Sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Kết quả, biểu quyết có 429/429 đại biểu có mặt tán thành.
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng. Ảnh: Media Quốc hội.
Theo đó, sáng 19/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Trong đó, nội dung về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 mới được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 9.
Tại đợt 2 của Kỳ họp, chiều 14/6, Quốc hội sẽ thảo luận 3 nội dung liên quan đến các dự án giao thông gồm: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM và Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
Ngày 27/6, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư 3 dự án nói trên.
Trước khi Quốc hội thông qua điều chỉnh nội dung chương trình Kỳ họp, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Tờ trình, đề nghị điều chỉnh thời gian Quốc hội nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra, tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua trước ngày 18/5/2025 đối với 2 dự thảo nghị quyết.
Thứ nhất là Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai là Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Điều này nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; bảo đảm các Nghị quyết Quốc hội thông qua được quán triệt, triển khai ngay tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vào sáng ngày 18/5/2025.
Chương trình kỳ họp mới bổ sung nội dung về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1. (Ảnh minh họa).
Theo chương trình điều chỉnh, chiều 15/5 Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ cả 2 dự thảo nghị quyết trên. Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường, sau đó bấm nút thông qua cả 2 dự thảo nghị quyết vào cuối giờ sáng hôm sau.
Trước đó, theo nghị trình đã được Quốc hội thông qua, sáng 12/6 (đợt hai của Kỳ họp), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân mới được trình Quốc hội, chiều 28/6 (ngày cuối cùng của Kỳ họp) Quốc hội mới bấm nút nội dung này.
Chương trình mới cũng điều chỉnh thời gian Quốc hội nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, từ ngày 19/5 chuyển sang sáng 20/5.
Ngày 21/5 sẽ thực hiện thảo luận tại tổ, 28/5 thảo luận ở hội trường về nội dung này và dự kiến sáng 24/6 biểu quyết thông qua Nghị quyết trên.
Chương trình mới cũng bổ sung các nội dung Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định, bao gồm: việc bổ sung ngân sách nhà nước chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ bố trí họp riêng (tại phiên họp nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra và phiên thảo luận tổ, hội trường) đối với nội dung về bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).
Dự kiến phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9 sẽ diễn ra vào chiều 27/6.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được đề xuất điều chỉnh tăng hơn 3.700 tỷ đồng, từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng.
Trong đó, dự án thành phần 1 tăng từ 6.240 tỷ lên 6.693 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 tăng từ 6.407 tỷ lên 7.642 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 tăng từ 5.190 tỷ lên 7.216 tỷ đồng.
Phát sinh trong chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí xây dựng là hai yếu tố làm thay đổi tổng mức đầu tư dự án.
Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đầu tư với tổng chiều dài gần 54km. Điểm đầu tại tuyến tránh QL1 thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại QL56 thuộc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (Km 0+000 - Km 16+000) dài 16km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đầu tư quy mô 4 làn xe.
Dự án thành phần 2 (Km 16+000 - Km 34+200) dài hơn 18km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đầu tư quy mô 4 - 6 làn xe (tùy từng đoạn).
Dự án thành phần 3 (Km 34+200 - Km 53+700) dài 19,5km nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu tư quy mô 4 làn xe.
Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Yến Chi