Trò chuyện với người đã khuất qua 'điện thoại gió'

Trò chuyện với người đã khuất qua 'điện thoại gió'
12 giờ trướcBài gốc
Bốt điện thoại gió trong vườn của ông Itaru Sasaki.
Trên ngọn đồi ở Ōtsuchi (Iwate, Tōhoku, Nhật Bản) có bốt hướng ra biển, với chiếc điện thoại quay số màu đen, được gọi là kaze no denwa, hay “điện thoại gió”, đặt bên trong.
Mọi người có thể dùng nó để “gọi” cho những người thân yêu đã mất của mình, chia sẻ những lời chưa nói hoặc tìm kiếm sự liên lạc vượt ra ngoài thế giới vật lý.
Công cụ xoa dịu nỗi đau
Câu chuyện về chiếc điện thoại gió bắt đầu ở làng chài Ōtsuchi. Năm 2010, nơi đây có dân số là 16.000 người.
Itaru Sasaki, nhà thiết kế sân vườn có mối quan hệ thân thiết với anh họ là thư pháp gia và huấn luyện viên võ thuật. Không may vào năm 2010, người này được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và không qua khỏi. Khi người anh họ ra đi mãi mãi, Sasaki quá đau buồn nên tìm cách để xoa dịu nỗi đau của mình.
Trước đó, ông đặt một bốt điện thoại trống trong vườn để trang trí. Nhưng sau khi người anh họ qua đời, ông bắt đầu lắp vào đó chiếc điện thoại quay số màu đen, không kết nối với bất kỳ mạng nào và cuốn sổ ghi những lời nhắn nhủ. Ông hình dung ra một mục đích mới cho nó, xem như là cách để “nói chuyện với gió” và liên lạc với người anh họ đã khuất của mình ở thế giới bên kia.
Thời điểm Sasaki hoàn thành việc lắp đặt điện thoại gió vào tháng 12/ 2010, làng Ōtsuchi, nơi có ngôi nhà của vợ chồng ông vẫn bình lặng như mọi khi. Nhưng ba tháng sau, một thảm họa ập đến đã làm thay đổi tất cả.
Vào ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9,1 độ richter đã xé toạc đáy biển gần Nhật Bản, tạo ra những con sóng cao tới 40m lao về phía bờ biển, ập vào thành phố Miyako.
Khoảng 560 km2 vùng Tōhoku bị chìm trong nước. Bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, nhà cửa, đường sắt và hầu như mọi thứ khác đều bị phá hủy. Trận lũ kinh hoàng này cũng gây ra sự cố hệ thống làm mát tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, dẫn đến việc tan chảy hạt nhân, khiến hơn 150.000 người phải di dời.
Ông Itaru Sasaki bên trong bốt điện thoại gió.
Phổ biến khắp thế giới
Trận sóng thần cướp đi sinh mạng của hơn 19.000 người. Hàng triệu người không có nước sạch và điện, hơn 120.000 tòa nhà bị phá hủy chỉ trong vài phút. Cuộc sống của những người may mắn sống sót thay đổi sâu sắc khi nhà cửa của họ bị phá hủy, kế sinh nhai bị tước đoạt và trong nhiều trường hợp, những người thân yêu của họ đã ra đi mãi mãi.
Đối với nhiều người, nỗi đau buồn được biểu hiện theo những cách khác thường. Một số vẫn cầu mong gặp lại người thân yêu đã khuất của mình, còn những người khác, sự mất mát sau thảm họa khiến họ trở nên cô đơn và lạc lõng.
Vì vậy, Itaru Sasaki quyết định mở cửa khu vườn của mình cho công chúng. Ông mời những người đang đau buồn đến sử dụng điện thoại gió để nói chuyện với người thân yêu đã mất.
“Mọi chuyện xảy ra trong chớp mắt, thậm chí đến bây giờ anh vẫn không thể quên. Anh đã gửi cho em một tin nhắn nói cho em biết anh đang ở đâu, nhưng em không mở để đọc”, Kazuyoshi Sasaki nói với vợ mình là Miwako qua điện thoại gió, “Khi anh trở về nhà và nhìn lên bầu trời, có hàng ngàn ngôi sao, giống như đang nhìn vào một hộp trang sức. Anh đã khóc và biết rằng có rất nhiều người đã chết”.
Kazuyoshi Sasaki đã dành nhiều ngày để tìm kiếm vợ mình, lục tung đống đổ nát của ngôi nhà, tìm đến các nhà xác tạm thời và trung tâm sơ tán. Ông không bao giờ tìm thấy vợ. Giống như nhiều người khác, sự tàn phá đột ngột do cơn sóng thần mang lại khiến ông không thể nói lời tạm biệt với người thân yêu.
“Nó không giống bất kỳ cái gì khác”, Sasaki nói về điện thoại gió, “Không phải là liệu pháp, cũng không phải là cầu nguyện. Bạn nhấc điện thoại lên và não bạn đã chuẩn bị, rồi nó được kết nối. Bạn không nghĩ những gì bạn muốn nói, bạn chỉ nói ra và nói to lên”.
Không chỉ những người mất người thân trong trận sóng thần mới thấy điện thoại gió có tác dụng xoa dịu nỗi đau. Đối với nhiều người, đại dịch Covid-19 cũng đã tạo ra nhu cầu tương tự. “Có rất nhiều người không thể nói lời giã biệt với người thân”, Itaru Sasaki nhận xét, “Giống như một thảm họa, đại dịch đến đột ngột và gây ra những cái chết xảy ra nhanh chóng, nỗi đau mà nhiều gia đình phải trải qua cũng lớn hơn nhiều. Nhưng tiếng gió có thể giúp người đau buồn vượt qua mất mát”.
Nhiều người đến đây để trò chuyện, hy vọng người thân của họ có thể nghe thấy nỗi lòng của mình. Số khác đến bày tỏ mong muốn của bản thân, số khác nữa đến để thông báo rằng những người còn sống đang sống rất tốt và mong họ yên nghỉ. Cuộc nói chuyện đơn phương khiến họ cảm thấy thoải mái hơn, thanh thản và tin rằng người thân bên kia thế giới có thể nghe thấy.
Sau thảm họa sóng thần, điện thoại gió của Sasaki đã được hơn 30.000 người ghé thăm và ông không còn là người duy nhất dùng liệu pháp này. Theo bản đồ từ My Wind Phone, các bốt điện thoại tương tự đã được lắp đặt trên toàn thế giới, với 265 bốt chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ và 111 bốt khác trên thế giới.
Theo Allthatsinteresting
Lê Du
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/tro-chuyen-voi-nguoi-da-khuat-qua-dien-thoai-gio-post740056.html