Bài viết này là quan điểm của Reece Rogers, cây viết chuyên về dịch vụ công nghệ của WIRED, từng phụ trách mảng nội dung về dịch vụ streaming tại Business Insider. Anh cũng là tác giả của series "AI Unlocked" về cách sử dụng hiệu quả các công cụ AI.
Các công ty trí tuệ nhân tạo đang tích cực quảng bá những trợ lý tài chính AI, hứa hẹn giúp người dùng đạt được mục tiêu tài chính, như thoát khỏi nợ nần, tiết kiệm hiệu quả hơn, đầu tư thông minh. Điều này khiến nhiều người trẻ, đặc biệt là những người gặp khó khăn về tài chính, đã đổ xô sử dụng các ứng dụng này.
Tôi đã chọn 2 cái tên nổi bật trong bảng xếp hạng App Store của Apple: Cleo và Bright, những chatbot tài chính AI được quảng bá như “người cố vấn” cho thế hệ trẻ sống dựa vào lương tháng.
Cụ thể, Cleo là một trợ lý tài chính ảo được phát triển tại Vương quốc Anh, hiện đã mở rộng dịch vụ sang các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Canada và Australia. Còn "trợ lý" Bright được thiết kế chủ yếu cho người dùng tại Mỹ, nơi thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân phổ biến.
Cả 2 đều yêu cầu người dùng liên kết tài khoản ngân hàng thông qua dịch vụ bên thứ ba là Plaid để phân tích thói quen chi tiêu, hỗ trợ trả nợ và xây dựng tín dụng.
Theo Barney Hussey-Yeo (Anh), CEO của Cleo, chatbot này được thiết kế như một “người bạn đồng hành tài chính” giúp người dùng đưa ra quyết định tốt hơn.
Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế của tôi lại phát hiện thêm những khoản chi tiêu không cần thiết được các cố vấn AI khuyến khích.
Việc quá phụ thuộc vào các đề xuất vay tiền có thể khiến người dùng rơi vào vòng nợ nần. Ảnh minh họa: Shkrabaanthony/Pexels.
'Bẫy' vay tiền
Ban đầu, Cleo AI tạo thiện cảm bằng những câu đùa hóm hỉnh về thói quen chi tiêu của người dùng. Khi tôi vào vai một người dùng đang chật vật vì thiếu tiền mua thực phẩm, Cleo đã ngay lập tức đề xuất tôi vay tiền mặt thông qua ứng dụng thay vì đưa ra lời khuyên tiết kiệm.
Sau khi xác định được khả năng vay tiền của người dùng, AI khuyến khích nâng cấp lên gói thành viên Cleo Plus với giá 6 USD/tháng. Ứng dụng đề nghị tôi ứng trước 130 USD, chia thành 2 đợt 65 USD trong 2 ngày.
Thay vì đưa ra lời khuyên tiết kiệm, AI tài chính thường khuyến khích vay tiền với các khoản phí đi kèm. Thirdman/Pexels.
Nếu không muốn chờ 3-4 ngày làm việc để nhận tiền miễn phí, người dùng có thể chọn chuyển khoản nhanh trong ngày với phí 8 USD. Điều này đồng nghĩa với việc sau một tuần, phải trả lại 73 USD cho khoản ứng 65 USD. Không lâu sau đó, Cleo tăng giới hạn ứng tiền của tôi lên 200 USD.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Bright, ứng dụng cung cấp các khoản vay qua bên thứ ba lên đến 10.000 USD. Mọi thao tác trong ứng dụng Bright đều hướng người dùng đến các dịch vụ của đối tác bên ngoài. Điển hình như cuối giao diện chatbot luôn xuất hiện các nút gợi ý sẵn, trong đó có 2 tùy chọn liên quan đến vay tiền nhanh.
Mặc dù được quảng cáo là "trợ lý quản lý nợ AI", Bright lại thường xuyên đề xuất các khoản vay với lãi suất lên tới 195%/năm.
Gói đăng ký Bright có giá 39 USD cho 3 tháng sử dụng dịch vụ, nhưng chatbot này thường xuyên đưa ra thông tin sai lệch về chi phí giao dịch, gây hoang mang cho người dùng.
Chẳng hạn, Bright thông báo rằng tôi đã mất hơn 7.000 USD do phí tài khoản thiếu tiền trong tháng, một con số phi thực tế.
Người trẻ thành nạn nhân
Các công ty phát triển chatbot tài chính đang đặc biệt nhắm đến Gen Z (sinh năm 1997-2012) và Millennials (sinh năm 1981-1996), nhóm đối tượng dễ tổn thương về mặt tài chính.
Theo báo cáo năm 2023 của công ty fintech LendingClub, 60% người Mỹ sống dựa vào lương tháng và gặp khó khăn trong việc chi trả các khoản chi tiêu thiết yếu. Điều này cho thấy một bộ phận lớn người trẻ đang đối mặt với áp lực tài chính, dễ bị thu hút bởi những giải pháp hỗ trợ nhanh chóng dù tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đây cũng chính là thị trường mà Cleo AI nhắm đến. CEO của Cleo cho biết nền tảng này được thiết kế nhằm giữ chân người dùng và tạo doanh thu từ các sản phẩm tài chính cá nhân hóa, tương tự như cách các ngân hàng truyền thống và công ty fintech khác hoạt động.
Thế hệ Gen Z và Millennials dễ bị ảnh hưởng bởi các giải pháp tài chính nhanh chóng nhưng đầy rủi ro. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.
Chẳng hạn, khi điểm tín dụng của người dùng giảm, Cleo sẽ gợi ý dịch vụ cải thiện tín dụng có phí. Nếu tài khoản sắp bị âm, chatbot sẽ đề xuất dịch vụ ứng lương với khoản phí xử lý nhanh.
Tôi cho rằng những ứng dụng này có thể giúp người dùng quản lý chi tiêu và theo dõi tài chính hiệu quả. Tuy nhiên, việc liên tục đưa ra các đề xuất vay tiền, đặc biệt là với lãi suất cao, có nguy cơ đẩy người dùng vào vòng xoáy nợ nần nghiêm trọng hơn.
Như Phương