Trở thành nạn nhân 'bất đắc dĩ' vì lộ dữ liệu cá nhân

Trở thành nạn nhân 'bất đắc dĩ' vì lộ dữ liệu cá nhân
16 giờ trướcBài gốc
Báo cáo tổng kết An ninh mạng năm 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho thấy tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân ở nước ta vẫn rất phổ biến. Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tuân thủ bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết để đảm bảo quyền riêng tư và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân, tổ chức trong thời đại số.
Thông tin trên nhận về nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Đa số bày tỏ sự lo ngại vì dữ liệu cá nhân như số điện thoại, địa chỉ, tài khoản ngân hàng hay thậm chí là thói quen trực tuyến của người dùng có thể bị xâm phạm nếu không được bảo vệ cẩn thận. Đặc biệt trong thời đại số, người dân thường xuyên cài đặt các ứng dụng, thanh toán online, checkin online,...
Phiền toái và hệ lụy khôn lường
Siết chặt các chứng chỉ bảo mật
Là kỹ sư công nghệ thông tin, tôi thấy một lỗ hổng nhỏ là các công ty đang thu thập dữ liệu cá nhân rất nhiều. Bây giờ mua cái gì cũng cài app (app thành viên, app tích điểm…), quét mã QR.
Như vậy, không ai biết các dữ liệu này được sử dụng và bảo mật như thế nào. Nếu muốn ngăn chặn tình trạng bán dữ liệu, theo tôi cần siết chặt các chứng chỉ bảo mật khi doanh nghiệp có thu thập dữ liệu cá nhân của người dân.
Bạn đọc Minhtran…@gmail.com
Bạn đọc Tranquii…@gmail.com chia sẻ: “Tôi từng đăng ký thẻ thành viên của một chuỗi siêu thị lớn để nhận các ưu đãi giảm giá. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi đăng ký, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi quảng cáo từ nhiều công ty mà trước đây tôi chưa từng liên hệ. Điều này khiến tôi cảm thấy rất bất an, không biết thông tin của tôi còn bị dùng vào mục đích xấu nào khác hay không? Kiến nghị cơ quan chức năng xử lý mạnh tay các hành vi mua bán, sử dụng thông tin cá nhân để trục lợi”.
Bạn đọc ThuanTam89…@gmail.com đồng quan điểm: “Tôi cũng từng bị sử dụng thông tin cá nhân của tôi để thực hiện các khoản vay nợ cho người khác. Khi người vay không trả được thì các đối tượng xấu liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối, làm phiền tôi ngày đêm dù tôi hoàn toàn không liên quan. Đây đúng là một sự phiền toái từ trên trời rơi xuống, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và tinh thần của tôi. Vấn đề này cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ dữ liệu cá nhân chặt chẽ hơn; đồng thời cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi lợi dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật”.
Bạn đọc TuanNguyen…@gmail.com chia sẻ: “Đợt chuyển nhà, tôi có liên lạc với 1 công ty chuyên vận chuyển đồ, chốt địa điểm vận chuyển. Ngay hôm sau, vài cuộc điện thoại chào mời mua bảo hiểm, mời mở thẻ...; thậm chí hỏi tôi có phải là phụ huynh của con nhà tôi. Trước đây, tôi không hề bị gọi làm phiền như vậy, từ khi liên lạc qua dịch vụ vận chuyển đồ, các cuộc gọi này gọi liên tục một cách đáng ngờ. Đáng nói, khi tôi nhờ con trai tra cứu trên mạng xã hội, tôi phát hiện thông tin cá nhân của mình như số điện thoại, địa chỉ... của tôi đã bị rao bán trên một diễn đàn mạng. Họ biết chính xác tôi làm nghề gì và nơi tôi đang ở. Do đó, pháp luật cần xử lý trách nhiệm của bên có dữ liệu hợp pháp khi để lọt dữ liệu thông tin cá nhân của chúng tôi”.
Bạn đọc lo ngại về tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân. Ảnh: THẢO HIỀN.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến lộ lọt dữ liệu cá nhân
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết năm 2024, tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
“Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện, có tới 66,24% người dùng xác nhận rằng thông tin của họ từng bị sử dụng trái phép” - ông Sơn thông tin.
Cũng theo kết quả khảo sát, có 73,99% người dùng nhận định bị lộ lọt do họ cung cấp thông tin khi mua hàng trực tuyến, 62,13% cho rằng nguyên nhân tới từ chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và 67% cho rằng lộ lọt trong quá trình sử dụng dịch vụ thiết yếu như nhà hàng, khách sạn, siêu thị.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.
Ông Sơn cho biết đây cũng là những nguyên nhân phổ biến trên thế giới dẫn đến tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân. Hiện mỗi người thường có từ 2-3 tài khoản sử dụng mạng xã hội, truy cập hàng chục trang web thương mại điện tử, cung cấp thông tin cho hàng trăm cửa hàng, khách sạn, siêu thị trong các hoạt động thường ngày.
Điều này khiến cho thông tin cá nhân được thu thập, lưu trữ ở hàng trăm hệ thống khác nhau. Trong khi việc đảm bảo an ninh dữ liệu cho các hệ thống này không đồng nhất, có những nguy cơ bị tấn công, rò rỉ dữ liệu từ quy trình vận hành, con người hay lỗ hổng an ninh mạng.
Bên cạnh đó, nhiều người dùng cũng thiếu ý thức trong bảo vệ thông tin cá nhân, sẵn sàng cung cấp cho người khác mà không cần kiểm tra lại xem thông tin của mình được dùng để làm gì. Tình trạng lộ lọt dữ liệu không chỉ gây phiền toái cho người dùng mà còn tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo tinh vi hơn. Tin tặc thường kết hợp dữ liệu cá nhân với các công nghệ như AI để tạo ra các kịch bản lừa đảo đánh trúng tâm lý, dễ thuyết phục nạn nhân.
Ông Sơn khuyến cáo người dùng hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm trên mạng xã hội. Trước khi cung cấp thông tin, cần kiểm tra kỹ lưỡng uy tín của các website và doanh nghiệp. Sử dụng mật khẩu mạnh, khác biệt cho mỗi tài khoản và kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA) để bảo vệ các tài khoản cá nhân.
Mã độc tấn công người tiêu dùng
Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024, có tới 23,40% người dùng bị tấn công bởi mã độc ít nhất một lần trong năm, trong đó có tới 9,65% người dùng đã bị tấn công bởi mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền.
Xu hướng vừa làm việc cơ quan, vừa giải quyết việc cá nhân trên cùng một thiết bị đã trở nên phổ biến. Nếu bị mã độc tấn công, người dùng sẽ phải đối diện với nguy cơ lớn nhất là mất cắp, lộ lọt dữ liệu công việc, dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Mã độc cũng có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị, nằm vùng, theo dõi hoạt động của nạn nhân để gây thiệt hại lâu dài.
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến thiết bị nhiễm mã độc là do người dùng cài đặt ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng. Có đến 31,36% người dùng thừa nhận từng tải phần mềm từ các đường link gửi qua email, chat hoặc mạng xã hội. Những đường dẫn này thường được kẻ xấu ngụy trang dưới dạng các nội dung hấp dẫn như “phần mềm miễn phí” hay “phần mềm bẻ khóa”, người dùng không cảnh giác nên vô tình tự cài đặt mã độc.
Người dùng cần tránh tải xuống phần mềm từ các nguồn không rõ ràng, đặc biệt không tải từ các đường link nhận được qua chat, email. Khi có nhu cầu cài đặt phần mềm, hãy truy cập trực tiếp các kho ứng dụng chính thống hoặc các website được cung cấp chính thức của nhà sản xuất. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành để vá các lỗ hổng, cài đặt các phần mềm diệt virus uy tín và sao lưu dữ liệu định kỳ để giảm thiểu thiệt hại khi bị tấn công.
Ông VŨ NGỌC SƠN, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia
Lo ngại vì mua nguyên liệu chế pháo nổ quá dễ
25/12/2024 11:50
THẢO HIỀN - TRẦN MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/tro-thanh-nan-nhan-bat-dac-di-vi-lo-du-lieu-ca-nhan-post827166.html