Tiếp tục phiên họp thứ 39, ngày 19-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật), theo thanhuytphcm.vn.
Dự thảo này mới được Quốc hội thảo luận tại đợt 1 của kỳ họp thứ 8 và dự kiến biểu quyết thông qua vào ngày 29-11, trong đợt 2 của kỳ họp.
Liên quan tên gọi và phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Phiên họp thứ 39, ngày 19-11. Ảnh: Baochinhphu.vn
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc bổ sung sửa đổi 2 luật và sửa đổi tên gọi của dự án luật. Theo đó, tên gọi luật này là "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Về hiệu lực thi hành của luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Riêng quy định về nhóm tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, quy định vốn chủ sở hữu của Luật Chứng khoán áp dụng từ ngày 1-1-2026.
Đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau, trong đó, về sửa đổi, bổ sung Khoản 10 Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước bổ sung quy định các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (điểm a khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng đảm bảo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với dự phòng ngân sách nhà nước, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với phần tăng thu tiết kiệm chi như quy định hiện hành.
Về bổ sung khoản 10a Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp thu theo hướng thể hiện chi ngân sách nhà nước bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan hoặc theo quy định của Chính phủ.
Về bổ sung quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về phân bổ dự toán chi ngân sách chưa phân bổ chi tiết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu tiếp thu theo hướng giao Chính phủ tổ chức theo quy định, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc sử dụng và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách hoặc kỳ họp quyết định dự toán ngân sách hàng năm.
Về nội dung phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thống nhất theo đề nghị của cơ quan thẩm tra. Trường hợp Chính phủ tiếp thu đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể thể hiện từ "phân cấp" sang "phân quyền" phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nghiên cứu, tiếp thu cho đồng bộ, thống nhất và thuyết phục.
Ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội.
Thùy Linh