Trình Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chậm nhất ngày 15/4

Trình Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chậm nhất ngày 15/4
một ngày trướcBài gốc
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Ảnh minh họa.
Nghị quyết số 82 nêu rõ, Chính phủ đánh giá cao Thanh tra Chính phủ đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bảo đảm về nội dung và tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan liên quan đã tích cực tham gia ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật với tinh thần trách nhiệm cao.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã thể chế đúng chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Kết luận số 134 về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ trình.
Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật; đồng thời giao Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội chậm nhất là ngày 15/4/2025.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Chính phủ đã sửa quy định tại một số luật chuyên ngành về chức năng của Thanh tra Bộ.
Về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra được bổ sung, lược bỏ, chi tiết hơn ở Điều 7 tại dự thảo; lược bỏ thanh tra cấp huyện, cơ quan thanh tra theo ngành.
Về quy định chuyển tiếp, dự thảo luật nêu rõ, các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 và Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra chưa phù hợp với quy định của luật này thì điều chỉnh để thống nhất với quy định của luật này trong thời hạn 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành. Trong thời gian chưa được sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo quy định của luật này.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thanh tra từ 12 bộ ngành. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, dự thảo Nghị định bổ sung cho Thanh tra Chính phủ các nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của bộ không có thanh tra bộ, cũng như thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ, cơ quan ngang Bộ đại diện chủ sở hữu.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ được bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn về phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí trong giai đoạn hiện nay.
Cơ cấu tổ chức mới của Thanh tra Chính phủ được thiết kế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, với 22 đơn vị trực thuộc. Trong đó, có 5 đơn vị tham mưu tổng hợp, 15 đơn vị thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo lĩnh vực, địa bàn, và 2 đơn vị sự nghiệp công lập.
Linh Đan
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/trinh-quoc-hoi-du-thao-luat-thanh-tra-sua-doi-cham-nhat-ngay-15-4-192250414160058697.htm