Đây là kết quả được đưa ra tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội với UBND tỉnh Đắk Lắk về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021–2030 (giai đoạn I từ năm 2021–2025) tại địa phương.
UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến tháng 3/2025, tỉnh đã giải ngân trên 2.100 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, đạt 68,7% kế hoạch vốn được giao. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm mạnh từ 26,74% (năm 2021) xuống còn 13,71% vào cuối năm 2024, tương đương giảm gần một nửa số hộ nghèo. Tỉnh đã hỗ trợ hơn 1.000 hộ xây dựng nhà ở, đầu tư xây dựng và duy tu gần 550 công trình hạ tầng thiết yếu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổ chức hàng chục lớp xóa mù chữ, dạy nghề, phát triển sản xuất và phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống.
Từ 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của Đắk Lắk đã giảm một nửa.
Tuy nhiên, Đắk Lắk cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: thủ tục hành chính phức tạp, văn bản hướng dẫn còn thiếu và chồng chéo, quỹ đất để bố trí cho hộ nghèo còn hạn chế, định mức hỗ trợ còn thấp so với thực tế. Việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách vẫn chưa đạt kỳ vọng, và tiến độ triển khai một số tiểu dự án còn chậm do vướng mắc cơ chế.
Địa phương kiến nghị Chính phủ sớm phân bổ phần vốn đầu tư phát triển còn thiếu theo kế hoạch trung hạn, xem xét tăng mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho phù hợp với thực tế. Tỉnh cũng đề xuất điều chỉnh chính sách tín dụng ưu đãi và lồng ghép linh hoạt hơn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo hiệu quả triển khai.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà Đắk Lắk đạt được, nhất là trong công tác giảm nghèo, cải thiện hạ tầng và phát huy nội lực cộng đồng.
Đồng thời ông Nguyễn Lâm Thành đề nghị: “Phải tập trung theo hướng sản xuất lớn, thay đổi được tập quán quan hệ sản và tổ chức lại lực lượng sản xuất và đây cũng là đặc tính của kinh tế vùng dân tộc đó là tính liên kết. Thứ hai là sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sản xuất thì đấy mới là hướng căn cơ. Tôi đề nghị các đồng chí định hướng lại những nội dung như vậy”.
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Đắk Lắk quan tâm hơn nữa đến tổ chức sản xuất, việc làm trong vùng DTTS.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại một số xã thuộc huyện Lắk và huyện Ea Súp, trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và chính quyền cơ sở để phục vụ công tác giám sát, hoàn thiện chính sách và đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả của chương trình trong giai đoạn tới.
Hương Lý /VOV-Tây Nguyên