Trịnh Kim Chi: 'Không để gia đình xất bất xang bang'

Trịnh Kim Chi: 'Không để gia đình xất bất xang bang'
3 giờ trướcBài gốc
Sân khấu Trịnh Kim Chi vừa đem vở “Ngày ấy cổng trời” (tác giả: Nguyễn Kháng Chiến, đạo diễn NSND Trịnh Kim Chi) dự thi Liên hoan Sân khấu TPHCM lần thứ 1-2024.
“Ngày ấy cổng trời” kể về cuộc đời của những nữ thanh niên xung phong, lực lượng luôn luôn kề vai sát cánh cùng với bộ đội, trực tiếp đảm đương các nhiệm vụ từ hậu phương đến tiền tuy.
Bên cạnh công việc, trong cuộc sống hàng ngày, những cô gái thanh niên xung phong sống vất vả, thiếu thốn, từ những bữa ăn đủ chất đến quân trang, đồ dùng cá nhân.
Thế nhưng, họ vẫn luôn giữ được tinh thần tươi vui, sự nhiệt huyết, lòng quả cảm, sống hết mình với công việc và với cuộc đời, nơi rừng thiêng nước độc, bất chấp bao gian khó, kể cả những mất mát, hy sinh. Vở diễn khơi gợi nhiều kỷ niệm với những người thuộc thế hệ trước và cũng là cầu nối để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về thời kỳ gian khổ của cha ông…
Nhân dịp này, nữ NSND đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện xung quanh vở diễn và cả niềm đam mê nghệ thuật của mình.
NSND Trịnh Kim Chi ngồi trong phòng hậu đài theo dõi vở diễn.
“Chia đều thì đưa mỗi người một cái huy chương cho rồi chứ thi làm gì nữa”
- Liên hoan năm nay có nhiều đơn vị tham gia, đặc biệt là những sân khấu trước giờ không mặn mà với liên hoan nhưng có tiếng về chất lượng nghệ thuật như Hoàng Thái Thanh hay sân khấu Thiên Đăng của NSƯT Thành Lộc. Vậy chị có bị áp không?
Trái lại, tôi rất vui. Không phải mình tôi vui đâu. Lâu lắm mới có một mùa liên hoan mà các sân khấu đều tham gia, đó là tín hiệu rất đáng mừng với sân khấu ở TP.HCM.
Liên hoan toàn quốc đa số tổ chức ở những nơi khác, ngoài TP.HCM, việc đi lại tốn kém và khó khăn nên các sân khấu mới e ngại khi tham gia. Còn liên hoan năm nay tổ chức ngay tại TPHCM, nới các sân khấu đang hoạt động nên các đơn vị đều nhiệt tình hưởng ứng, tham gia để quảng bá thương hiệu riêng của mình.
- Có ý kiến e ngại rằng, liên hoan thường chia đều” huy chương cho các vở diễn và đơn vị chứ không công tâm, dựa trên chất lượng vở diễn thật sự. Chị nghĩ gì về điều này?
Tôi không nghĩ vậy. Nếu vở diễn đoạt giải thì tác phẩm phải xứng đáng chứ không thể nào chia đều được. Chia đều thì đưa mỗi người một cái huy chương cho rồi chứ thi làm gì nữa.
Đã thi thố thì phải lấy chất lượng làm đầu. Chất lượng tốt thì liên hoan mới thành công. Nếu chia đều cho các sân khấu hay cho mọi người thì đó không phải cuộc thi nữa. Liên hoan là để khích lệ tinh thần các sân khấu, để có được những vở diễn chất lượng.
Một cảnh trong vở diễn.
Nghệ sĩ Trọng Hiếu trong vở "Ngày ấy cổng trời".
Thậm chí trước liên hoan, ban tổ chức cũng phúc khảo vở diễn mới, đủ chất lượng thì mới được tham gia, chứ không phải cứ đăng ký là được. Tức là ban tổ chức có thẩm định trước. Nếu không ổn thì không cho tham gia. Đây cũng là cách để thanh lọc những tác phẩm chưa đủ yêu cầu. Ban tổ chức đã làm rất kỹ và chỉn chu.
- Chị tham gia liên hoan có nhắm đến huy chương?
Đã tham dự liên hoan thì ai cũng hy vọng đạt huy chương, nhất là huy chương dành cho vở diễn, khi mà mình đầu tư rất nhiều công sức cũng như tiền bạc.
Vở “Ngày ấy cổng trời” quy tụ gần 40 con người nên khá tốn kém về chi phí. Có thể nói, đầu tư cho một vở diễn truyền thống cách mạng liều lĩnh khi mà không biết có bán vé được không nhưng tôi vẫn vững tâm làm. Đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức liên hoan sân khấu nên tôi muốn có một vở diễn tham gia với các sân khấu khác cho vui.
Dù đề tài về truyền thống cách mạng nhưng nội dung rất đời, dễ xem. Khán giả hầu như đều ngồi lại tới giây phút cuối cùng và vở lấy nước mắt khán giả.
Không phải mở sân khấu ra là giàu có
- Như chị nhận định, đề tài này cũng như vở diễn khó bán vé. Vậy sau liên hoan, chị làm thế nào để vở diễn không bị đắp xó?
Tôi cố gắng để vở diễn có đời sống của nó sau liên hoan giống như những vở trước đây: Rặng Trâm Bầu, Khát Vọng Ngày Mai, Hai Người Mẹ… tiếp cận các trường đại học, các khu công nghiệp, các cơ quan ban ngành… Không phải diễn phục vụ mà mình lấy một giá đủ chi trả cho diễn viên và anh em hậu đài tham gia phục vở diễn.
Vở diễn lấy nước mắt người xem với nhiều phân đoạn xúc động.
- Công tác này có gây khó khăn cho chị không?
Khá là khó khăn vì mình tiếp cận trực tiếp các đơn vị nên phải có công văn, giới thiệu nội dung vở, gửi video clip để họ xem, thậm chí là mời họ đến xem vở diễn trước để nắm nội dung. Không biết mình có tự làm khó mình không nhưng tôi thấy vui với những gì mình đang làm. Tôi mong vở diễn tiếp cận được càng nhiều khán giả càng tốt.
- Dù là liên hoan nhưng ngoài yếu tố nghệ thuật thì tiêu chí hàng đầu của các sân khấu khi dựng vở là phải bán được vé. Tuy nhiên, với dòng kịch cách mạng mà chị chọn dựng mấy năm qua gần như đi ngược với hướng đi này?
Hiện tại các sân khấu đều khá khó khăn nhưng thành phố vẫn có nhiều sân khấu mới ra đời là vì lòng đam mê của các nghệ sĩ quá lớn. Biết là khó khăn nhưng vẫn lao vào, vẫn làm, vẫn thực hiện hoài bão. Tôi cũng giống như các anh chị em nghệ sĩ khác. Đam mê nhưng phải nhắm làm được thì tôi mới làm.
Tôi chỉ mong có những đêm diễn, có đủ tiền trả lương cho anh chị em diễn viên, ê-kíp hậu đài, dư một chút để bù lỗ cho việc dựng vở là mừng rồi. Còn để nói lời lãi thì khó, đó là ước mơ thôi.
NSND trong phòng hậu đài.
Đồng nghiệp chúc mừng vở diễn của sân khấu Trịnh Kim Chi.
- Để sống được với đam mê thì phải có điều kiện kinh tế?
Các ông bầu bà bầu đều làm thêm ở ngoài, đi show này show kia để kiếm thêm thu nhập bù lỗ cho sân khấu. Cũng có những sân khấu thành công nhưng cũng có nhiều sân khấu vất vả, khó khăn lắm, chứ không phải mở sân khấu ra là thành triệu phú hay giàu có.
Hồi xưa, bầu show đam mê kiểu “bỏ xác”, cứ lao vào như thiêu thân nhưng như vậy lại không hay vì ảnh hưởng tới gia đình. Bây giờ, mọi người biết cân đong đo đếm hơn, chứ không phải làm để gia đình xất bất xang bang. Ai cũng tính toán làm sao để vừa ổn định được cuộc sống vừa được sống với đam mê của mình. Như vậy mới lâu dài được.
- Ông xã có ủng hộ chị không?
Vì ông xã ủng hộ nên tôi mới dám làm. Anh ấy biết tôi đam mê. Vở nào anh ấy cũng đi xem, thấy được sự lăn xả, sự tiến bộ của vợ nên anh vui. Nói chung, anh lo thì lo nhưng hãnh diện vì vợ và vui vì vợ.
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/trinh-kim-chi-khong-de-gia-dinh-xat-bat-xang-bang-172241126113132038.htm