Sen sinh ra ở làng Hoành Nha. Bố mẹ, ông bà, tổ tiên của Sen cũng sinh ra ở làng Hoành Nha. Bố Sen từng nói, đây là tấc đất cắm dùi, sinh ra ở đây thì chết đi cũng ở đây, dù có nghèo khổ đến đâu thì cũng đừng nghĩ đến chuyện bán đi tấc đất cắm dùi. Lời bố Sen nói khi còn sống cũng là lời dặn dò cuối cùng. Hôm ấy vào một ngày chớm đông, bố Sen vừa hút xong điếu thuốc lào, phả khói mù mịt như mây khắp nhà, khói chưa kịp tan thì ngã vật ra nhà vì một cơn đau tim. Sen còn tưởng bố say thuốc lào như mọi lần. Thế mà bố đi vội vã chẳng kịp trăng trối điều gì.
Chương là tên của bố Sen. Từ khi bố Sen lấy mẹ thì người ta gọi mẹ là chị Chương, cô Chương khi còn trẻ và bà Chương, cụ Chương lúc về già mẹ rồi quên luôn cả tên thật của mẹ. Ở làng Hoành Nha có tục gọi tên theo chồng, chồng chết thì gọi tên theo con trai trưởng, đến cả họ cũng theo luôn rồi mất cả họ lẫn tên. Đời những người đàn bà ở làng này như cái bóng của chồng, của con trai trưởng. Đấy là ngày nắng thì còn có bóng, còn ngày mưa, họ như chiếc nón mê che đầu cho cả nhà chồng, đến khi nón rách tàng trơ cả nan xương không đội được nữa, người ta tháo cái quai mốc meo vứt đi rồi úp lên chum mắm phơi ở góc sân cho đến khi nát hẳn mới thôi.
Mẹ đứt ruột đẻ ra Sen mà cũng có lúc Sen quên tên thật của mẹ. Sen nhìn tên mẹ mà người đề trên tấm biển đám ma “Vũ Thị Chương”, nước mắt chảy xuống ướt đầm ngực áo màn xô, chỉ có chữ Thị là của mẹ, của những người đàn bà làng Hoành Nha không quản hai sương một nắng, mùa thối chiêm khê suốt đời lo toan miếng cơm manh áo và giữ gìn nề nếp gia phong cho đẹp mặt nhà chồng. Mẹ vẫn bảo xấu chàng thì hổ ai. Sen khẽ gọi thầm họ tên thật của mẹ trước khi mẹ trở về với cánh đồng Diệc Mạ.
*
Mẹ Sen là Mai, một cô gái nông thôn bình thường như bao nhiêu cô gái ở làng Hoành Nha. Bố mẹ Mai là nông dân nghèo đến nỗi phải ăn củ chuối, ngày giáp hạt không có củ chuối thì ăn cả củ khoai, củ ráy. Nhà Mai có nghề làm hàng xáo đã ba đời. Nếu Mai mang nghề này về nhà chồng thì là đời thứ tư. Thóc lúa thu mua thì xay, giã, giần, sàng rồi đội ra chợ bán. Lấy công làm lãi. Cám để nuôi lợn, nuôi gà còn tấm thì người ăn. Bà nội bảo làm nghề này chẳng bao giờ lo chết đói, con ạ.
Năm Ất Dậu, cả làng Hoành Nha chết đói như ngả rạ, sáng nào người đi chợ cũng nhìn thấy vài cái thây còng queo vừa chết đêm qua ở sân đình, chưa kịp bó chiếu khiêng lên xe bò đem đi chôn ở cánh đồng Hoang Điền, thì nhà Mai vẫn sống lay sống lắt dù đói deo, đói dắt đến xanh da, vàng mắt. Mai học hết lớp hai trường làng, đủ biết viết tên và tính tiền gạo thì bỏ học ở nhà làm hàng xáo với bà, với mẹ. Năm sau nữa thì có bà mối là khách quen mua gạo đánh tiếng hỏi Mai cho anh Chương.
Minh họa: Doãn Hoàng Kiên
Anh Chương là chàng trai hiền lành lại con nhà nề nếp, gia phong nên bố mẹ Mai cũng ưng gả. Mai cầm ấm nước đun sôi lên để bố mẹ pha trà mời bà mối. Bà mối nhìn Mai chòng chọc từ đầu xuống chân như mỗi lần bà săm soi từng hạt gạo nếp cái hoa vàng để mua đồ xôi cho đám cưới, đám hỏi mà đã đánh tiếng. Bà nhìn Mai nở một nụ cười làn môi cắn chỉ khoe hàm răng đen nhức rồi khẽ gật đầu, trong lúc Mai đang bối rối rót nước sôi vào phích.
Mai rót nước sôi vào phích mà như rót vào cổ họng mình. Mai cảm thấy trong dạ nóng ran. Hơi nóng bốc lên mặt khiến đôi má Mai đỏ bừng. Mai cất ấm nước xuống bếp rồi vào buồng nằm đắp chăn. Toàn thân Mai hầm hập như lên cơn sốt. Thế là Mai sắp lấy chồng như chị Hồng, chị Liễu đấy ư? Mai sợ lắm, Mai chẳng biết làm vợ, làm mẹ là như thế nào? Mai khép mắt thiếp đi trong nỗi sợ hãi mơ hồ của tuổi thiếu nữ trăng rằm.
Chỉ có cơi trầu nhạt và ba mâm cơm muối mà Mai đã là vợ Chương, là dâu trưởng họ Vũ ở thôn Thượng. Một năm họ Vũ có đến hơn chục ngày giỗ. Mai không được phép quên một ngày giỗ nào. Nếu Mai có trót quên thì mẹ chồng sẽ nhắc cho Mai nhớ. Giỗ cụ tổ, cụ chi, cụ phái và những cụ bà là chính thất, thứ thất theo hàng cao thấp rồi đến giỗ những bà cô, ông mãnh từ đời này đến kiếp khác.
Mai cùng với những chị em dâu làm cỗ quần quật từ sáng sớm tinh mơ đến trưa trầy trưa trật, từ chiều muộn nhọ mặt đến tối mịt tối mù. Đàn ông ăn trên nhà, đàn bà ăn dưới bếp. Làm rảo cái tay, ăn nhanh cái miệng lên để còn quét tước, dọn dẹp, mẹ chồng vẫn giục Mai thế. Có lần bưng bát cơm, Mai ăn vội nên nghẹn chảy nước mắt, trong khi trên nhà có ông nào đang gọi xin nước mắm. Nước mắm để chấm xôi trắng, thịt luộc. Cỗ giỗ họ lúc nào cũng chỉ có thế.
Chương thương Mai còn đói nên thường lấy cái bát chiết yêu đựng ít xôi, thịt trên mâm ăn thừa úp cái rá lên rồi phủ rơm lên để phần cho Mai. Mai rửa bát xong thì ra ăn vụng sau đống rơm cạnh bếp. Vừa ăn vừa lo mẹ chồng bắt được. Từ lúc làm dâu, Mai thấy bình yên nhất khi nằm gối đầu lên cánh tay chồng. Mai đếm có vài lần gối tay như thế thì Mai đẻ con gái đầu lòng. Mẹ chồng mong Mai sinh con trai nối dõi tông đường nên thấy vậy thì cay nghiệt bảo, “Con gái thì đắp cho nó cái váy đụp”. Mai ôm con vào lòng, nước mắt chảy vào miệng mặn chát.
Chương chưa kịp nhìn mặt con gái thì đã lên đường nhập ngũ. Trước khi xe chuyển bánh, Chương dặn nếu đẻ con gái thì đặt tên là Ngâu vì mỗi lần ngủ với nhau, Chương đòi mở cửa sổ cho hương hoa ngâu bên vườn nhà thờ họ Vũ bay vào tràn ngập trong căn buồng tối, còn nếu đẻ con trai thì đặt tên là… Mai chưa kịp nghe thì tiếng Chương chìm đi trong tiếng động cơ dưới làn mưa phùn tháng ba. Nước mắt tiễn chồng ra trận đọng trên mi mắt Mai cũng như giọt mưa phùn đọng trên cánh xoan cong. Những cánh xoan cong như mi mắt rụng tơi tả trên sân đình. Mai tự hỏi mưa phùn có nhiều bằng nước mắt những người đàn bà hậu phương chờ chồng thắng trận trở về hay không.
*
Mẹ bảo chị Ngâu mang tên một loài hoa nở vàng như nắng mới mỗi khi heo may chạm ngõ. Khi ấy mùa thu đã về. Mẹ sinh chị Ngâu cũng vào mùa thu khi bố vừa nhập ngũ gần một năm. Mẹ nghe đài nói chiến trường miền Nam đang vào giai đoạn ác liệt lắm. Mẹ nghe thấy cả mùi khói lửa, bom đạn từ nơi tiền tuyến vọng về. Từ ngày nhập ngũ, bố không gửi cho mẹ một lá thư nào. Những đêm làng quê vắng chồng dài đằng đẵng trong nỗi nhớ mong khắc khoải. Mẹ lấy tấm áo bố để đắp tìm hơi ấm trong những đêm khó ngủ.
Nước mắt mẹ rơi mốc lấm tấm cả chiếc gối cưới thêu đôi chim bồ câu chạm mỏ ngậm cành hoa hồng. Mẹ ăn cơm độn ngô, độn sắn nên người héo mòn rồi đẻ non chị Ngâu dưới cổng nhà thờ họ. Nhờ phúc đức tổ tiên, người đàn bà bán thuốc cam đi chợ đỡ đẻ cho mẹ và cắt rốn cho chị để chị được làm người. Bàn tay của bà đỡ vỗ mạnh vào lưng để chị biết cất lên tiếng khóc. Tiếng khóc yếu ớt của chị từ mái tam quan cong vút trăng non vang ra cánh đồng tháng mười còn trơ gốc rạ. Ở nơi chiến trường, bố có nghe thấy tiếng khóc chào đời của đứa con gái đầu lòng?
Mười tám tuổi, chị Ngâu xinh đẹp nhất thôn Thượng. Mặt sáng như trăng rằm, da mịn như bột nếp, tóc dài như gió đê sông Sò, và đôi mắt chị trong như giếng đình làng Hoành Nha. Bà nội kể, chị Ngâu xinh đẹp như bà cô tổ họ Vũ. Bà cô tổ chết trẻ lắm. Bà cô tổ đi trên đê sông Sò gánh nước vào đêm rằm tháng bảy về làm bánh dợm thì trượt chân ngã xuống giếng đình. Sáng hôm sau người ta nhìn thấy đôi quang gánh vứt chỏng chơ, nồi đất vỡ tan tành mới phát hiện ra có sự chẳng lành.
Sen còn nghe người ta đồn, bà cô tổ bị một thằng trai làng rình mò bà đi gánh nước để giở trò sàm sỡ nên bà lùi dần mà trượt chân ngã xuống giếng đình. Thực hư chẳng biết thế nào nhưng từ đó trở đi giếng đình chỉ có đàn bà ra gánh nước về nấu nướng, giặt giũ, tuyệt nhiên không có đàn ông dám lai vãng. Sen sợ không bao giờ dám bén mảng ra giếng đình, nhưng chị Ngâu thì lại thích ra giếng đình soi gương để vấn tóc đuôi gà. Chị nói mỗi đêm rằm mà soi gương sẽ nhìn thấy bóng bà cô tổ hiện lên dưới làn nước lóng lánh trăng loe. Bà nội bảo đấy là do chị giống bà cô tổ đó thôi và cấm chị không được ra giếng đình nữa.
Ở dưới giếng có một con cá chép vảy vàng không biết xuất hiện từ bao giờ. Chị vẫn thường trốn bà, giấu một nắm cơm đem ra giếng gọi cá chép lên ăn. Sen dọa chị có khi đấy là linh hồn bà cô tổ, nhưng chị vẫn cười tỏ vẻ không chút sợ hãi. Nụ cười phảng phất sương khói. Mỗi đêm rằm, khi trăng lên cao bằng ngọn tre, cả nhà không biết chị đi đâu, nhưng Sen biết chị đã ra giếng đình. Tiếng guốc mộc bước trên đê sông Sò của chị còn vọng lại nửa hư nửa thực, nửa tỉnh nửa mơ.
Có bao nhiêu chàng trai con nhà danh giá muốn cưới chị làm vợ, nhưng chị lại từ chối để lấy anh Phong, một chàng trai con nhà phó mộc ở thôn Chính. Một đêm mùa xuân đi xem gánh chèo diễn ngoài sân đình, chị Ngâu đi qua cầu chợ và vô ý đánh rơi một chiếc guốc mộc xuống sông. Đám trai làng nhìn thấy liền cười rộ lên, có anh trêu, này Ngâu ơi, lấy anh thì anh mua cho đôi guốc mới, tiếc gì chiếc guốc tróc sơn, long quai hả Ngâu. Chị ngẩng lên nguýt cặp mắt sắc như dao cau về phía anh kia. Anh Phong cũng đứng trong đám trai làng ấy, chẳng nói, chẳng rằng vội nhảy ùm xuống sông Sò mò chiếc guốc mộc lên đặt vào chân chị Ngâu.
Đến ra giêng thì chị Ngâu nhận lời lấy anh Phong, người mò guốc cho chị. Chị Ngâu nghĩ rằng, người không ngại khó khăn, vất vả để vì chị thì sẽ đem lại hạnh phúc cho chị. Và chị Ngâu tin vào sự lựa chọn của mình và chữ duyên kì ngộ trong đời, chữ duyên xe chị vào anh Phong. Nhưng trớ trêu thay chị Ngâu ơi, duyên vẫn còn mà nợ thì đã hết. Anh Phong theo người ta đi làm thợ mộc mãi bên Campuchia rừng thiêng nước độc. Đi được một năm, người ta khiêng anh về trả chị là một tấm thân chỉ còn da bọc xương, một cái xác chỉ còn vía không hồn. Người ta đồn anh bị ngã nước. Có đồng nào chị chạy chữa thuốc thang khắp nơi mà anh như ngọn đèn lụi bấc, cạn dầu sắp tắt.
Anh Phong qua đời được vài tháng thì chị Ngâu đổ bệnh. Chị bị lây bệnh của anh nên triệu chứng cũng thế, mình gầy xác ve. Được vài tháng thì chị cũng ra đồng nằm cạnh anh. Lúc sắp đưa chị đi, quan tài bỗng chảy nước vàng khè như mủ nhọt. Chị đã từng hét lên khi thấy thứ nước này chảy ra từ quan tài anh Phong. Mẹ chị phải nói khó mãi với người ta mới chịu làm phúc khiêng chị ra đồng. Họ đốt hết quần áo chị rồi rắc vôi bột trước khi lấp đất rồi chạy về nhà như ma đuổi vì sợ lây.
Sen không sợ lây, Sen ngồi bên mộ chị giữa cánh đồng Hoang Điền. Sen ngồi trên vạt cỏ xanh còn chị Ngâu nằm dưới ba tấc đất sâu. Em đấy, chị đây mà âm dương cách trở nghìn trùng. Gió từ đê sông Sò vẫn thổi vào cánh đồng từng đợt lạnh ngắt. Gió như tóc chị Ngâu thơm ngát mới gội bồ kết, lá bưởi khẽ chạm vào má Sen. Bà nội bảo chị em gái như trái cau non. Giờ một trái cau đã rụng bỏ lại một trái cau héo rũ. Bà nội còn ngâm nụ cười như thể hoa ngâu, cái khăn đội đầu như thể hoa sen để tả vẻ đẹp của người con gái. Hoa sen tàn rồi thì hoa ngâu còn thơm cho ai nữa? Ráng chiều vàng như mỡ gà nên trời càng gió to. Sen cứ ngồi như thế đến khi bóng tối nhọ mặt người và có tiếng mẹ ra gọi Sen về.
*
Khi chị Ngâu lên mười tuổi thì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong mười năm ròng rã nhớ thương, đằng đẵng đợi chờ, mẹ sắp hóa thành núi vọng phu của làng Hoành Nha ven sông Sò đổ ra cửa bể. Người tốt bụng thì nói bố đánh giặc nơi chiến trường ác liệt, còn chẳng kịp chợp mắt giữa hai trận đánh thì lấy đâu ra thời gian mà viết thư, hoặc nếu bố có viết thư thì đường thư thời chiến, thất lạc cũng là lẽ thường. Kẻ xấu bụng lại bảo bố đào ngũ bỏ về quê, trên đường trốn chạy thì bị đạn lạc bay trúng nên đã bỏ mạng nơi xứ người. Nhưng mẹ tin dù bố có chết thì cũng không thể là một kẻ hèn nhát, phải sợ hãi và trốn chạy trước hòn tên, mũi đạn của quân thù.
Có đêm mẹ mơ thấy, toàn thân bố quấn băng xô trắng toát, chỉ hở ra hai con mắt đen ngòm, thế mà máu đỏ lòm còn thấm ra ngoài. Bố bị thương rất nặng, nhưng bố vẫn cầm súng tiểu liên bước đi trong khu rừng đầy sương bay và khói tỏa. Sương khói mù mịt và dày đặc che mờ dần dáng bố. Mẹ gọi nhưng bố không quay lại mà khuất vào sương khói. Trong đêm đông giá rét mà mồ hôi mẹ vã ra như tắm. Mẹ sợ hãi nằm thức luôn cho đến khi tiếng gà gáy cất lên đầu tiên thì trở dậy vấn tóc đi chợ rồi gọi chị Ngâu dậy đi học.
Tin đồn mẹ và bác Chấp, chủ nhiệm hợp tác xã có mối quan hệ trai gái bất chính truyền từ miệng người này sang tai người kia lan đi khắp làng như dịch thổ tả. Họ bảo nhau, thảo nào mà công điểm của mẹ cao hơn hẳn người khác, rõ ràng có sự ưu tiên không đàng hoàng ở đây, đúng là thài lài gặp cứt chó. Tin đồn ấy rồi cũng vào tai bà nội. Bà nói bóng nói gió, mẹ cũng để ngoài tai. Bà nói cạnh, nói khóe. Mẹ giả câm giả điếc. À, thế này thì bà quá, tức không chịu nổi. Bà chống nạnh, chỉ tay rồi nói toẹt chuyện người ta đồn. Mẹ không thanh minh, bưng mặt khóc tức tưởi như oan như ức.
Lời bà văng hạt mưa sa. Tóc mẹ đổ ra suối lũ. Mẹ đi xuống bếp làm bữa rồi mà bà còn ngồi ngoài thềm đấm ngực thùm thụp. Bà vừa đấm ngực vừa hờ khóc gọi tên bố, anh Chương ơi, anh có sống khôn thác thiêng thì về đây mà bóp cổ phường mèo mả gà đồng, lũ trốn chúa lộn chồng đi. Chẳng biết có phải vì bà hờ khóc gọi bố Sen không mà bố về thật. Bố bằng xương bằng thịt, bằng hồn bằng vía.
Bố mặc quân phục, đội mũ tai bèo, đeo ba lô bước trên đê sông Sò rồi rẽ vào ngõ nhà. Bố từ trên trời bước xuống, bố từ cõi chết trở về sau mười năm không có tin tức. Bố đem theo cả khung xe đạp Thống Nhất cho mẹ, búp bê, bánh bích quy Hương Thảo cho chị Ngâu và vải dù pháo sáng cho bà. Mẹ tưởng chết đi sống lại, còn bà vừa cười vừa khóc không biết đang tỉnh hay đang mơ trước ánh mắt ngơ ngác, ngây thơ của chị Ngâu.
Tin đồn chìm đi như viên sỏi ném xuống đáy ao bèo. Bố về mẹ đẻ thêm anh Thới, anh Sơn và Sen nữa, sòn sòn cứ hai, ba năm lại một đứa cất tiếng khóc chào đời. Tên của anh Thới và anh Sơn mang tên xã Thới Sơn nơi bố đã cùng đồng đội chiến đấu trên mặt trận ác liệt.
Bố kể rằng bố đã vuốt mắt khi đồng đội vừa ngã xuống để tuổi hai mươi của họ được yên nghỉ hoặc đi tìm phần thân thể của những người lính còn sót lại sau mỗi trận đánh, nhưng có khi thân xác bị bom đạn xé ra hàng trăm, hàng nghìn mảnh như rơi vào cối xay thịt nên đành chôn vào mộ chung, những ngôi mộ chung không có quan tài, bia đá và có khi không có cả nén hương xua tan lạnh lẽo. Chỉ có nỗi đau là còn mãi, không ai dám quên đi và không được phép quên đi. Kí ức chiến tranh đau thương đó vẫn ám ảnh bố trong những giấc mơ hòa bình. Nó vẫn sưng tấy lên nhức nhối cùng mảnh đạn trong ngực trái của bố. Mảnh đạn như một tấm huân chương không thể tháo rời dù bao nhiêu năm tháng đã đi qua cho đến tận lúc bố nhắm mắt xuôi tay.
*
Anh Thới học Trường trung cấp Sư phạm tỉnh rồi xung phong lên huyện miền núi dạy học. Anh Thới lấy vợ ba lần. Lần đầu tiên, vợ anh làm giáo viên, chị mắc bệnh ung thư để lại cho anh một đứa con trai. Anh đi bước nữa, vợ anh là chị Vóc làm kinh doanh sơn nhà, tính nết tháo vát nên cũng có bát ăn, bát để. Anh chị có với nhau một đứa con trai và một đứa con gái rồi định cư ở trên đấy. Cuối năm anh chị lại đưa các cháu về quê. Con trai cả của anh đã học xong đại học và đi làm. Nó biết thân, biết phận mà dù thiếu bàn tay dưỡng dục của mẹ mà vẫn khôn lớn nên người. Mẹ Sen đưa tà áo lên chấm nước mắt khi nhắc đến đứa cháu đích tôn và bảo, cũng là nhờ phúc đức của tổ tiên để lại. Sen nhìn mẹ chẳng biết nói gì, cố giấu đi một tiếng thở dài như gió ngoài đê sông Sò.
Anh Sơn lái xe cho mỏ đồng được vài năm thì anh xin nghỉ, đóng bảo hiểm vì lương thấp, con cái nheo nhóc. Anh cùng vợ là chị Phin bồng bế, dắt díu ba đứa con nhỏ về quê xin mẹ cho phá vườn hòe trước cửa rồi vay mượn tiền xây nhà mái bằng để mở cửa hàng may rèm cửa. Khách hàng đông đúc nên đời sống cũng đỡ vất vả. Hồi mới về, anh chị còn ăn chung với mẹ và Sen, sau chị muốn ra ăn riêng, mẹ cũng đồng ý.
Hai cái bếp cách nhau một bức tường. Có hôm, Sen rang tép moi bên này thì nghe thấy tiếng chị Phin cầm dao chặt cồm cộp trên thớt bên kia, chắc là chặt thịt gà. Sen cũng chẳng thích ăn thịt gà, dai nhách dính cả vào kẽ răng. Nhưng nếu có tiền mua thịt gà, thì Sen sẽ nấu cháo thịt gà thật nhừ rồi rắc lá tía tô thái nhỏ cho mẹ tẩm bổ. Sen nhìn thấy mẹ gầy đi nhiều trong làn áo mỏng. Sen thương mẹ quá. Sen muốn khóc nhưng sợ mẹ trông thấy lại hỏi thì Sen không biết đáp thế nào.
Mẹ Sen đổ bệnh tiểu đường biến chứng rồi nằm liệt giường ba năm. Sen không quản ngại khó khăn chăm lo cho mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ. Đẻ con rồi mới biết, khi ốm đau, lúc bệnh tật, tất cả trông mong vào con gái. Con trai tay chân lóng ngóng, vụng về biết gì mà làm. Con dâu cả thì ở xa, mỗi năm về một lần. Con dâu thứ thì mải kiếm tiền bận tối mắt tối mũi.
Lúc hấp hối, mẹ nhìn Sen hai hàng nước mắt trắng đục từ kẽ mắt bò xuống hõm má đen sạm. Mẹ nấc lên trong vòng tay Sen. Sen ôm mẹ khóc tức tưởi trong căn buồng tối om chưa kịp bật điện. Ngày tháng mười chưa cười đã tối. Đã sang thu rồi mà trời vẫn còn oi bức. Căn phòng không có điều hòa tỏa hơi nóng hầm hập. Chỉ có hương hoa ngâu dịu ngọt bên vườn nhà thờ họ bay vào cửa sổ khép hờ. Mẹ đi bỏ lại những đau khổ ở cõi vô thường. Sen bỗng sực nhớ lời mẹ dặn.
Ngày giỗ đầu của mẹ, các con cháu tề tựu đông đủ như những ngày tết, còn mẹ. Đang ăn cơm, chị Vóc đặt bát xuống nói bóng gió, mảnh đất của bố mẹ để lại cũng phải chia chác cho công bằng, rồi còn cô Sen nữa chứ, cô ấy không lấy chồng cũng phải có chỗ chui ra chui vào, con nào mà chẳng là con. Sen biết chị Vóc cố ý bẻ sang mình nhưng chính là chị đang đòi phần cho nhà chị. Anh Sơn không vừa, vội buông đũa xuống, đáp trả, chắc gì con nào cũng là con. Sen cũng biết anh Sơn muốn ám chỉ đến tin đồn về mẹ và bác Chấp thuở xưa, rằng anh Thới không phải là con bố.
Sen không nói gì, vào buống lấy hộp gỗ sơn then có đựng tờ di chúc mà mẹ sai Sen viết rồi ký tên lúc mẹ biết số mệnh mình sắp hết. Sen bảo thằng Biên, con trai thứ hai anh Thới đọc thật to tờ di chúc của bà nội nó trước mâm bát ngổn ngang và ánh mắt ngơ ngác của mọi người trong nhà. Di chúc viết, mảnh đất được chia thành ba phần bằng nhau. Phần thứ nhất có vườn hòe cũ anh Sơn đã làm nhà cho anh Sơn có mặt tiền buôn bán. Phần thứ hai có ngõ đi vào sân cho thằng Quang là con trai cả của anh Thới, nó mất mẹ từ bé nên thiếu thốn tình thương phải chịu nhiều thiệt thòi.
Còn phần thứ ba, chính là ngôi nhà cũ của mẹ, mẹ để lại Sen vì Sen đã quá lứa, lỡ thì không có người đàn ông để trông cậy sớm hôm. Sau này Sen không ở nữa, thì các cháu lấy còn có chỗ thờ cúng mà đi về những ngày giỗ tết. Riêng phần đất đó, mẹ nhắc lại lời bố, đừng bao giờ bán đi. Sen viết đến đây thì khóc. Một giọt nước mắt rơi xuống trang giấy làm ướt nhòe cả nét mực. Những đứa con bỗng cúi đầu ân hận. Những đứa cháu bỗng không dám cười đùa. Một nỗi xót xa dâng lên trong tâm trí mọi người.
Mẹ kể, bà ngoại đã đẻ rơi mẹ trên cánh đồng mùa gặt tháng năm. Những người đàn bà làng Hoành Nha vội bỏ tay liềm để đón mẹ đến với thế giới này. Hương lúa chín thơm thảo như lòng người đã đỡ đẻ cho bà ngoại. Tiếng khóc chào đời của mẹ vang trên sóng lúa đồng chiêm. Mẹ sinh ra trên cánh đồng thì khi mẹ mất đi sẽ trở về với cánh đồng như bao nhiêu người làng áo nâu lam lũ.
Hôm trước chị Phin bảo, từ mai cô sang làm rèm với anh chị nhé, nhà còn ai nữa đâu. Chị nói trong ngượng nghịu rồi lại quày quả đi ngay. Sen ra khép cửa rồi ngồi yên lặng trong ba gian nhà ngập đầy bóng tối trông ra cánh đồng Diệc Mạ vừa trơ gốc rạ. Nơi đó, có bố mẹ Sen và chị Ngâu nằm yên nghỉ thanh thản trong giấc mơ tịch mịch. Sen vẫn nghe thấy mùi hương bài ngan ngát thoảng ra từ ban thờ nhiễu đỏ. Và cuối trời, tiếng chim cu gáy đang gọi nhau trong gió heo may…
Truyện ngắn của Hoàng Anh Tuấn