Chính phủ vừa thông qua dự thảo tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội và TP.HCM.
Bộ GTVT được giao tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền Thủ tướng ký tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội.
Bộ GTVT, Bộ Tư pháp, chính quyền TP.HCM và Hà Nội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan. Song song đó tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết theo yêu cầu của cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau nhiều năm đầu tư metro, Hà Nội và TP.HCM mới đưa vào khai thác được hơn 40km. Ảnh: N.H
Theo dự thảo Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ đề xuất cho hai TP được thí điểm sáu nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt gồm: huy động nguồn vốn; về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TP.HCM.
Nhóm chính sách đáng chú ý là chính sách huy động nguồn vốn. Cụ thể, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án metro, Thủ tướng Chính phủ được: Cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 ngàn tỉ đồng cho Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 ngàn tỉ đồng cho TP.HCM trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.
Thủ tướng được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác cho các dự án mà không phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng đề xuất Thủ tướng có thể huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện các dự án và không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan.
Chính sách trên giúp Thủ tướng quyết định cân đối chi thêm tiền bao gồm tiền ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Giảm trình tự, thủ tục đầu tư liên quan đến việc huy động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi; bảo đảm ngân sách TP giữ vai trò chủ đạo và quyết định.
VIẾT LONG