Thấy con gái hết đi vào lại đi ra, dài cổ ngóng ra cổng, chốc chốc lại
cầm chiếc điện thoại lên bấm số, bà Thảo, mẹ Loan sốt ruột hỏi: “Con có chắc là thằng Hải nó đến không đấy?”. Loan cũng như có lửa đốt ở trong lòng. Rõ là anh ấy hẹn hôm nay sẽ bay về nước rồi đến nhà mình luôn mà tới giờ vẫn chưa thấy tăm hơi gì là sao? Sáng sớm vẫn còn liên lạc được, thế mà cả mấy tiếng đồng hồ rồi lại bặt vô âm tín? Lý do gì nhỉ? Chẳng lẽ…
*
Là con gái duy nhất của bà Thảo, Tết này, Loan tròn hai mươi tám tuổi. Ở cái tuổi ấy, cùng trang lứa với cô, con gái làng này đã con bồng con bế cả rồi. Có đứa còn vỡ kế hoạch lên đến ba con. Thế mà Loan lại lận đận quá, vẫn mê mải hát hò, vô tư xoan ghẹo với phường xoan của làng. Tốt nghiệp đại học, Loan chạy đủ các cửa, làm đủ các việc nhưng chẳng đâu nhận cô dù biên chế hay hợp đồng. Cuối cùng, mọi người đều khuyên Loan nên đi xuất khẩu lao động ở xứ sở kim chi.
"Thôi, tiện đang có đợt tuyển đấy, sang đó vài năm, kiếm ít vốn, trải nghiệm xuất ngoại rồi về lấy chồng cũng được. Biết đâu, gặp duyên, lại lấy được chồng Hàn Quốc thì sao? Xinh đẹp thế, trình độ thế, hát hò lại hay nữa, lo gì?", anh cả của Loan tặc lưỡi bảo vậy. Bà Thảo vằn mắt: “Không có hàn cuốc, hàn xẻng gì nha. Lấy nó để tao mất con à? Ai chấy rận sau này cho tao? Về! Về ngay! Kiếm thằng nào đui què mẻ sứt cũng được”. Dừng lại giây lát, nhìn xoáy vào con gái, bà nói tiếp: “Nhớ phải chí thú làm ăn cho chính đáng, tích cóp lấy ít vốn liếng sau này mà sống”.
Loan cất bước ra đi. Sang đó được ít tháng, một hôm bà Thảo nhận được điện của Loan. Nó rối rít khoe: “Con có bạn trai rồi mẹ ơi!”. Mừng quá, bà vội hỏi lại: “Thật chứ? Người mình hay Hàn Quốc hả con?”. “Trai Hàn chuẩn đất mẹ ạ!”. Đứng hình mất mấy giây, bà Thảo chằm chằm nhìn con gái trên điện thoại. Loan nhe nhoẻn cười, ánh mắt ngời lên vẻ mãn nguyện. “Tao cấm chỉ nha!”, bà rít qua kẽ răng. Loan phá ra cười. Mãi sau, cô mới nói để mẹ yên tâm: “Con trêu mẹ thôi. Anh ấy người Việt mình, cùng xuất khẩu sang đây, cùng công ty con mẹ ạ. Ạnh ấy sang trước con một năm”. “Thế có cùng huyện mình không?”. “Không, mẹ ơi! Anh ấy ở Hải Dương, quê bánh đậu xanh có cả chiếng chèo nổi tiếng đó mẹ ạ”. “Thế hả? Thế thì mẹ yên tâm rồi. Nhớ bảo nhau giữ gìn nhé. À, nó bao tuổi, khỏe mạnh chứ?”. “Khỏe, mẹ ơi. Chân tay, mắt mũi đủ cả, Loan trêu. Chẳng thế sao sang được đây? Anh hơn con năm tuổi, chững chạc lắm”. “Hơn năm tuổi à? Được, hay là nó có vợ con rồi? Tìm hiểu cho kỹ nha”. “Vâng. Việc này thì mẹ yên tâm đi. Bữa nào để con chát giới thiệu anh ấy với mẹ nhé”.
*
Loan thẫn thờ hết nhìn ra ngõ rồi lại chăm chăm vào chiếc điện thoại. Nắm chặt nó trong tay, chưa lúc nào Loan lại mong nó rung reo nhạc chờ đến thế. Sang Hàn sau Hải nhưng Loan lại về nước trước anh vì thời hạn hợp đồng của Loan ngắn hơn. Hải về sau Loan ba tháng. Họ hẹn nhau, ăn Tết Ất Tỵ xong, mùa xuân tới sẽ tổ chức lễ cưới. Cả hai cũng đều đã cứng tuổi cả rồi. Tình yêu cũng chín muồi rồi.
Và hôm nay, đúng hẹn, Hải sẽ bay về và lên thẳng quê Loan để xúc tiến dần việc này. Không ngày nào là hai người không nói chuyện điện thoại với nhau kể từ ngày Loan về nước. Có hôm họ gần như thâu đêm suốt sáng. Bao nhớ thương dồn nén lên chiếc điện thoại làm cho nó nóng lên. Chưa bao giờ Loan cảm thấy câu hát “Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi. Anh ơi em vẫn đợi…” lại thấm thía và da diết đến thế. “Thương nhớ ở ai?”, Hải ơi!
Ba năm xứ Hàn, làm thuê ở xứ người, Loan trải bao cung bậc cảm xúc. Cô đơn, chơi vơi, nhớ mẹ, nhớ nhà… Mặc dù công ty Loan làm có khá nhiều người Việt và bản tính yêu đời, tự tin, hay hát của mình nhưng nhiều lúc Loan cũng cảm thấy hụt hẫng ghê gớm. Hết ca làm việc, lúc chập tối, khi trăng lên hay mỗi bữa ăn… thì hình ảnh mẹ và quê hương cứ rờ rỡ hiện lên. Những câu xoan, câu ghẹo của phường xoan cứ quấn quýt vọng tới như rủ rê mời gọi Loan trở về với phường hát.
Mãi đến khi gặp Hải, Loan mới thấy mình khác hẳn. Tự tin, yêu đời, nhí nhảnh lắm. Đúng là tình yêu đã tưới mát tâm hồn Loan. Cái sự Hải đến với Loan cũng cứ như trời định vậy. Ở bên đó, những ngày nghỉ, anh em người Việt thường tụ tập lại với nhau. Sau những câu chuyện tâm sự thì họ lại đàn hát cho vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Trong các cuộc ấy, Loan sôi nổi hẳn lên. Sẵn có vốn xoan tích lũy được từ mẹ, từ bà, từ đội hát của làng cùng với chất giọng dân ca mượt mà, Loan đã nổi bật lên trong nhóm. Đặc điểm của hát xoan là chỉ cần một chiếc trống cái “cắc tùng” giữ nhịp là múa hát cứ vô tư. Sang đây, trống không có nhưng Loan vẫn hát chuẩn và hay lắm.
Hải cũng vậy, cũng sinh ra ở làng quê giàu truyền thống nên anh có máu văn nghệ từ bé. Anh hát dân ca, chèo hay quan họ đều rất mượt mà. Thì ngày xưa, các cụ hát cũng có cần nhạc cụ nào đâu... Cứ vang, rền, nền, nảy là được. Thế mà tiếng ca quan họ vẫn cứ dìu dặt, da diết, vắt vẻo từ làng này sang làng khác, suốt từ sáng tới khuya cho tới tận khi “giã bạn”.
Chính nhờ khúc hát dân ca này mà hai người tự nhiên thành một cặp song ca ăn ý lắm. Kẻ tung, người hứng rất nhuần nhị. Hôm nào họ xoan “Đố hoa” hay quan họ “Trên rừng ba mươi sáu thứ chim” thì thôi rồi. đắm đuối phải biết. Cả bọn khi đó chỉ còn biết ngồi say sưa nhìn đôi uyên ương rồi cùng vỗ nhịp theo câu hát lúc nào không hay. Mọi sự tùy duyên, Loan và Hải cũng vậy.
Được thừa hưởng gen âm nhạc của mẹ, trên nữa là ông ngoại, Loan nổi tiếng với giọng hát của mình. Ngày trước, ông ngoại Loan là trùm phường xoan làng Cổ Cò. Oách lắm. Nhìn ông vung dùi, gõ trống, nghiêng bên nọ, ngả bên kia, tiếng trống “tùng tùng cắc cắc” hòa với tiếng hát “tềnh tềnh leng leng” của “đào” của “kép” thì ai cũng mê. Mỗi lần vào hội hát là ông lại như lên đồng. Là linh hồn của phường xoan, ông thường giữ chân hát dẫn hoặc đánh trống giữ nhịp. Ngón trống của ông có thể nói là tuyệt chiêu. Ông đánh trống cái bằng cả hai tay. Trái, phải đều như nhau. Chính xác ra, phải nói là ông múa trống mới đúng. Ông nhún nhảy, lúc nghiêng phải, khi nghiêng trái, lúc ngửa người ra đằng sau, khi lại nhao người về phía trước. Hứng chí, ông tung dùi trống lên cao, đảo tay qua bắt lấy rồi vẫn vào nhịp như thường.
Nhớ lần, cao hứng quá, ngoại đã nhảy lên múa dùi, lắc lư đầu khá mạnh khiến cho chiếc khăn xếp đội đầu bất ngờ rơi ra. Cả làng hồi hộp lo lắng. Lập tức, ngoại đưa cánh tay trái ra, chĩa chiếc dùi trống vào giữa vòng tròn cái khăn, ngoắc lấy nó, múa nó quay quay, rồi hất nó lại lên đầu. Trong khi đó, chiếc dùi còn lại bên tay phải, ngoại vẫn giữ đúng nhịp cho phường hát. Khua tang cắc cắc. Gõ mặt tùng tùng. Khuôn mặt ngoại hớn hở. Đôi mắt ngoại như cười. Tiếng trống của ngoại làm cả phường xoan thăng hoa. Theo mẹ đi xem hát, nhìn ông ngoại thế, tuy còn bé nhưng Loan cũng ngây người ra thán phục.
*
Chợt chiếc điện thoại rung lên. Loan hấp tấp đưa nó ra trước mặt, nhìn vào màn hình. “Anh Hải!”. Suýt nữa thì Loan reo to. Ấn vội phím nghe, áp chiếc điện thoại bên tai, Loan vô cùng hồi hộp. “A lô! Anh đây! Về đến Nội Bài rồi nha!”, tiếng Hải hối hả vọng lên. “Thế hả? Sao từ sáng đến giờ em gọi cả chục cuộc, nhắn bao nhiêu tin mà không thấy hồi âm gì thế?”, Loan trách luôn. Hải vội giải thích rằng, chuyến bay bị delay mất mấy tiếng, không kịp báo cho Loan. Anh hỏi luôn: “Mẹ thế nào? Các anh chị nữa? Kế hoạch mình có ổn không?”. “Về thì sẽ biết. Cả nhà đang mong anh đấy. Làm người ta chờ hết cả hơi, sốt hết cả ruột”.
Hơn tiếng đồng hồ sau, chiếc taxi đã đưa Hải về đến ngõ nhà Loan. Mọi người hớn hở ra đón anh. Tuy lần đầu tiên trực tiếp gặp Hải nhưng bà Thảo cùng vợ chồng Quang - anh cả của Loan, đều ríu rít đón chào, cứ như anh là người thân đi xa lâu ngày về vậy. Đã thấy Hải qua các cuộc gọi thoại rồi nhưng trực tiếp gặp thì cậu ta phong độ quá. Người nọ người kia tíu tít hỏi thăm, khuân bao thứ đồ đạc lỉnh kỉnh vào nhà. Năm năm xuất ngoại cơ mà. Nay nó về phải nhiều thứ chứ. Chết mê chết mệt con gái bà nên nó về mới lên
đây luôn. Vậy là bà yên tâm rồi. Bà Thảo như mở cờ trong bụng.
Bữa cơm trưa cả nhà vui như Tết. Loan liên tục gắp thức ăn vào bát cho Hải. Hải ý nhị cũng tiếp thức ăn cho bà Thảo và vợ chồng anh chị cả. “Cứ tự nhiên như ở nhà cháu nhé - bà Thảo nói - Về đây là về nhà rồi”.
Hải từ tốn đáp: “Vâng ạ. Thì thế cháu mới về thẳng đây chứ”. Chuyện nọ chuyện kia nở như ngô rang. Hải - Loan đắm đuối nhìn
trộm nhau. Lấy hết can đảm, Hải dè dặt đặt vấn đề về chuyện của anh và Loan. Anh xin phép bà Thảo, xin phép anh chị cả, ngày mai cho anh được đón Loan về quê ra mắt bố mẹ anh rồi đưa bố mẹ anh lên thưa chuyện trăm năm của mình. Bà Thảo gật gù: “Việc này căn bản ở hai con. Nhà tôi, ông ấy mất rồi, nếu hai con đã tìm hiểu kỹ càng, thật sự thương yêu nhau thì tôi đồng ý. Chẳng rõ ý anh chị cả thế nào?”. Bà quay sang hỏi Quang. Quang nhìn vợ, đáp: “Cơ bản là cô Loan thôi. Vợ chồng con thì OK mẹ ạ”.
Vừa lúc đó thì có tiếng một bà nào đó gọi bà Thảo từ ngoài cổng. “Cô Dung gọi mẹ ra đình tập văn nghệ đấy - bà Thảo vội hạ giọng thì thầm - Phường xoan làng mình đang chuẩn bị chương trình phục vụ lễ hội Đền Hùng mà. Thôi, chuyện của các con cứ vậy nhé. Mẹ phải đi với họ đây''. Quay ra cổng, bà nói to: "Chờ tôi tí, tôi ra ngay đây!”.
Vừa nói bà Thảo vừa đứng dậy quấy quả bước ra ngõ. Nhìn theo bà,
anh Quang phân trần với Hải: “Rõ khổ! Giữ chân đánh trống phường xoan nên mẹ tôi mới vậy đấy. Vắng bà là phường hát gay ngay”. “Mẹ giờ thay ngoại đánh trống giữ nhịp cho phường xoan hả anh?”, Loan hỏi. “Thì có ai vào đây nữa - Quang đáp - Cũng mấy ông thử trống rồi đấy nhưng đâu có được như bà. Mà bà cũng mê trống lắm cơ. Nghiện luôn nha”.
Loan ngỡ ngàng nhìn anh trai rồi quay sang nắm tay Hải: “Vậy thì chiều nay em với anh ra đình xem mẹ đánh trống và nghe hát xoan anh nhé”.
“Phải đấy. Hai đứa ra đó mà xem. Làng mình vào hội tháng 3 vui lắm”, chị dâu lên tiếng.
Sau buổi chiều xem phường xoan tập luyện, đặc biệt được chứng kiến cảnh bà Thảo đánh trống giữ nhịp cho phường múa hát, đêm ấy, trên quê hương người yêu, giữa miền trung du đất Tổ, Hải trằn trọc mãi không ngủ được. Dư âm tiếng trống, giọng hát, điệu múa, ánh mắt, nụ cười của người dân nơi đây, trong không khí chuẩn bị lễ hội Đền Hùng cứ hiện lên rạo rực.
Ngày mai, anh sẽ đưa Loan về quê anh để ra mắt bố mẹ. Anh sẽ bảo bố mẹ tổ chức một buổi liên hoan mời một số người của làng đến nhà anh giao lưu hát chèo mừng đón anh về sau 5 năm xa quê, cũng ngầm ý là mừng cho anh có bạn gái, đón chào Loan, người con gái vùng xoan đất Tổ. Chí ít cũng để cho Loan thưởng thức hát chèo gốc một chút chứ.
A, phải rồi! Lễ cưới của mình dứt khoát phải có hát chèo, có hát xoan… Nghĩ đến đó, bất giác Hải nở nụ cười một mình trong đêm. Và hình như tiếng trống hội xoan đâu đó lại vọng về. Rạo rực lắm, rộn ràng lắm…
Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU