Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu có lợi hơn cho người lao động

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu có lợi hơn cho người lao động
một ngày trướcBài gốc
Thêm mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP, năm 2025, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là 61 tuổi 3 tháng đối với nam và 56 tuổi 8 tháng đối với nữ. Để được hưởng lương hưu tỷ lệ tối đa 75%, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, lao động nam phải đóng đủ 35 năm BHXH, lao động nữ phải đủ 30 năm đóng BHXH.
Từ ngày 1/7/2025, người đủ điều kiện nghỉ hưu tiếp tục tham gia BHXH sẽ được trợ cấp một lần bằng 2 lần cho mỗi năm đóng cao hơn. Ảnh: Trần Oanh
Luật BHXH năm 2014 cũng quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu: người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Khi tổng kết Luật BHXH năm 2014 (giai đoạn 2016 - 2021), đại diện Bộ LĐTB&XH (cũ) cho biết, mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cho mỗi năm đóng BHXH (sau số năm mà người lao động được tính hưởng tỷ lệ 75%) là 0,5 lần mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là chưa phù hợp và không mang tính chất khuyến khích người lao động đóng BHXH trong thời gian dài. Vì thế, Bộ LĐTB&XH (cũ) đã đề xuất bổ sung quy định về mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cao hơn nhằm khuyến khích người lao động đóng BHXH trong thời gian dài hơn.
Quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cao gấp 4 lần trước đây sẽ khuyến khích được người lao động đủ năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia BHXH, giảm gánh nặng lên quỹ BHXH. Đồng thời, người lao động về hưu được nhận trợ cấp cao sẽ bớt phụ thuộc vào con cháu hoặc có điều kiện sống sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam Nguyễn Hoàng Long
Và, ngày 29/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua tại Luật BHXH số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 với nhiều điểm mới, trong đó bổ sung quy định mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
Cụ thể, tại Điều 68 Luật BHXH năm 2024 quy định lao động nam có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn quy định bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng BHXH thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định, kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.
Khi đón nhận thông tin người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc và đóng BHXH được hưởng trợ cấp bằng 2 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, nhiều người lao động rất phấn khởi.
Chị Hà Thị Phương Anh là công nhân Công ty TNHH May xuất khẩu DHF cho hay: “Việc được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cao hơn quy định cũ sẽ khuyến khích được người lao động khi đủ điều kiện hưởng lương hưu tiếp tục làm việc và có thêm một bộ phận người lao động tham gia BHXH”.
Mức trợ cấp một lần tăng gấp 4 lần so với quy định cũ
Để triển khai Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, Bộ LĐTB&XH (cũ) đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Bộ LĐTB&XH (cũ) đề xuất trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng BHXH thì mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính cụ thể như sau: mỗi năm đóng BHXH cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mỗi năm đóng BHXH cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Khi trao đổi về đề xuất trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 2 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, anh Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam chia sẻ: "Quy định mới khuyến khích được người lao động tham gia BHXH nhưng sẽ tác động lớn đến những người đã đóng BHXH nhiều năm. Thực tế trước đây, nhiều người lao động vẫn lựa chọn tiếp tục làm việc, đóng BHXH mặc dù đã đủ số năm quy định. Khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực, các lãnh đạo, chuyên gia, người lao động thấy được sự ghi nhận, quan tâm hơn khi chế độ được cải thiện, do đó có thêm động lực cống hiến cho xã hội và tiếp tục tham gia BHXH sau khi đã đủ năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu".
TS Phạm Đình Thành - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, theo thông lệ chung, người lao động có việc làm, có thu nhập đều phải tham gia BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, ở nước ta, việc trợ cấp một lần cho người nghỉ hưu đều nhằm bảo đảm công bằng và khuyến khích người lao động tham gia đóng góp BHXH nhiều năm hơn để được hưởng mức cao hơn. Phần vượt trội mỗi năm là 2 tháng lương sẽ khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc và tiếp tục tham gia BHXH. Và mức 2 tháng lương là hợp lý vì khi đó sẽ tính theo mức đóng là 22% x 12 tháng = 264%.
Người lao động sẽ có thêm một khoản hỗ trợ khi nghỉ hưu (cho dù đã làm việc quá tuổi nghỉ hưu theo quy định) tương ứng với mức đóng và thời gian đóng góp của họ. Việc khuyến khích người lao động ở lại làm việc sau khi đủ tuổi nghỉ hưu là cần thiết vì hiện nay tuổi thọ ngày càng tăng, nhiều người đến tuổi nghỉ hưu nhưng năng lực làm việc vẫn còn...
Các chuyên gia BHXH cũng cho rằng người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, đủ năm đóng BHXH theo quy định mà vẫn ở lại hệ thống là yếu tố trực tiếp làm tăng khả năng cân đối quỹ hưu trí lâu dài. Bởi vì sẽ làm giảm số người hưởng lương hưu và đồng thời tăng số người đóng góp vào quỹ hưu trí. Như vậy, quy định mới về mức trợ cấp bằng 2 lần sẽ khuyến khích được người lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao khi đủ tuổi nghỉ hưu có thêm động lực tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội.
Ở các nước công nghiệp phát triển cũng như các quốc gia có chế độ bảo hiểm hưu trí theo luật lâu đời như nước Đức từ năm 1891 thiết kế chế độ hưu trí khác biệt.
Về cơ bản, khi đủ tuổi nghỉ hưu người lao động có đóng góp từ đủ 5 năm đến 45 năm đều được hưởng lương hưu với các mức khác nhau. Luật pháp không bảo đảm mức lương hưu tối thiểu mà căn cứ vào mức đóng và thời gian đóng BHXH, đồng thời cũng không quy định chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Mức hưởng cao nhất của người đóng BHXH 45 năm cũng chỉ là 65%.
Khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà tiếp tục làm việc thì chủ sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm hưu trí. Ở Đức, người hưởng lương hưu phải đóng thuế thu nhập cá nhân và phải đóng bảo hiểm y tế từ lương hưu của mình. Đây là điểm khác biệt từ đó cho thấy tính ưu việt của chế độ hưu trí của Việt Nam.
TS Phạm Đình Thành - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam)
Trần Oanh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tro-cap-mot-lan-khi-nghi-huu-co-loi-hon-cho-nguoi-lao-dong.html