NHỮNG NGÀY CHUYỂN QUÂN TẬP KẾT "ĐI VINH QUANG..."
Chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã làm nên cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi. Với thiện chí hòa bình, tăng cường đối thoại, tôn trọng và triệt để thi hành Hiệp định Genève, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra cho cách mạng mỗi miền nhiệm vụ chiến lược phù hợp với tình hình mới.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng lúc bấy giờ là bố trí lực lượng cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo nhân dân đấu tranh, buộc địch thực hiện Hiệp định Genève, đồng thời chuyển quân bộ đội, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo quy định của hiệp định. Đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường mà là thực hiện chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam giành thắng lợi.
Kênh xáng Chắc Băng, xã Phong Đông (Vĩnh Thuận) nơi tiễn quân ra Bắc tập kết năm 1954. Nguồn:Ảnh tư liệu
Ngày 21-7-1954, sau 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp riêng đầy căng thẳng, hội nghị Genève về Đông Dương kết thúc. Đối với Việt Nam, Hiệp định đình chỉ chiến sự ký kết giữa ta và thực dân Pháp có 6 chương, với 47 điều khoản, trong đó, giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự, tạm thời chia Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc.
Miền Bắc do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, miền Nam do Pháp tạm thời quản lý, quân đội của hai bên tập kết về khu vực của mình. Thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không vượt quá 300 ngày. Cả hai bên có nhiệm vụ giải quyết vấn đề thống nhất đất nước bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 7-1956. Hiệp định Genève là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự, nó vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn định giới hạn cuộc thảo luận tại Genève về Đông Dương trong khuôn khổ một hiệp nghị ngừng bắn đơn thuần.
Mặt khác, hiệp định đình chỉ chiến sự - những văn bản duy nhất được ký kết và tuyên bố cuối cùng, do các bên tham gia hội nghị thỏa thuận trong 2 ngày 20 và 21-7-1954, cùng các tuyên bố đơn phương tôn trọng hiệp định của Chính phủ Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc đã tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Genève về Đông Dương, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc thúc đẩy tiến trình đấu tranh của nhân dân ta cho tự do, độc lập, hòa bình.
Đặc biệt, Hiệp định Genève buộc quân đội nước ngoài phải rút hết khỏi Đông Dương, góp phần quan trọng tạo lập môi trường hòa bình, ổn định cho việc tái thiết Đông Dương sau chiến tranh, làm cho việc thay đổi tương quan lực lượng và cục diện Đông Dương cũng như Đông Nam Á, có lợi cho xu hướng chống ách thống trị và lệ thuộc phương Tây vì độc lập, tự do, hòa bình. Theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, tại Nam bộ thực hiện ngừng bắn lúc 8 giờ ngày 11-8-1954 và quy định 3 khu tập kết (khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân, Xuyên Mộc; khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười; khu tập kết 200 ngày ở Chắc Băng, Vĩnh Thuận - Cà Mau).
Ngày 23-8-1954, địch bàn giao khu tập kết cho ta và theo các điều khoản đình chiến và chuyển quân tập kết. Ngày 25-8-1954, Ủy ban quân chính được thành lập và tổ chức tiếp quản khu tập kết. Khu tập kết 200 ngày gồm bán đảo Cà Mau, bắt đầu từ vịnh Thái Lan vào bờ nam sông Cái Lớn đến ngã ba sông Nước Trong, qua kênh xáng Ngang Dừa, xuống ngã tư Vĩnh Phú đến Vĩnh Hưng và ra Biển Đông. Khu vực này phần lớn là vùng độc lập của 2 tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay).
Trung tâm của vùng tập kết là kênh xáng Chắc Băng - nơi cơ quan Trung ương Cục đóng trong thời gian này. Đảng ta chủ trương xây dựng khu tập kết Chắc Băng như một hình mẫu của chính quyền cách mạng, chính quyền của dân, do dân và vì dân để đồng bào cảm nhận sâu sắc, so sánh với chế độ quốc gia giả hiệu của Pháp và tay sai, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân đấu tranh giữ lấy những quyền lợi mà cách mạng mang lại cho họ.
Tại vàm Chắc Băng, xã Phong Đông (Vĩnh Thuận ngày nay) được chọn là nơi trung chuyển của khu vực tập kết 200 ngày đêm. Tại nơi đây, người dân chứng kiến cuộc chia tay vĩ đại, một cuộc chia tay có nhiều niềm vui, nỗi buồn, có nụ cười lẫn nước mắt, có hy vọng, cả lo âu. Cuộc chia tay đi vinh quang - ở anh dũng.
Tháng 8-1954, từ miền Trung, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương phân công trở lại Nam bộ lãnh đạo cách mạng. Đồng thời Trung ương cử phái đoàn thay mặt Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu vào Nam bộ để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hiệp định đình chiến.
Công tác chỉ đạo tập kết chuyển quân ở miền Nam do các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ phụ trách. Trước tình hình cụ thể lúc bấy giờ, đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo các địa phương Nam bộ phải tích cực đối phó với tình huống xấu nhất là địch có thể xé bỏ Hiệp định Genève, thẳng tay đàn áp cách mạng miền Nam. Thời gian này, đồng chí Lê Duẩn và một bộ phận của Xứ ủy Nam bộ đóng ở các kênh 11, 13, 14, xã Vĩnh Thuận để lãnh đạo việc chuẩn bị tập kết ra miền Bắc, đồng thời chuẩn bị cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam trong giai đoạn mới. Khu tập kết 200 ngày ở vàm Chắc Băng là một dấu ấn lịch sử, biểu tượng sáng ngời niềm tin cách mạng….
TÌNH QUÂN DÂN, NGHĨA ĐỒNG BÀO
Tại khu tập kết 200 ngày ở vàm Chắc Băng, xã Phong Đông (Vĩnh Thuận), ngoài việc đấu tranh buộc địch thi hành nghiêm chỉnh hiệp định, Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam bộ chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nước xã hội chủ nghĩa, về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, về Bác Hồ… Hàng đêm đều có tổ chức văn nghệ hoặc chiếu phim cho nhân dân xem như “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Công phá Bá Linh”, “Con Cò Vàng”, “Bạch Mao Nữ”, “Kỷ niệm ngày 1-5-1953 tại quảng trường đỏ Mátxcơva”, “Thành tựu nước Cộng hòa Armenia”… đã tạo không khí phấn khởi và ảnh hưởng chính trị rất lớn trong quần chúng.
Lần đầu tiên những phụ nữ nông dân vốn quen với con tôm, con cá, những người đàn ông lực điền quen chặt củi, phát choại, đào đất… đã kiên nhẫn ngồi vẽ hình bản đồ Việt Nam, cố gắng hiểu xem thế nào là kinh độ, vĩ độ để dò tìm vĩ tuyến 17. Mọi người chỉ cho nhau: “Đây là giới tuyến quân sự tạm thời, sẽ được xóa bỏ sau tổng tuyển cử”.
Trong thời gian gần 7 tháng ngắn ngủi, chính quyền cách mạng tập trung vào việc thực hiện một số chính sách như đổi tiền, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân; xây dựng trường học, trạm y tế, nhà bảo sanh. Nhiều lớp bình dân học vụ được thành lập khắp nơi.
Ông Phạm Hùng Vinh (giữa), ngụ ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam và ông Quách Hon (bên phải), ngụ khu phố Vĩnh Phước 1, thị trấn Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận) kể chuyện xuống tàu tại bến Chắc Băng tập kết ra miền Bắc năm 1954. Ảnh: VÕ THANH XUÂN
Nhân dân vùng căn cứ có hơn 10.000 lượt người đã tham gia tháo gỡ cản đất ở vàm kênh xáng Chắc Băng; tháo cản cây ở Bến Luông; cất doanh trại cho cán bộ, bộ đội dừng chân; bố trí chổ ăn, nghỉ cho trên 5.000 đồng bào ở thành thị vùng địch kiểm soát vào thăm viếng, tiễn đưa người thân đi tập kết. Người dân còn làm những nhà kho có sức chứa hàng chục ngàn giạ lúa cùng tài sản từ các nơi chuyển về, chuẩn bị đưa đi tập kết.
Các sân bóng đá, bóng chuyền được xây dựng; phong trào thể dục, thể thao nhanh chóng phát triển sôi nổi trong các đơn vị bộ đội địa phương. Các đoàn văn công, văn nghệ, các đội ca vũ thiếu nhi, chiếu phim hoạt động ngày đêm trong khu tập kết, tạo không khí sôi động, phấn khởi trong nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ cùng người dân địa phương sửa nhà, làm đường, bắc cầu, làm vệ sinh xóm, ấp sạch sẽ; giúp đỡ, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, người neo đơn…
Hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm chu đáo, đó là việc trị bệnh bằng cấy Filatov, hướng dẫn nhân dân phòng bệnh, trồng cây thuốc nam. Ở vàm Chắc Băng được xây dựng cấp tốc một bến cảng tạm thời, là trung tâm đón rước và đưa tiễn bộ đội, cán bộ đi tập kết, nơi đón tiếp các phái đoàn quốc tế và liên hiệp đình chiến đến làm việc.
Người dân Vĩnh Thuận cùng nhau gói hàng ngàn đòn bánh tét, bánh lá dừa để mang tặng bộ đội tại khu tập kết. Hàng ngày những chiếc xuồng chèo từ Ba Đình, Đập Đá, Cạnh Đền, Bời Lời… mang đến khóm, chuối, rau, củ… để tiếp tế lương thực cho các bếp ăn. Tình quân dân, nghĩa đồng bào đã tạo nên một dấu ấn sâu đậm ở vùng quê U Minh - Vĩnh Thuận suốt 200 ngày trước giờ chia ly để sau này vượt qua nỗi chia cắt “hai mươi mốt năm ngày Bắc, đêm Nam”.
Hai trăm ngày tập kết ở vàm Chắc Băng còn là điểm hẹn giữa đồng bào đô thị, đồng bào nông thôn, đồng bào các giới, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo tiếp cận hiểu nhau. Từ đó để mọi người tìm hiểu về cách mạng, về kháng chiến, về Đảng Lao động Việt Nam. Mục tiêu của khu tập kết 200 ngày là tạo ra hình mẫu một chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân; làm biểu tượng về tính ưu việt để đồng bào so sánh với chính quyền thực dân tàn bạo. Ủy ban liên hợp đình chiến Nam bộ cùng chính quyền nhân dân khu vực tập kết đã chi hàng ngàn đồng tiền ngân hàng và xuất hàng vạn tấn gạo cứu trợ, cứu đói cho hàng ngàn gia đình.
Tại nơi tập kết, các đơn vị bộ đội tìm kiếm cây lá dựng lên hàng trăm căn nhà, phân phát cho những người lang thang, cơ nhỡ. Những trường học xuống cấp được tu sửa, những nơi chưa có trường học thì cất trường mới.
Phong trào xóa mù chữ phát triển rầm rộ khắp nơi. Hầu hết các cơ quan dân chính, các đơn vị bộ đội; cán bộ, chiến sĩ đều tham gia tổ chức lớp bình dân học vụ. Tích cực tu sửa, xây mới trạm y tế, trạm bảo sanh; tăng cường y tá, y sĩ, dụng cụ y tế cho mạng lưới y tế cơ sở; tích cực vận động nhân dân hốt rác, sên vét cống rãnh, đào mương thoát nước cho các khu dân cư lao động. Những việc làm trên làm cho đời sống người dân khu tập kết được cải thiện rõ rệt.
Tất cả những việc làm của cán bộ, bộ đội đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng và lòng tin vào cách mạng sâu đậm trong nhân dân. Chính vì vậy, sau này khi đối phương vi phạm hiệp định, trong cơn khủng bố, đàn áp dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm khi xây dựng đặc khu An Phước sát hại hàng ngàn người ở rừng tràm Bang Biện Phú, người dân Vĩnh Thuận, U Minh vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Người dân kiên cường bám trụ, đùm bọc, che chở, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ đến ngày giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Sau 21 năm kiên trì đấu tranh gian khổ, đầy hy sinh, mất mát, những người rời bến Chắc Băng đã trở về trong sự đoàn tụ Bắc - Nam thống nhất, hưởng trọn niềm vui độc lập.
VÕ THANH XUÂN