Trở lại 'vùng biển trắng'

Trở lại 'vùng biển trắng'
11 giờ trướcBài gốc
Gia đình anh Nguyễn Văn Tuân xuống giống nuôi hàu.
Có mặt trên biển Vân Đồn ngay sau siêu bão Yagi hồi tháng 9/2024, mới thấy hết được sức tàn phá ghê gớm của cơn bão dữ. Vân Đồn là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn nhất Quảng Ninh, nhưng chỉ sau vài tiếng bão Yagi quần thảo, toàn bộ diện tích nuôi trồng nhuyễn thể, ô lồng nuôi cá trên biển của người dân trong huyện bị bão đánh tan tác. Nhiều gia đình cả đời mưu sinh, trở nên giàu có từ biển, bỗng chốc trắng tay. Những khu NTTS trù phú trong thoáng chốc chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn…
Bão “xóa bài”, ngư dân “chơi ván mới”
Đã hơn 3 tháng sau cơn bão tàn khốc ấy, đến bây giờ nhắm mắt lại ông Vũ Văn Hựng, người từng có 36 ô lồng thả cá song, vược, giò, chim ở vùng biển Hòn Cò (khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn), vẫn hình dung rõ rệt cảnh tượng hãi hùng trưa 7/9/2024.
“Đến 11 giờ, mưa sầm sập. Sóng cuộn cao quá thân người. Dây neo một số bè nuôi bên cạnh bắt đầu đứt, sau đó đến bè cá của mình. Tôi bám chặt vào cái cột trong chiếc bè có nhà nổi để ở, nhìn cá của mình trôi ra biển nhưng lúc ấy không còn cảm giác tiếc. Bè trôi đến Chương Cả (thuộc xã Đông Xá, huyện Vân Đồn), vướng vào núi phao nhựa rồi nằm gọn trong đó, mình thoát chết” – ông Hựng nói.
36 lồng cá, khối lượng thương phẩm khoảng 25 tấn, tương đương 4 tỷ đồng, vợ chồng ông Hựng chắc mẩm xuất bán vụ Tết là trả dứt nợ. Ai ngờ bão mang đi hết, để lại khoản nợ 1 tỷ đồng gồm 400 triệu đồng vay ngân hàng, phần còn lại vay lãi ngoài.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Khoản vay 100 triệu đồng thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cẩm La (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vừa đủ để gia đình ông Hựng dựng lại bè ở mới, tạm ổn định chỗ ở sau khi bão Yagi đi qua. Dồn 300 triệu đồng ngân hàng cho vay thêm từ tài sản bảo đảm cũ, vợ chồng ông Hựng kịp đóng lại 30 ô lồng nuôi cá và mua 3.000 con giống cá song, vược, nay đã thả nuôi trên dưới 20 ngày.
Không biết trong vùng còn bao nhiêu trường hợp như vợ chồng ông Hựng phải làm lại từ đầu ở tuổi xế chiều. “Cái nghiệp nuôi biển là vậy. Dường như ai đã theo nghề này thì đều gắn bó với nó cả đời, trừ khi không còn sức lực” – ông Nguyễn Sỹ Bính, một trong những người tiên phong nuôi hàu treo dây, nuôi cá lồng bè ở vùng biển Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), nói.
Vợ chồng ông Vũ Văn Hựng gây dựng lại lồng bè nuôi cá mới.
Bão Yagi ập tới, toàn bộ hệ thống ống nhựa dùng để làm nhà bè, giàn nuôi hàu, lồng nuôi cá và rong sụn trị giá gần chục tỷ đồng của ông Bính bị sóng gió đánh tan tành; 2 giàn hàu trị giá gần 2 tỷ đồng bị bão cuốn bay. Các lồng nuôi cá song trị giá khoảng 500 triệu đồng cũng bị sóng đánh, cá hoặc chết hoặc trôi cả ra biển.
Ngay sau bão, trừ những thứ nhặt nhạnh có thể tận dụng được, còn lại ông Bính đầu tư mới. Đến tháng 11/2024, toàn bộ diện tích ô lồng, giàn nuôi đã được khôi phục, thậm chí còn phát triển hơn thời điểm trước bão. Tính đến hiện tại, ông Bính đã gây dựng, đóng mới được 50 ô lồng nuôi cá, 5 ha với 75 giàn nuôi hàu, 5 ha bãi nuôi ngao và ốc nhảy, còn lại nuôi xen canh rong sụn.
Tái thiết vùng nuôi thủy sản
Ông Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, chia sẻ: “Ở thời điểm khó khăn sau bão Yagi, giao khu vực biển cho các hộ NTTS là giải pháp tốt nhất để các hộ yên tâm đầu tư, khôi phục sản xuất”.
Tính đến ngày 10/12/2024, huyện Vân Đồn đã giao trên 8.000 ha khu vực biển cho hơn 1.000 hộ dân có nhu cầu NTTS. Các hợp tác xã, các hộ dân khác cũng đã sắp xếp lại vùng nuôi, thả phao và xuống giống. Đối với diện tích ngoài 3 hải lý, huyện cũng đã xác nhận khu vực biển cho các hộ dân, đơn vị. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành của tỉnh lên phương án sơ đồ giao khu vực biển, hoàn thành đánh giá tác động môi trường để báo cáo với UBND tỉnh giao khu vực biển cho các hộ dân, đơn vị.
Sau bão, gia đình anh Phạm Văn Thân (nuôi cá tại khu vực Hòn Béo Cò, thị trấn Cái Rồng) là một trong 5 hộ dân đầu tiên được huyện Vân Đồn giao biển với diện tích 5.000m2. Khu vực đang nuôi cá lồng bè của gia đình anh Thân nằm trong phạm vi 3 hải lý tính từ đường triều kiệt và thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của huyện.
“Huyện giao khu vực NTTS chính là điều kiện quan trọng để gia đình tôi cũng như những hộ khác yên tâm tái thiết sản xuất sau bão. Nếu như nhà ở trên đất liền là sổ đỏ thì với những hộ nuôi trồng dưới biển như chúng tôi, quyết định giao biển cũng chính là căn cứ để chúng tôi yên tâm đầu tư và vay vốn phát triển nuôi trồng”, anh Thân nói.
Vùng NTTS ở khu Phất Cờ của ông Nguyễn Sỹ Bính đã được tái thiết, quy mô còn lớn hơn giai đoạn trước bão Yagi.
Thời điểm cuối năm, hàu thương phẩm đạt đỉnh giá (30.000 đồng/kg). Theo anh Nguyễn Văn Tuân (khu 8, thị trấn Cái Rồng), đây là động lực để những người nuôi hàu như anh quyết tâm khôi phục sản xuất. Ngay sau bão Yagi, ba anh em anh Tuân vay hơn 2 tỷ đồng, dồn sức cho 70 giàn hàu trên vùng biển mới được giao ở 2 xã Hạ Long và Bản Sen.
“Tốc độ thả nuôi như của anh em tôi là còn chậm. Nhiều hộ khác xuống giống nhiều hơn, mạnh tay đầu tư nuôi hàu còn lớn hơn trước bão. Hi vọng đến mùa thu hoạch vào tháng 6 năm sau, chúng tôi sẽ thu về được số vốn đầu tư ban đầu, năm tiếp theo mới tính đến lãi”, anh Tuân nói.
NGUYỄN QUÝ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tro-lai-vung-bien-trang-10299187.html