Trong 50 năm, tuổi thọ và chiều cao của người dân TP HCM tăng lên bao nhiêu?

Trong 50 năm, tuổi thọ và chiều cao của người dân TP HCM tăng lên bao nhiêu?
9 giờ trướcBài gốc
Ngày 23-2, thông tin từ Sở Y tế TP HCM cho biết qua 50 năm phát triển, ngành y tế TP đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng của người dân TP HCM.
Khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân tại các trạm y tế phường, xã (7-1975).
Theo đó, năm 1979, tuổi thọ của người dân TP HCM đã tăng từ 66 tuổi lên 76,6 tuổi vào năm 2024, vượt trội so với mức trung bình của cả nước là 74,7 tuổi. Chiều cao trung bình của người dân cũng được cải thiện rõ rệt, từ 168,2 cm năm 2014 lên 169,2 cm năm 2019 ở nam và từ 155,9 cm lên 157,0 cm ở nữ trong cùng thời gian.
Người dân đưa trẻ đến trạm y tế phường 8, quận Gò Vấp để tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Sở Y tế cho biết ngay từ những ngày đầu sau giải phóng, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh, ngành y tế TP đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân. Đồng thời, vượt qua giai đoạn tái thiết đất nước. Đặc biệt, các trạm y tế phường, xã cùng đội ngũ cán bộ y tế đã góp phần to lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh như sốt rét, dịch tả, thương hàn, và các dịch bệnh khác.
Người cao tuổi đang được thăm khám sức khỏe miễn phí tại trạm y tế phường Linh Trung, TP Thủ Đức
Chính nhờ việc củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng, TP HCM đã không ngừng giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng và mù lòa, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, bắt đầu từ năm 1981, đã giúp TP HCM kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm. Từ năm 2000, TP đã thanh toán được bệnh bại liệt và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Hệ thống tiêm chủng đã giúp duy trì tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên 95%. Đồng thời, loại trừ nhiều bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét và bệnh phong. TP còn triển khai những giải pháp hiệu quả trong phòng chống HIV/AIDS, giúp giảm tỷ lệ mắc mới, chuyển sang AIDS và tử vong, hướng đến mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Để đối phó với những thách thức mới, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19, Ngành y tế TP HCM đã tham mưu cho UBND TP HCM ban hành các đề án củng cố và nâng cao năng lực giám sát dịch bệnh. Sự hợp tác quốc tế với các tổ chức như OUCRU (Đại học Oxford) và CDC Mỹ đã giúp TP HCM cải thiện khả năng phát hiện và kiểm soát dịch bệnh, thể hiện qua việc kiểm soát thành công dịch sởi vào năm 2024.
Bên cạnh công tác phòng chống dịch, TP HCM còn chú trọng phát triển y tế cơ sở và các chương trình sức khỏe cộng đồng. Các chương trình như chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe cho người cao tuổi đã giúp nâng cao chất lượng sống của người dân. Hệ thống y tế cơ sở cũng được củng cố với sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và việc ứng dụng công nghệ y tế như telemedicine và trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán.
Trong suốt hành trình 50 năm, ngành y tế TP HCM đã không chỉ cải thiện sức khỏe thể chất mà còn chú trọng đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần đã được triển khai nhằm giúp người dân vượt qua những khó khăn về tâm lý, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, ngành y tế TP HCM vẫn đối diện với nhiều thách thức mới như bệnh tật không lây nhiễm, già hóa dân số, và những yếu tố tác động từ môi trường. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, ngành y tế TP HCM tiếp tục nỗ lực xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, phát triển bền vững.
Hải Yến
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/trong-50-nam-tuoi-tho-va-chieu-cao-cua-nguoi-dan-tp-hcm-tang-len-bao-nhieu-196250223101457114.htm