Trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội tăng thị phần

Trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội tăng thị phần
4 giờ trướcBài gốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), Việt Nam được đánh giá nằm trong top 4 các nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nhất trước những chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, chưa thể đoán định được liệu thủy sản Việt Nam có bị áp mức thuế mới hay không và khi nào sẽ bị áp dụng, vì điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam vẫn sẽ có cơ hội gia tăng thị phần.
Từ bất ổn thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp Mỹ có thể chuyển hướng sang Việt Nam tìm đối tác cung ứng thủy sản thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Mỹ và cả các thị trường khác như Nhật Bản, Canada… cũng sẽ tìm kiếm đối tác gia công chế biến thủy sản ở Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep đánh giá, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần luôn đảm bảo tốt chất lượng và quy trình sản xuất, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc phải minh bạch.
"Việc tuân thủ các quy định về xuất xứ, đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và hợp tác với các cơ quan chức năng sẽ giúp doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ được uy tín trên thị trường quốc tế", đại diện Vasep chia sẻ.
Trong đó, sản phẩm cá tra có thể thay thế thị phần cá rô phi của Trung Quốc vào Mỹ. Hàng năm, Mỹ nhập khẩu các sản phẩm cá phile tươi/đông lạnh với giá trị từ 1 - 1,4 tỷ USD (chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch). Trong nhóm cá phile tươi/đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, cá rô phi chiếm khối lượng và giá trị lớn nhất, tiếp đến là cá tuyết, cá hồi…
Việc Mỹ áp thuế bổ sung 10% đối với nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến giá cá rô phi của Trung Quốc tiếp tục tăng, điều này có thể làm giảm nhu cầu của Mỹ. Do vậy, dự báo sẽ có nhiều cơ hội hơn cho cá tra.
Mặt khác, từ việc Mỹ áp thuế 10% với sản phẩm của Trung Quốc, có thể sẽ dẫn đến hành động trả đũa tương tự từ Trung Quốc. Do vậy, thủy sản nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, tôm hùm, cua huỳnh đế… đa số phục vụ cho phân khúc tiêu thụ cao cấp như nhà hàng, khách sạn.
Hai năm gần đây, nhất là năm 2024 Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu các mặt hàng thủy sản tươi/sống từ Việt Nam như cua, ngao, tôm hùm, ốc để phục vụ cho nhóm khách hàng cao cấp tại thị trường này. Nhu cầu từ phân khúc này được dự báo là tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung cấp từ Mỹ bị sụt giảm.
Bối cảnh này tiếp tục có lợi cho thủy sản Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tươi sống sang thị trường này mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
Từ bất ổn thương mại Mỹ - Canada, việc Mỹ áp mức thuế 25% với hàng hóa Canada chắc chắn sẽ làm giảm xuất khẩu thủy sản của nước này vào Mỹ, trong khi Mỹ đang chiếm 70% xuất khẩu thủy sản của Canada với giá trị 3,5 – 5 tỷ USD/năm. Như vậy, một lượng lớn thủy sản sẽ chia sẻ vào các thị trường khác.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng là một đối tác nhập khẩu để tiêu thụ trong nước và gia công chế biến các sản phẩm thủy sản cho Canada như cá tuyết, cua tuyết, tôm hùm và một số loại cá biển. Sau khi bị áp thuế mới từ Mỹ, Canada có thể sẽ tăng thương mại thủy sản với Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp, song cũng là thách thức đối với chính thị trường trong nước.
Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của Canada, vì Trung Quốc là đối tác lớn của nước này. Do vậy, sản phẩm thủy sản cao cấp của Việt Nam có thể bị áp lực cạnh tranh với tôm, cua, cá từ Canada đổ vào Trung Quốc.
Ngoài ra, sẽ có một lượng đáng kể thủy sản sẽ phải tiêu thụ trong nước bù đắp cho sụt giảm thị phần tại Mỹ. Xu hướng này cũng phần nào làm giảm nhập khẩu của Canada từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Hồng Ân
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/trong-boi-canh-thue-quan-moi-cua-my-thuy-san-viet-nam-van-co-co-hoi-tang-thi-phan-post363344.html