Trốn thuế khi doanh thu bán điện thoại trên Shopee, Tiki, Lazada hơn 160 tỷ đồng, 1 cá nhân bị khởi tố

Trốn thuế khi doanh thu bán điện thoại trên Shopee, Tiki, Lazada hơn 160 tỷ đồng, 1 cá nhân bị khởi tố
2 giờ trướcBài gốc
Theo Báo Công Thương, chiều 1/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường (sinh năm 1986, trú tại Tổ 5, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa trên sàn kinh doanh thương mại điện tử.
Theo đó, thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội đã tạo môi trường thuận lợi cho các hình thức kinh doanh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, có một số cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đã cố tình không kê khai, nộp thuế, che giấu doanh thu gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Qua công tác nắm tình hình và phối hợp với Cục thuế TP. Hà Nội, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội phát hiện đối tượng Đỗ Mạnh Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử khác nhau (Shopee, Tiki, Lazada…) để kinh doanh điện thoại, phụ kiện với tư cách cá nhân…
Từ năm 2019 đến nay, hoạt động kinh doanh của Cường đã phát sinh doanh thu rất lớn, lên đến hơn 160 tỷ đồng. Căn cứ tài liệu thu thập được, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội xác định Cường đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau để nhận tiền thanh toán và không kê khai, nộp thuế theo quy định, trốn thuế với số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng tại nơi ở của Đỗ Mạnh Cường. (Ảnh: Báo Tiền Phong).
Điều đáng nói, từ năm 2019 đến nay, Cục thuế TP. Hà Nội đã phối hợp với Công an TP. Hà Nội tích cực tuyên truyền, nâng cao hiểu biết người dân về việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Đồng thời, chủ động giải đáp thắc mắc, khó khăn vướng mắc cho người dân trong việc kê khai, nộp thuế đối với hoạt động này.
Bản thân Đỗ Mạnh Cường cũng đã được cơ quan thuế làm việc, tuyên truyền, nhắc nhở. Tuy nhiên, Cường vẫn cố tình không chấp hành việc kê khai nộp thuế theo quy định. Thậm chí, đối tượng Cường thực hiện nhiều hành vi đối phó nhằm che giấu doanh thu, trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường để điều tra về hành vi trốn thuế và đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vai trò của các đối tượng có liên quan. Đồng thời, xác minh, làm rõ nguồn gốc hàng hóa cũng như toàn bộ doanh thu phát sinh của Đỗ Mạnh Cường trên các nền tảng mạng xã hội khác để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Cục thuế TP. Hà Nội tiến hành rà soát việc thực hiện nghĩa vụ thuế đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi trốn thuế, gian lận trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách theo quy định.
Theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, điểm a, điểm b khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội trốn thuế:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
+ Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
+ Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
+ Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
+ Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
+ Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
+ Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
+ Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
+ Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
+ Có tổ chức;
+ Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
+ Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
+ Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm."
Theo khoản 2 Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Như vậy tùy theo số tiền trốn thuế mà có bị xử lý hình sự ngay hay không, có những trường hợp số tiền trốn thuế chưa đến mức bị xử lý hình sự nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế như quy định trên thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhật Linh (t/h)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/tron-thue-khi-doanh-thu-ban-dien-thoai-tren-shopee-tiki-lazada-hon-160-ty-dong-1-ca-nhan-bi-khoi-to-6960.html