Tại dự thảo nghị định, Bộ Công an đề xuất điều chỉnh, bổ sung đối tượng để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật PCCC-CNCH và thực tiễn.
Đề xuất, điều chỉnh bãi bỏ hình thức xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn” và một số biện pháp khắc phục hậu quả không phù hợp với các hành vi vi phạm.
Cơ quan soạn thảo nghị định cũng đề xuất điều chỉnh bổ sung thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện và hành vi vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp.
Trong 3 năm (2022-2024), cơ quan chức năng xử phạt vi phạm về PCCC với số tiền hàng trăm tỷ đồng
Đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính về PCCC-CNCH. Cụ thể, bãi bỏ 5 nội dung không còn phù hợp, một trong số đó là nội dung về vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình; vi phạm quy định về thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn để phù hợp với quy định của Luật PCCC-CNCH; vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện PCCC-CNCH do có khó khăn, bất cập trong thực hiện.
Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung 7 điều và 70 hành vi phù hợp theo quy định mới của Luật PCCC-CNCH. Theo đó, bổ sung quy định về hành vi vi phạm về lưu thông phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy…
Một số hành vi được bổ sung gồm: hành vi vi phạm quy định về thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn, truyền tin báo cháy, khai báo, cập nhật cơ sở dữ liệu về phòng cháy, cháy và truyền tin báo cháy; hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà; hành vi để hình thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ có chỉ số nguy hiểm cháy, nổ vượt quá giới hạn dưới của giới hạn nồng độ bắt cháy...
Theo Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2024, lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH đã kiểm tra, lập biên bản và xử lý hơn 269.000 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó 3 năm (2022-2024), các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 112.700 vụ vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 512 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm tập trung chủ yếu vào các nhóm: trang bị, sử dụng, bảo dưỡng phương tiện thiết bị PCCC-CNCH (không trang bị, lắp đặt, không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ, làm hỏng…); thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC (đưa hạng mục, công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC....).
Cũng theo thông tin từ Bộ Công an, trong 3 năm (2022-2024) trên cả nước xảy ra 10.786 vụ cháy, làm chết 356 người, làm bị thương 284 người; thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ khoảng 2.169 tỷ đồng.
ĐỖ TRUNG