Phiên họp Quốc hội sáng 16/5.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 17/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam;
Nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; Biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về:
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi);
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trước đó, sáng 16/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Tại phiên thảo luận, có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu.
Trong đó, đa số các ý kiến đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: phạm vi điều chỉnh; nhiệm vụ, hoạt động được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt; nguyên tắc áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt; ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt; khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật.
Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật; nhóm được hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt; chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật;
Thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật được hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt; phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; kỹ thuật lập pháp.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt. Đồng thời, đề nghị xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các nhóm thụ hưởng chính sách.
Vân Huyền