Trở lại thành phố sau 9 ngày ăn Tết với cha mẹ, con khóc đỏ mắt, mong một điều

Trở lại thành phố sau 9 ngày ăn Tết với cha mẹ, con khóc đỏ mắt, mong một điều
4 giờ trướcBài gốc
Bố mẹ anh Trung cùng 70 tuổi, sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trong ngôi nhà rộng rãi, có sân vườn, đầy đủ tiện nghi nhưng thiếu hơi ấm của con cái. Ngoài anh Trung, ông bà còn có cô con gái cũng lấy chồng xa, định cư ở nước ngoài.
20 năm trước, anh Trung lên Sài Gòn học tập, lập nghiệp, cưới vợ rồi sinh con ở đây. Trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, ở tuổi gần ngũ tuần, anh có nhà, xe hơi, kinh tế tốt. Không ít lần anh có kế hoạch đón bố mẹ lên Sài Gòn ở cùng con cháu, tiện bề chăm sóc nhưng không được, chỉ với lý do “sợ khói bụi, cuộc sống hối hả ở thành phố”.
Cách đây nửa năm, bố anh Trung bệnh nặng phải nằm viện một tháng, mẹ anh theo lên chăm sóc. Sau đó cả hai chuyển về “sống thử” cùng con cháu được 2 tháng. Cuối cùng ông bà vẫn “xin về” mặc dù con cháu hết lòng hiếu thảo.
“Tôi luôn nghĩ về gia đình ở quê dù đã lo cho cha mẹ nhiều nhất có thể. Ước gì tôi có thể gần gũi cha mẹ mỗi ngày để ông bà được hạnh phúc”, anh Trung nói.
Nỗi lòng của anh Trung cũng là sự trăn trở của nhiều người ở độ tuổi trung niên. Khi họ thành công trong sự nghiệp, đến độ tuổi mong được gần gũi báo hiếu cha mẹ nhưng khoảng cách địa lý, khác biệt về lối sống khiến họ khó hoàn thành được đạo làm con.
Một gia đình hòa mình vào thiên nhiên, trẻ nhỏ tự do chạy nhảy. Ảnh: Anh Khoa
Giống như anh Trung, chị Lan 46 tuổi, quê ở Cà Mau, làm việc ở Long An, cũng bịn rịn khi kết thúc những ngày đoàn viên để quay trở lại thành phố làm việc. Nhà có mỗi hai chị em gái đều ở xa ba mẹ, Tết năm nay chị cùng chồng và hai con ăn Tết nhà ngoại.
“Ngày tôi thông báo về ngoại ăn Tết, mẹ tôi vui đến nức nở. Về đến nhà thấy bà chuẩn bị mọi thứ tươm tất, bà cháu quấn quýt nhau, mà tôi càng xót xa”, chị Lan tâm sự. Mấy ngày Tết bên mẹ, chị như được sống lại tuổi thơ bình yên khi tự tay gói chiếc bánh tét, còn lũ trẻ có khoảng sân vườn tha hồ chơi trò chơi dân gian.
“Cha mẹ tôi chỉ muốn sống ở quê, có vườn cây, sân cỏ, có tình làng nghĩa xóm ấm ấp, không chịu được cảnh thành phố xô bồ. Đây cũng chính là lý do ông bà từ chối lời đề nghị chuyển lên ở cùng chúng tôi”, chị Lan nói.
Người già mong được sống trong không gian rộng mở, trong xanh để đi bộ và hoạt động ngoài trời. Ảnh: Ngọc Linh
Một chuyên gia tâm lý cho biết, kỳ nghỉ Tết trôi qua khiến ai cũng tiếc nuối, bịn rịn chia tay, nhất là những gia đình sống xa quê, lập nghiệp nơi đất khách. Nhưng tất cả chúng ta phải chấp nhận để quay lại với cuộc sống, với công việc thường ngày.
Khoảng cách thế hệ không chỉ là tuổi tác mà còn vì những nhu cầu về môi trường sống rất khác nhau. Ông bà đã quen nhà sân rộng, môi trường sống gần gũi có tình làng nghĩa xóm, trong khi thế hệ chúng ta hầu hết là trụ lại thành phố để duy trì công việc và học tập.
Để có nhà sân vườn, con cái phải là những người cực kỳ thành đạt, mua được căn nhà to, song cũng khó có thể "mua" được những người hàng xóm chan hòa, gần gũi. Những khu nhà kín cổng cao tường không thể giữ chân ông bà được lâu.
“Con cái muốn phụng dưỡng cha mẹ nhưng chỉ có tiền là chưa đủ. Khoảng cách thế hệ, lối sống và cả không gian sống đang đè nặng lên trăn trở của nhiều người con”, chuyên gia nói.
Người lớn muốn có được không gian để sống đa thế hệ, vui vầy cùng con cháu. Ảnh: Anh Khoa
Không ít người đang cố gắng thuyết phục cha mẹ “rời quê lên phố” sống cùng con cháu, còn có những người “bỏ phố về quê” để sống, báo hiếu cha mẹ.
Với những người thành đạt, họ lựa chọn tìm một không gian phù hợp với cha mẹ, có thể không sống chung nhưng sống gần nhau, thuận tiện qua lại giữa hai bên để hài hòa, vừa đảm bảo công việc vừa tròn đạo làm con.
Anh Trung cho biết, kế hoạch của anh là sẽ tiếp tục thuyết phục ông bà lên sống cùng con cháu. Trường hợp cần thiết anh sẽ đổi nhà để phù hợp với nhu cầu sống của cha mẹ và của cả đại gia đình bởi “khi cha mẹ già thì chẳng còn mấy cái Tết sum vầy nữa”.
Thanh Hoa
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/tro-lai-thanh-pho-sau-9-ngay-an-tet-voi-cha-me-con-khoc-do-mat-mong-mot-dieu-2368240.html