Trợ lực cho nông dân làm kinh tế

Trợ lực cho nông dân làm kinh tế
4 giờ trướcBài gốc
Nhiều mô hình giúp nhau làm kinh tế đang phát huy hiệu quả, được duy trì phát triển như: tổ hùn vốn xoay vòng, quỹ hỗ trợ nông dân, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... từng bước đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động sản xuất.
Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Dư, ấp Tân Ðiền A, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân tạo điều kiện cho ông vay 30 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân. Có vốn, ông đầu tư làm chuồng nuôi dê. Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật qua các lớp tập huấn do hội, xã tổ chức mà mô hình kinh tế của ông phát triển ổn định. Hiện nay, ông duy trì đàn dê từ 50-60 con, mỗi năm cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân, ông Nguyễn Văn Dư duy trì nuôi từ 50-60 con dê, thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm.
Ông Dư cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ có thu nhập từ mấy công vuông, cũng nhờ có nguồn vốn vay của quỹ hỗ trợ nông dân mà kinh tế gia đình thay đổi. Hoàn trả xong vốn vay, gia đình tiếp tục duy trì phát triển mô hình”.
Không chỉ khai thác nguồn vốn cho hội viên vay, hội còn khuyến khích hội viên đăng ký thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới với nhiều nội dung phong phú, thiết thực.
Ðiển hình hội viên làm kinh tế giỏi là hộ ông Tiêu Văn Ten, ấp Hàng Còng. Ngoài bán tạp hóa, dịch vụ nấu đám tiệc, trên diện tích 2 ha, ông nuôi tôm 2 giai đoạn kết hợp nuôi cua, duy trì mô hình nuôi dê nhốt chuồng hơn 50 con. Mỗi năm dê cái sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 3-4 con, mỗi cặp dê giống giá bán từ 4-5 triệu đồng, dê thịt nuôi 6-7 tháng khoảng 25-30 kg có thể xuất bán với giá từ 120-140 ngàn đồng/kg. Thu nhập của gia đình sau khi trừ chi phí trên 100 triệu đồng/năm.
Ðể đàn dê phát triển tốt, ông Ten đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc, chuồng trại xây dựng cao ráo, giữ sạch sẽ, dê được tiêm vắc xin phòng bệnh.
“Nuôi dê nhốt chuồng ít tốn công chăm sóc, đảm bảo được vệ sinh môi trường; nguồn thức ăn của dê đa dạng, dễ tìm, chủ yếu là lá cây tự nhiên như: lá chuối, lá mì, cỏ voi... bổ sung thêm cám công nghiệp để tẩm bổ cho đàn dê”, ông Ten cho biết.
Ông Mai Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tạ An Khương, cho biết: “Hội Nông dân xã có 962 hội viên, sinh hoạt ở 9 chi hội ấp. Hội sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được, tăng cường xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, tích cực hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Cùng với đó, hội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới”./.
Tiểu Ái
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/tro-luc-cho-nong-dan-lam-kinh-te-a35121.html