Trọn đời với tiếng nhạc, lời ca

Trọn đời với tiếng nhạc, lời ca
3 giờ trướcBài gốc
Ông Bùi Minh Chân (ấp 6, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức)
Từ năm 1977, ông tham gia nhiều đoàn hát. Cũng giai đoạn này, ông gặp và cưới người vợ hiện tại. Ông nói đùa "đó là Tổ xe duyên bởi bà cũng mê hát, vì mến tài nhau mà nên nghĩa cau trầu". Đến tận bây giờ, bà Hai vẫn thường được mời đi ca nhiều chỗ, gần đây nhất là ở Xóm Nghề, nơi diễn ra Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
10 năm trước, ông Hai Chân thành lập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Minh Chân để kết nối những người cùng đam mê, cái chính là giữ gìn văn hóa, hồn cốt dân tộc. Xã Thạnh Lợi trước đây cũng có nhiều nhóm như vậy nhưng dần dần không còn giữ được. Riêng ông Hai Châu vẫn trước sau như một với đờn ca tài tử, vẫn giữ và truyền cho nhiều người bởi ông biết đó là tinh hoa dân tộc chứ không phải là giải trí đơn thuần. Đến thời điểm này, ông đã dạy cho hơn 100 học trò.
Ông Hai Chân nói: “Nghề ca hát nhiều khi "đói" lắm nhưng mê thì làm thôi, ai bỏ thì bỏ, còn tôi tới chừng hết cầm nổi cây đờn mới ngưng. Tôi coi nó như đứa con của mình, mà đã là con thì phải cưng yêu, chiều chuộng, không được bỏ bê”.
Ông mê tới mức nằm mơ cũng thấy đờn ca. Càng đam mê, ông lại càng có ý thức giữ gìn, phát huy. 37 năm đi nhạc lễ, ông hiểu rằng mình đang thực hành nghi thức trang trọng, gốc cung đình nên phải chuẩn mực, tinh tế.
Theo ông, ngoài đam mê, người chơi nhạc tài tử phải điềm đạm, niềm nở, nghiêm chỉnh, ăn nói lịch sự; khi đờn phải chuẩn, khi ca phải chú tâm, nhả chữ cho đúng. "Người khác ca dù hay hay dở thì mình cũng phải ngồi thưởng thức. Nghề này đòi hỏi người thể hiện phải có tâm tánh đàng hoàng" - ông Hai Chân nói.
“Nhạc ký” viết: “Đức giả, tính chi đoan dã, nhạc giả, đức chi hoa giả” (Đức là thiên tính của người, nhạc là tinh hoa của đức). Người nào tính hẹp hòi, ích kỷ, chuyện gì cũng soi mói, tọc mạch thì không làm nhạc được, dù có giỏi cỡ nào thì sau một khoảng thời gian cũng bỏ nghề, có tiếp tục cũng dần biến tướng. Người không có tâm đức không dạy được học trò, có dạy cũng không giỏi, có giỏi cũng là hạng không ra gì.
Cũng theo ông, lời ca, tiếng đờn thể hiện được bản tính con người. Cả nhóm cùng đờn, hát với nhau, nếu một người không có tâm đạo thì ảnh hưởng toàn bộ, thể hiện trở nên rời rạc, thiếu sức sống, không thể hòa quyện. Ai cũng có thể đờn, ai cũng có thể hát nhưng trình bày có hồn, có thần thì không phải ai cũng làm được và không phải ai cũng cảm nhận được. Nếu người nghe chịu tìm tòi, nghiên cứu, cảm nhận thấu đáu thì nhạc tài tử là phương thuốc chữa lành tuyệt vời, tương tự nhạc thính phòng của Tây phương.
Trong suốt quá trình trò chuyện với chúng tôi, ông Hai Chân dành nhiều thời gian nói về thị hiếu âm nhạc hiện nay. Người ta dần quên nhạc lễ, trong khi ngày xưa, loại nhạc này được trình bày trong những dịp quan trọng như hôn nhân, giỗ chạp, tang chế, cúng được mùa,... Đó là hình thức kính dâng bề trên, thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, nguồn cội.
Chạng vạng, chúng tôi rời nhà ông Hai Chân, không quên chúc ông ngày càng tìm được nhiều học trò để truyền lửa đam mê. Ông ôm đờn nhìn vào vô định, không gảy mà vang lên tiếng tình tang. Âm điệu ấy là nỗi đau đáu, là sự quyết tâm của người nghệ sĩ đang giữ hồn dân tộc./.
Lê An
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/tron-doi-voi-tieng-nhac-loi-ca-a185375.html