Trình Quốc hội lập Quỹ nhà ở quốc gia

Trình Quốc hội lập Quỹ nhà ở quốc gia
4 giờ trướcBài gốc
Chính phủ đề xuất một loạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Duy Hiệu.
Sáng 20/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại tờ trình là Chính phủ đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia để đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.
Lập Quỹ nhà ở quốc gia
Trong đó, Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Lý giải về đề xuất thành lập Quỹ này, Chính phủ cho biết đây không phải nội dung mới mà đã được quy định tại pháp luật về nhà ở trước đây (khoản 2 Điều 52 Luật Nhà ở năm 2005; Điều 19 Nghị định số 90/2006 của Chính phủ).
Hiện nay, cả nước chỉ có một số quỹ phát triển nhà ở như: Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM; Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương; Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Đồng Nai; Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Các quỹ này có chức năng và hoạt động chủ yếu là cho vay đối tượng có thu nhập thấp để tạo lập nhà ở; cho vay các dự án nhà ở; cho vay vốn đối với các hộ, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê; đầu tư trực tiếp tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho thành phố, quản lý quỹ nhà ở xã hội, nhà tái định cư; quản lý, khai thác các khu nhà lưu trú công nhân...
Trong đó, quỹ lớn nhất đang hoạt động là tại TP.HCM, hoạt động từ năm 2005. Đến năm 2023, quỹ đã giải ngân gần 2.800 tỷ đồng cho 5.500 cá nhân thuộc đối tượng hỗ trợ; cho vay 9 dự án nhà ở với tổng số tiền trên 320 tỷ đồng; tiếp nhận, tổ chức quản lý và khai thác 2 công trình nhà lưu trú công nhân; và làm chủ đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội có quy mô trên 3.000 căn với tổng mức đầu tư trên 2.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm 2021, quỹ này gặp khó khăn trong hoạt động do chưa được UBND TP.HCM cấp bổ sung vốn điều lệ.
Chính phủ cũng đánh giá nguồn vốn hoạt động của quỹ phát triển nhà ở địa phương còn hạn chế, nên hầu hết quỹ này đã sáp nhập vào quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Nới thủ tục làm nhà ở xã hội
Ngoài đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia kể trên, tờ trình lần này của Chính phủ cũng đề xuất nhiều cơ chế giúp việc triển khai các dự án nhà ở xã hội dễ dàng hơn, như bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; miễn giấy phép xây dựng với dự án nhà ở xã hội thuộc dự án được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố.
Việc lựa chọn nhà thầu triển khai các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, vốn của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn sẽ được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Liên quan giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất chủ đầu tư được tự xây dựng, thuê tư vấn để thẩm tra trước khi phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện kiểm toán, quyết toán về chi phí đầu tư và gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh để kiểm tra giá bán, giá thuê.
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban cơ bản tán thành với các cơ chế, chính sách đặc thù của dự thảo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Ủy ban cũng tán thành việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, tuy nhiên đề nghị Chính phủ làm rõ một số nội dung. Trong đó, quy định chức năng "đầu tư xây dựng" của Quỹ dẫn đến cách hiểu Quỹ sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư; nếu vậy, cần làm rõ Quỹ có đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và luật khác hay không.
Bên cạnh đó, với nội dung Quỹ nhà ở quốc gia có chức năng tạo lập quỹ nhà ở xã hội, Ủy ban đề nghị làm rõ vị trí pháp lý, mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của quỹ nhà ở xã hội.
Phạm vi chức năng của Quỹ sẽ rất rộng vì đối tượng mà Quỹ hướng tới là toàn bộ người lao động trong xã hội, do đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính phù hợp hơn, bảo đảm tăng cường xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.
Về giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư không thông qua đấu thầu, Ủy ban thẩm tra cho biết nội dung tờ trình đang gây ra hiểu nhầm về việc quy định này áp dụng với cả dự án đầu tư công (quyết định chủ trương đầu tư) và dự án không sử dụng vốn đầu tư công (chấp thuận chủ trương đầu tư). Tuy nhiên, nội dung này trong tờ trình của Chính phủ chỉ gắn với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công. Do đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị rà soát để quy định chính sách đặc thù phù hợp với nguồn vốn đầu tư.
Quang Thắng
Nguồn Znews : https://znews.vn/trinh-quoc-hoi-lap-quy-nha-o-quoc-gia-post1554342.html