Nhiều người biết đến Trịnh Lữ không chỉ dưới vai trò là dịch giả của những tiểu thuyết nổi tiếng như Rừng Na Uy, Cuộc đời của Pi, Utopia, Con nhân mã trong vườn... với lối chuyển ngữ phóng khoáng và quan niệm phải làm sao để độc giả cảm giác như người viết chúng là tác giả Việt; mà còn là một họa sĩ xuất thân trong một gia đình có truyền thống hội họa.
Có thể nói ở cả hai mảng ông đều để lại những dấu ấn riêng, vậy khi kết hợp cả hai khía cạnh thì sẽ ra sao? Đó chính xác là những gì mà cuốn Đi vẽ (Omega+ và NXB Dân Trí ấn hành)sẽ cho ta thấy.
Họa sĩ Trịnh Lữ. Ảnh: Diệu Linh
Những bức tranh sống động như nghe được cả thanh âm
Tập sách theo đó là những chia sẻ của riêng Trịnh Lữ trên mạng xã hội về những bức tranh mà ông đã vẽ trong hành trình kéo dài gần 3 tháng liền, từ đầu hạ, sang thu rồi chớm đông sang ở làng Shorewood - nơi gia đình người con trai ông sinh sống vào năm 2014.
Với hơn 70 bức tranh chủ yếu là trực họa thiên nhiên, những gì mắt thấy, tai nghe và tim cảm nhận đã được cô đọng thành những chia sẻ vừa nên thơ, vừa xúc động, qua đó giúp ta hiểu rõ về những tác phẩm cũng như quan niệm của ông về nhiều đối tượng trong cuộc sống này.
Đầu tiên, với một thể loại là trực họa thiên nhiên, Trịnh Lữ đã khơi nên sự đam mê của bản thân mình đối với cây cỏ. Phần lớn tranh ảnh trong tập sách này có đối tượng chính đó là thực vật. Chúng đôi khi là những cây lớn, cành tán um tùm nhưng cũng có khi là những bãi cỏ nằm lặng im lìm bên dưới ánh nắng.
Đó là những cái cây nổi bật ở tiền cảnh để thiết lập nên bố cục cho cả bức tranh, nhưng cũng có thể là những cụm cây đứng sau hậu cảnh để từng chi tiết có thể tương tác, hài hòa với nhau. Đó không chỉ là những tán lá xanh mà còn là những “đốm lửa” mỗi khi thu về…
Bìa sách Đi vẽ. Ảnh Omega+
Trong đó, những bức đẹp nhất của ông đó là qua tranh mà như nghe được cả những thanh âm. Như ông viết để làm được điều đó thì mọi yếu tố phải được tái hiện như một hình tướng mang theo âm hưởng của một bài đàn rung động từ tận tâm can sao cho khi nhìn vào nó, người vẽ như chạm vào cái tinh túy của chính cảnh quan chứ không phải những màu sắc hư huyễn.
Có thể thấy những tác phẩm của Trịnh Lữ không chỉ là việc ghi lại khoảnh khắc nào đó, mà ẩn sâu trong mình, chúng còn mang theo rất nhiều cảm xúc cũng như nhạc cảm, để từ những khoảng cách địa lý xa xôi, người xem như được đắm mình trong bối cảnh ấy dẫu rằng không biết đó là nơi đâu.
Thú vị từ những góc nhìn
Ngoài ra vì là trực họa nên những gì hiển hiện trước mắt là quan trọng nhất. Theo chân tác giả, người xem được đến nhiều nơi, từ ngồi giữa thiên nhiên cảm nhận cây, lá, mây, gió… chan chứa hòa vào với nhau cho đến ngồi trong ô tô và zoom thật xa tái hiện cảnh vật. Mỗi một bối cảnh sẽ lại mang đến những trải nghiệm riêng, có khi bất tiện, có khi thoải mái nhưng điều quan trọng là có cảm hứng và thấy cái đẹp thì mới động cọ.
Trịnh Lữ chia sẻ đứng trước tấm toan đừng để cảm xúc tự nhiên gây sự nhiễu loạn cảm thức hội họa. Ảnh: Omega+
Khác với vẽ từ trong xe có nhiều giới hạn, xem nhiều tranh của Trịnh Lữ, có thể nhận thấy tác phẩm của ông có nắng là tối quan trọng. Nó tạo nên sắc độ và khiến bức vẽ có lớp có lang. Không ít lần trong những buổi vẽ chỉ được dăm phút thì nắng đi mất, khiến ông thấy cảnh vật quanh mình như tẻ nhạt hẳn khi mà thiên nhiên thì như mệt mỏi, không muốn hiển lộ hay là giao đãi, tương tác với nhau. Nhưng cũng có lúc nắng rạng bừng lên những khoảnh khắc cuối, như lời tri ân cho người đã say mê nó.
Qua đó ông cũng nói lên vấn đề lớn hơn đó là đừng để cảm xúc tự nhiên gây nhiễu cảm thức hội họa, rằng trước tấm toan thì ta phải nhìn và cảm như một họa sĩ chứ không phải một nhà văn, nhà thơ hay nhà tu hành hoặc là triết gia... Với trực họa thiên nhiên, cái đẹp thuộc về hội ngộ thoáng qua và người nghệ sĩ chỉ nên lưu giữ cảm xúc sâu sắc và mãnh liệt nhất chứ không phải là thu vào tất cả.
Những bức vẽ của ông phong phú khung cảnh, đem đến cho ta rất nhiều trải nghiệm, từ một khu rừng vắng, một tòa nhà cao tầng cho đến một vùng ven biển, mặt hồ in bóng… Điểm chung của chúng là ở những bức có không gian rộng, có cảm giác như người họa sĩ bị chiếm ngự hoàn toàn, không còn sót lại chút tâm tư nào. Nhưng với những cảnh cận hơn, nhỏ hơn và riêng tư hơn, thì cái nội tình lại hiển lộ ra, chất chứa rất nhiều cảm xúc.
Trịnh Lữ có thể nói luôn tạo ra những bố cục hài hòa, bởi ông luôn biết cách biến đối tượng của những bức tranh trở nên hài hòa, nâng đỡ cho nhau thay vì lấn át, rơi vào hỗn loạn. Đó là cái tài cũng như cái tình của người họa sĩ bởi như ông nói: “Vẽ cảnh đúng là phải nhìn bằng cả sự thông cảm với thiên nhiên, chứ không phải chỉ thông qua mắt nhìn”.
Phần lớn tranh ảnh trong tập sách này có đối tượng chính đó là thực vật. Ảnh: Omega+
Những gì là bản nguyên nhất
Ở những bức vẽ mang đến cảm giác đặc biệt cho bản thân mình, Trịnh Lữ cũng suy tư hơn về bản chất sâu thẳm của những gì hiện ra bên dưới nét cọ. Chẳng hạn trong một bài viết ông đã nói rằng “cái căn bản của vẽ tả thực là nhìn ra được sáng tối, values, toàn bộ mối quan hệ tinh tế từ chỗ sáng nhất đến chỗ tối nhất”. Ông dẫn chứng người Trung Hoa xưa chỉ vẽ bằng mực đen hay người châu Âu cũng bắt đầu với đơn sắc ở các lớp đầu rồi mới đến màu khi dần hoàn thiện.
Vì vậy mà sắc là cái bất định, là cái sắc sắc không không, chứ không phải là hiện hữu căn bản. Điều này ít nhiều gợi cho người đọc đến những cảm nhận đậm tính Đông phương về cái trần trụi và cốt yếu của bất cứ thứ gì trên cuộc đời này đều đến từ cái giản dị. Đó là giản đơn mà lại chân thành.
Những gương hồ cũng khiến ông nhớ đến nhớ những hồ ao xưa ở nơi quê nhà. Ảnh: Omega+
Đối với thiên nhiên, Trịnh Lữ cho thấy một sự bé nhỏ của bản thân mình trước sự hùng vĩ của tạo hóa, từ đó tâm hồn cũng như cảnh vật là có giao hòa. Đỉnh cao của nhận thức đó là khi ông nói mình đã thoát dần khỏi cách nhìn nệ thực cố hữu mà đến được với cái nhìn giao cảm.
Đó là nhìn quang cảnh mà ý thức bản thân sẽ biến thành tranh, lưu giữ cảm xúc gần như âu yếm đối với những gì hiện ra trước mắt. Đầu tiên là nhận ra cấu trúc từ đó tạo thành bố cục rồi hướng mình vào cái dào dạt nhất sao cho có chính có phụ, có nhịp điệu, tình cảm… Ở đó con người trở thành một phần của chính thiên nhiên. Ta nhìn, ta thấy và ta thấu cảm.
Có thể nói ở Đi vẽ, độc giả không những được đọc rất nhiều suy tư của Trịnh Lữ về cuộc đời, về hội họa, về những suy ngẫm mà thông qua những bức tranh đẹp, từ ngữ nên thơ, con người cũng được đắm mình vào trong cái đẹp và sự bao la của thiên nhiên kia, từ đó giao hòa với chính đất trời và là chính mình nhất.
Minh Anh