Ông Kim Văn Thành (bên phải), ấp Bót Chếch chia sẻ cách thu hoạch dừa sáp trên cây dừa truyền thống được trồng theo hướng hữu cơ.
Trong tháng 10/2024, tỉnh Trà Vinh được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt cấp 09 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc tại Công văn số 2355/BVTV-HTQT, ngày 17/10/2024 của Cục Bảo vệ thực vật về việc vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để việc xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc được thuận lợi, bền vững, không ảnh hưởng đến uy tín trái dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh sẽ hướng dẫn các đơn vị có mã số được phê duyệt tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu; yêu cầu cơ sở đóng gói thực hiện kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu để đảm bảo không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm và tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm.
Các địa phương có vùng trồng và cơ sở đóng gói phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc của lô hàng xuất khẩu. Đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ dừng xuất khẩu đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo thông báo vi phạm của nước nhập khẩu.
Đồng chí Huỳnh Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa cho biết: ấp Ô Chích B, Bót Chếch là những địa phương được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt cấp mã số vùng trồng, từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế cây dừa và thu nhập của người dân. Diện tích dừa của xã hiện có trên 600ha, trong đó có 574ha dừa đang cho trái; 2,3ha dừa sáp và 524,55ha dừa hữu cơ và được liên kết với Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong thu mua.
Thời gian tới, xã tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu dừa ở ấp Ba Se A, Ba Se B để được cấp mã số vùng trồng và mở rộng thêm vùng trồng dừa ở một số ấp lân cận. Ngoài ra, xã khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng dừa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng đảm bảo quy hoạch vùng sản xuất hàng năm của xã.
Nông dân Nguyễn Văn Phương, ấp Ô Chích B, xã Lương Hòa cho biết: từ khi chuyển hướng sang trồng dừa hữu cơ, giá dừa tăng cao so với trước đây từ 5.000 - 10.000 đồng/chục. Với 1,5ha dừa hiện đang cho trái 1.800 trái/tháng, giá bán vừa qua 110.000 đồng/chục, thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng.
Theo ông Phương, năm nay giá dừa cao nên nông dân có nguồn thu nhập đáng kể. Dừa là cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, thu nhập ổn định, đặc biệt cuối năm 2023 vùng nguyên liệu dừa của ấp được công nhận dừa đạt chuẩn hữu cơ và được cấp mã số vùng trồng, đây là điều kiện giúp người trồng dừa nâng cao giá trị kinh tế trong tương lai.
Đến thăm gia đình nông dân Kim Văn Thành, ấp Bót Chếch là hộ dân có thâm niên trồng dừa hơn 10 năm cho biết: với 1,2ha dừa được chuyển đổi từ đất trồng lúa những năm qua đã mang lại nguồn thu nhập cao gấp đôi, ba lần so với trồng lúa trước đó. Đặc biệt là trồng dừa, chi phí thấp, nhẹ công chăm sóc hơn cây lúa và các loại cây trồng khác. Trồng dừa theo hướng hữu cơ, người trồng chủ yếu bón phân chuồng, phân hữu cơ nên chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí phân bón hóa học. Với giá dừa 110.000 đồng/chục hiện nay cho thu nhập hàng tháng hơn 10 triệu đồng.
Ngoài trồng dừa theo hướng hữu cơ phục vụ thị trường, ông còn trồng khoảng 100 cây dừa sáp truyền thống cho thu nhập đáng kể, hàng tháng cho sản lượng khoảng 30 - 40 trái, giá bán từ 50.000 - 100.000 đồng/trái. Do điều kiện đất đai, nên tỷ lệ sáp trên cây dừa đạt khoảng 30%, vì thế sản lượng ít hơn những vùng đất khác.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN