Cấn -Trai Thi Tập”, “Bắc - Sứ Thi Tập”, “Gia-Định Tam Gia Thi Tập”… Nhưng nói đến thơ của Trịnh Hoài Đức, phải nghĩ ngay đến bài thơ cảm tác lúc từ giã mẹ đi sứ nhà Thanh, bản quốc ngữ được giới thiệu trên báo “Tân văn tuần báo” năm 1935:
“Lìa hiệp thương nhau kể mấy hồi,
Ân tình ai cũng khéo phanh phui.
Trăng lòa ải Bắc nhàn chinh bóng,
Thu quạnh trời nam quạ đút mồi.
Ngay - thảo tưởng rồi sa nước mắt,
Công - danh nghĩ lại mướt mồ-hôi.
Quân - thân tuy cách lòng đâu cách,
Trọn đạo con là trọn đạo tôi”.
Trịnh Hoài Đức yêu vùng đất đã nuôi dưỡng mình và đem hết tâm huyết, tài năng, nghị lực phục vụ cho đất nước. Khi đi sứ, ông luôn hướng về quê mẹ với niềm hoài cảm sâu sắc:
“Năm ba ông lão xóm Đông
Hái rau thay gạo đói lòng sớm hôm”.
Hay:
“Diều quạ no nên kêu rộn bãi.
Hồn ma vất vưởng khóc thâu canh”.
Thơ văn của Trịnh Hoài Đức mang phong cách giản dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống. Nó thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng yêu nước, thương dân. Riêng trong “Cấn Trai thi tập”, Trịnh Hoài Đức có 30 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp tiêu biểu nhất ở 30 địa phương thuộc đất Gia Định xưa (Gia Định tam thập cảnh), tương ứng với Nam Bộ ngày nay.
Trịnh Hoài Đức qua đời năm 61 tuổi, trước lúc mất tâm nguyện của ông là được đưa linh cữu từ Phú Xuân về quê mẹ ở làng Bình Trước, Biên Hòa (nay thuộc phường Trung Dũng, TP Biên Hòa) chôn cất.
Trong lăng mộ ông hiện nay, có cặp câu đối chữ Hán:
Tâm như bình nguyên mục mã, dị phóng nan thu
Học như nghịch thủy hành chu, bất tiến tất thoái.
Dịch nghĩa:
Lòng người như cưỡi ngựa trên bình nguyên, phóng đi thì dễ, ghìm giữ mới khó.
Việc học như chèo thuyền ngược nước, không tiến tới được, ắt sẽ tụt lùi.
Tác giả Huỳnh Công Tới trong một bài viết nhận xét: “Hai cặp đối ấy có ý nghĩa triết lý nhân sinh như là bài học từ cuộc đời của Trịnh Hoài Đức để lại cho đời. Có thể lấy chữ Đức để diễn đạt về Trịnh Hoài Đức: Công đức, tâm đức và nhơn đức”.
Suốt mấy mươi năm làm quan dưới triều Nguyễn, qua hai đời vua Gia Long và Minh Mạng, Trịnh Hoài Đức luôn tận trung vì nước, vì dân. Ông là bậc kỳ tài, được vua trọng dụng và giao nhiều trọng trách. Dù thăng đến Hiệp biện Đại học sĩ (1821), hàm tòng nhất phẩm, ông vẫn sống thanh liêm. “Đại Nam liệt truyện” chép rằng: “Đức không có nhà riêng, vua cho 3.000 quan tiền và gỗ, gạch ngói, cho làm nhà để nghỉ ngơi tắm gội. Đức bèn làm vườn quỳ ở phía ngoài cửa Đông. Rồi lại kiêm lĩnh Thượng thư Bộ Lễ”. Dù trải qua Thượng thư 4 bộ, ông vẫn giữ mình thanh sạch, đến mức vua phải xây nhà cho.
Mạnh Tùng