Trò lố hay ám ảnh của con số?

Trò lố hay ám ảnh của con số?
18 giờ trướcBài gốc
Giữa giờ tan tầm vốn dĩ đã đông người lưu thông, tiếng còi hụ của xe cứu thương vốn chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp đã không còn nhận được sự thông cảm của những người vãng lai mà thay vào đó là sự bực tức khi họ hiểu rằng mình đã phải nhường đường cho một số người xúng xính áo quần “trẩy hội”.
Ngay sau khi bị cơ quan chức năng xử lý và nhận được rất nhiều phê phán của công chúng, nhà sản xuất “Âm dương lộ” đã xin lỗi nhưng không quên lý giải rằng vì bộ phim có nội dung xoay quanh những gì xảy ra trên một chuyến xe cứu thương nên họ đã sử dụng phương tiện này đưa đón diễn viên tới lễ ra mắt nhằm tạo điểm nhấn. Đây là một lý giải vụng về. Không lẽ, một bộ phim chiến tranh có sử dụng phương tiện chính là xe tăng thì nhà sản xuất cũng lựa chọn xe tăng như một điểm nhấn cho lễ ra mắt hay sao?
Dàn diễn viên phim “Âm dương lộ” được xe cứu thương chở đến sự kiện.
Thực tế, đây không chỉ là câu chuyện điểm nhấn như lý giải trên, mà nó là câu chuyện của những con số. Nếu không bị lên án, không bị xử lý, tức là mọi việc trót lọt, rất có khả năng ngay sau buổi lễ ra mắt phim kia sẽ nhan nhản những video ngắn có nội dung kiểu như “diễn viên A, tài tử B với giây phút thót tim trên xe cứu thương” xuất hiện trên mạng xã hội. Với cách truyền thông giật gân đó, họ có thể thu hút được sự chú ý từ đám đông, từ đó ngầm truyền tải cái tên của bộ phim gắn chặt vào bộ nhớ của cộng đồng. Những nhà sản xuất các chương trình giải trí luôn có thiên hướng truyền thông theo công thức ấy, công thức “lấy con số từ mạng xã hội làm điểm tựa cho khả năng thành công của một dự án”.
Bất kỳ một đề xuất truyền thông nào (proposal) luôn gắn với cam kết số lượt tương tác tối thiểu trên các nền tảng mạng xã hội. Sử dụng con số làm thước đo đã là chuyện rất bình thường trong suốt hơn chục năm qua. Phải thừa nhận, đánh giá bằng con số rất dễ lượng hóa và hợp lý trong việc thẩm định một dự án. Nhưng, dựa vào con số tới mức ám ảnh thì lại là căn bệnh đúng nghĩa. Đó là một căn bệnh lệ thuộc vào mạng xã hội và dễ dẫn tới hội chứng làm bất chấp chỉ để câu được nhiều con số nhất.
Cách đây cũng chưa lâu, vụ việc vác quan tài diễu phố đã tạo ra một cảm nhận rất sốc đối với nhiều người. Không ai nghĩ một hành vi phản cảm như vậy lại có thể được thực hiện một cách dễ dãi, thậm chí “chủ đầu tư” còn làm đi làm lại vài lần cho “đạt hiệu quả hình ảnh”. Ngay sau khi sự việc diễu quan tài ở TP Hồ Chí Minh vừa bị xử lý nghiêm khắc xong, tưởng rằng sẽ có những người phải cân nhắc hơn trước khi hành động, nhưng hóa ra, con số đã khiến họ bất chấp khi lại có thêm một vụ diễu quan tài khác cùng vụ “Âm dương lộ” lạm dụng xe cứu thương sai mục đích.
Tạo ra nội dung hấp dẫn người dùng mạng xã hội luôn là một mục đích chính đáng nhưng làm nội dung bất chấp chỉ để lôi kéo sự tò mò thì lại rất dễ dẫn tới các trò lố. Cách làm này thực tế đã bị phê phán rất nhiều lần kể từ thời Yahoo 360 rồi chứ không phải mãi tới tận hôm nay mới bị đặt dưới soi chiếu của cộng đồng. Nhưng, rõ ràng, không phải ai cũng có thể có được ý thức nghiêm cẩn trước những nội dung mà mình sẽ tung ra cộng đồng. Chính vì thế, cần phải có chế tài chặt hơn nữa, xử lý mạnh tay hơn nữa và đặc biệt, các trang thông tin cũng không nên cổ xúy cho những nội dung dễ dãi bởi chính việc cổ xúy nội dung dễ dãi sẽ rất dễ khiến nhiều người nghĩ rằng gây trò lố thì cũng chẳng có gì là quá nghiêm trọng và khác thường.
Hà Quang Minh
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tro-lo-hay-am-anh-cua-con-so--i764045/