Đó là cảm xúc của người dân Gia Lai trong những ngày cùng cả nước kỷ niệm 50 năm non sông liền một dải.
Hòa trong niềm vui thống nhất
Gia Lai trong những ngày đại lễ rực rỡ sắc cờ hoa. Từ trung tâm thành phố đến vùng ven, từ huyện thị đến buôn làng, đâu đâu cũng rợp sắc cờ đỏ sao vàng. Pa nô, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng đại lễ giăng khắp nơi. Những ca khúc cách mạng, giai điệu hào hùng mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vang lên từ loa truyền thanh, quán cà phê, khắp các buôn làng… như nối dài niềm hân hoan của hàng triệu trái tim.
Tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), từ sáng sớm ngày 30-4, dòng người từ khắp nơi đổ về nhộn nhịp, đông vui. Nhiều người mang theo hoa tươi, cờ Tổ quốc, mặc áo cờ đỏ sao vàng háo hức chụp ảnh cùng gia đình, bạn bè dưới chân Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.
Nán lại rất lâu trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trên Quảng trường, bà Nguyễn Thị Hà (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) xúc động bày tỏ: “Được sống trong hòa bình, chúng tôi khắc ghi công ơn những người đã ngã xuống cho đất nước có ngày hôm nay. Niềm vui này được đánh đổi bằng rất nhiều mất mát, hy sinh nên chúng tôi càng thấm thía và trân trọng”.
Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Gia Lai là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Ảnh: Trần Dung
Bên cạnh dòng người hân hoan xuống phố mừng đại lễ, nhiều gia đình chọn ở nhà cùng xem lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước qua màn ảnh nhỏ. Ông Nguyễn Văn Nhu (72 tuổi, xã Gào, TP. Pleiku) xúc động kể: “Trước đây, tôi và các cựu chiến binh thường đến viếng nghĩa trang liệt sĩ mỗi dịp 30-4. Giờ sức yếu, chỉ có thể ở nhà kể lại chuyện xưa cho con cháu nghe và theo dõi lễ kỷ niệm qua ti vi. Tôi là một người lính đi qua chiến tranh và rất vui khi chứng kiến đất nước phát triển suốt 50 năm qua”.
Chung niềm xúc động, chị Ksor Hạnh-Học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh-cho biết: “Dù không có mặt tại lễ diễu binh, diễu hành nhưng chúng tôi đều giơ cao lá cờ Tổ quốc trong giờ sinh hoạt chuyên đề. Chúng tôi cảm nhận niềm tự hào và tình yêu đất nước dâng trào trong trái tim mỗi người”.
Dịp này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Tại làng Ktăng (xã Kdang, huyện Đak Đoa), lá cờ Tổ quốc tung bay trước mỗi nếp nhà. Người dân cùng nhau ôn lại kỷ niệm trong kháng chiến, chuyện về những ngày tháng tiếp tế cho bộ đội.
Ông Gâu-người từng tham gia hoạt động cách mạng-rưng rưng nói: “Chúng tôi từng sống qua chiến tranh, càng thấm thía giá trị hòa bình hôm nay. Tự hào về truyền thống cách mạng, dân làng quyết tâm xây dựng quê hương thêm phát triển”.
Thế hệ trẻ Gia Lai mừng ngày lễ lớn với các hoạt động ý nghĩa. Ảnh: Đ.T
Tại thị xã An Khê, sau khi theo dõi lễ diễu binh, diễu hành qua truyền hình, nhiều người đã đến nghĩa trang liệt sĩ, đền tưởng niệm, Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo để dâng hương tưởng niệm và tri ân tiền nhân, người có công với nước. Ông Phan Kế Phúc (tổ 4, phường Ngô Mây) chia sẻ: “Ngay tại quê nhà, chúng tôi vẫn cảm nhận trọn vẹn niềm xúc động và tự hào trong ngày vui thống nhất”.
Còn chị Nguyễn Thị Liên (tổ 5, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) thì tâm sự: “Đi đâu cũng thấy không khí hào hứng; khu dân cư, xóm làng thì rực rỡ cờ hoa và tiếng nhạc hào hùng. Cảm giác rất thiêng liêng và đáng nhớ”.
Đi xa, về gần
Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là khoảng thời gian quý báu để mọi người nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Trên các tuyến quốc lộ 19, 14, từ sáng sớm ngày lễ đầu tiên đã tấp nập dòng người trở về Gia Lai. Các bến xe đông đúc người xuống bến, những nụ cười rạng rỡ sau chặng đường xa.
Anh Ngô Văn Hoàng (phường Diên Hồng, TP. Pleiku, hiện làm việc ở TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Cảm giác được trở về nhà, uống cà phê trong không khí mát lành của Pleiku, ôm mẹ một cái… thật không gì sánh bằng”.
Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày này, nhiều gia đình cùng nhau khám phá thiên nhiên. Tại huyện Kbang, anh Vũ Trung Hiếu cùng gia đình về quê vợ tổ chức dã ngoại, tham quan một số cảnh đẹp.
Anh Hiếu chia sẻ: “Không khí trong lành và sự gắn kết với người thân giữa rừng già Kbang khiến mọi áp lực dường như tan biến. Dịp này, chúng tôi cũng tranh thủ khám phá một số thắng cảnh nổi tiếng như thác Hang Dơi, thác K50”.
Những khoảnh khắc bên nhau trong kỳ nghỉ lễ không chỉ là phút giây thư giãn, mà còn là chất liệu nuôi dưỡng tình thân, để mỗi người thêm gắn bó với gia đình và quê hương.
Nhiều gia đình, bạn trẻ háo hức đổ về Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) trong ngày 30-4 lịch sử. Ảnh: Đ.T
Trong 5 ngày nghỉ lễ năm nay, Gia Lai đón khoảng 47.900 lượt khách tham quan, du lịch, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu du lịch ước đạt 18,7 tỷ đồng, giảm 9%. Phần lớn doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh khách sạn với trên 12 tỷ đồng, phục vụ khoảng 8.500 lượt khách lưu trú.
Trong khi nhiều người chọn trở về với gia đình thì cũng có người chọn đi xa để tận mắt chứng kiến không khí đại lễ tại TP. Hồ Chí Minh.
Chị Lưu Tổng Hoàng Anh (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) dù rất khó khăn để mua vé nhưng vẫn quyết tâm vào thành phố mang tên Bác để được hòa vào không khí lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Bản thân tôi muốn tận mắt nhìn thấy các hoạt động chào mừng đại lễ của đất nước, tận hưởng những khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng. Tôi mãi biết ơn và trân trọng quá khứ”-anh Hoàng Anh chia sẻ.
Theo anh Hoàng Anh, không chỉ là sự kiện lịch sử, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn là dịp để gắn kết người Việt mọi lứa tuổi, mọi miền đất nước trong niềm tự hào và lòng biết ơn.
Nhiều sự kiện văn hóa
Dịp nghỉ lễ năm nay cũng ghi dấu nhiều sự kiện văn hóa nổi bật. Tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh, Ngày hội ẩm thực và triển lãm ảnh văn hóa-du lịch Gia Lai 2025 với phong phú món ăn vùng miền, trưng bày hàng trăm hình ảnh về lễ hội, di tích, nghề truyền thống, thắng cảnh… thu hút lượng lớn người dân và du khách.
Chị Nguyễn Thị Hạnh Duyên (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) hào hứng chia sẻ: “Tôi rất hứng khởi khi được hòa vào không gian náo nhiệt, sôi động của ngày hội. Đây không chỉ là dịp để giới thiệu vẻ đẹp của tỉnh nhà mà còn ý nghĩa hơn khi diễn ra trong thời điểm cả nước cùng nhau kỷ niệm một dấu mốc lịch sử quan trọng”.
Đáng chú ý, ngay tại Quảng trường Đại Đoàn Kết còn diễn ra sự kiện Gia Lai Coffee Festival 2025. Bạn Nguyễn Diễm Quỳnh-Sinh viên từ TP. Hồ Chí Minh về thăm quê-hào hứng: “Cà phê hôm nay không chỉ là đồ uống mà mang theo cả hương vị hòa bình”. Có mặt tại Gia Lai dịp này, nhiều du khách quốc tế cũng bị cuốn hút bởi không khí lễ hội và tinh thần dân tộc.
Anh Luke Williams (người Nam Phi)-Giáo viên tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ Lalisa (TP. Pleiku bày tỏ: “Cảm ơn tất cả vì đã cho tôi được là một phần trong câu chuyện yêu nước và lòng tự hào dân tộc của các bạn. Cảm ơn vì đã dạy tôi hiểu thế nào là lòng yêu nước không phải qua lời nói mà qua hành động. Đó là hình ảnh em học trò ngẩng cao đầu khi hát Quốc ca, bà cụ thắp nén hương tưởng nhớ những người anh hùng hay người dân Pleiku treo cờ Tổ quốc”.
Gia đình anh Lê Đình Phúc (phường Hội Phú, TP. Pleiku) chụp hình lưu niệm tại Công viên Diên Hồng. Ảnh: Hoàng Hoài
Trong kỳ nghỉ lễ năm nay, các “địa chỉ đỏ” là điểm đến của nhiều tổ chức, gia đình, cá nhân. Nhiều gia đình, đoàn khách du lịch theo tour và người dân chọn tham quan di tích lịch sử như một cách trải nghiệm và hiểu hơn về lịch sử truyền thống đất nước.
Ông Vũ Văn Phong (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) xúc động: “Gia đình tôi từ Bình Dương lên đây để thắp nén hương cho bố tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai. Bố tôi hy sinh năm 1973. Mỗi lần đứng trước mộ ông, cảm xúc lại dâng trào khó diễn tả thành lời”.
Khu lưu niệm lịch sử nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện H2 (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) mở cửa xuyên suốt kỳ nghỉ lễ đón các đoàn khách “về nguồn” tri ân, tưởng nhớ. Không gian xanh, hồ sen thơm ngát tạo điểm nhấn cho công trình mang đậm dấu ấn văn hóa-lịch sử này.
Kỳ nghỉ lễ dài ngày năm nay còn là dịp để người dân Gia Lai nhìn lại chặng đường phát triển 50 năm qua. Từ một vùng đất từng chịu nhiều mất mát đau thương, Gia Lai hôm nay đang từng ngày đổi thay, phát triển. 50 năm với những dấu mốc đáng nhớ, cũng là xuất phát điểm cho một chặng đường mới trong hành trình hiện thực khát vọng và phát triển, của sự kết nối rừng-biển để viết tiếp câu chuyện hòa bình trong thời kỳ hội nhập.
NHÓM PHÓNG VIÊN