Trồng lúa theo hướng hữu cơ theo tư duy mới, đời sống bà con Giồng Riềng từng bước nâng cao

Trồng lúa theo hướng hữu cơ theo tư duy mới, đời sống bà con Giồng Riềng từng bước nâng cao
3 giờ trướcBài gốc
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Đường Gỗ Lộ, dù vất vả quanh năm nhưng lợi nhuận thu được từ cây lúa cứ bấp bênh và không được ổn định bởi người dân vẫn còn giữ thói quen tư duy canh tác cũ, nhỏ lẻ, manh mún nên chẳng thể “khá” lên được ngay trên chính mảnh ruộng của mình.
Phát triển lúa chất lượng cao gắn với kinh tế tập thể
Nhiều đêm trăn trở, ông Phương nhận ra rằng muốn thoát khỏi “đói nghèo”, muốn kinh tế gia đình phát triển ổn định thì giải pháp tối ưu đó là làm kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX. Bởi các thành viên tham gia HTX sẽ phát huy tối đa trí tuệ, năng lực và tinh thần đoàn kết “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” của các thành viên.
“Mọi người cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi sẽ tạo nên một vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn với chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh tạo thành một vòng khép kín, thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất chế biến sản phẩm. Từ đó nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường, giúp khắc phục những khó khăn, hạn chế, thiếu sót mà mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ gặp phải”, ông Phương nói.
Sự trưởng thành, phát triển của HTX Đường Gỗ Lộ đã chứng minh tính hiệu quả của kinh tế tập thể.
Sau một thời gian kiên trì thuyết phục, động viên người dân trên địa bàn tham gia, năm 2015, HTX Đường Gỗ Lộ ra đời. Ban đầu HTX có 54 thành viên với diện tích canh tác lúa 78 ha. Cuối năm 2020, theo chủ trương chung nên 4 HTX liền canh trên địa bàn xã Long Thạnh đã sáp nhập vào HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ. 213 thành viên sản xuất trên diện tích hơn 220 ha bằng các giống lúa chất lượng cao và phương pháp trồng lúa sạch.
Năm 2017-2018, HTX đã thử nghiệm giống lúa Nhật (DS1) với diện tích 20 ha đạt kết quả cao, giống thích nghi với điều kiện đất đai, ít sâu bệnh, chi phí thấp, lợi nhuận tăng 1,5 lần so với trồng một số giống lúa khác. Từ đó HTX xác định đây là giống lúa phù hợp, có tiềm năng và mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất. Với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, diện tích sản xuất giống DS1 của HTX ngày càng tăng lên.
Nhờ hoạt động có hiệu quả, HTX có lãi liên tục 7 năm liền, trích lập được các quỹ, chia lãi, tăng thu nhập cho các thành viên so với các năm trước từ 28 triệu đồng lên 65 triệu đồng/năm.
Ông Lê Thành Tổng, thành viên HTX cho biết: “Có gì khó khăn thì lãnh đạo HTX cũng như các thành viên khác cùng giúp đỡ nên bây giờ đời sống ai cũng khấm khá”.
Hiệu quả từ mô hình HTX
Sự trưởng thành, phát triển của HTX Đường Gỗ Lộ đã chứng minh tính hiệu quả của kinh tế tập thể đối với người dân và trở thành nơi đáng tin cậy để người dân gửi gắm niềm tin, tham gia để phát triển kinh tế gia đình, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất nông sản, ổn định đầu ra sản phẩm, làm giàu chính đáng. Chỉ riêng quy trình canh tác lúa thông minh, bơm tát nước, xuống giống, thu hoạch tập trung của HTX đã giúp người dân giảm từ 20kg lúa giống/công xuống còn 10kg, vừa tiết kiệm giống, phân bón, công sức mà sâu bệnh lại ít, kéo theo chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm. Tính cả quy trình sản xuất lúa của HTX, bà con có thể tiết giảm chi phí từ 3 - 4 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Hồng Phương, hiện nay cơ cấu giống chủ yếu của HTX có 3 loại giống chất lượng cao: DS1, Đài Thơm 8, Jasmine 85, trong đó, DS1 đưa vào sản xuất trọng tâm bởi ít sâu bệnh hại, năng suất cao và thị trường tiêu thụ ổn định, lợi nhuận lại gấp 1,5 lần so với các giống lúa khác đã nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX, đưa diện tích sản xuất giống DS1 của HTX đạt gần 200 ha.
Năm 2022, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty Lộc Trời cho các HTX và tổ hợp tác trong huyện Giồng Riềng 1.430 ha lúa; 26 thành viên HTX đăng ký sản xuất lúa sạch với diện tích 50,01 ha và đã được cấp giấy chứng nhận VietGap. Với chi phí chi phí sản xuất trung bình 17 triệu đồng/ha, năng suất bình quân 10-12 tấn/ha, lợi nhuận trung bình 71 triệu đồng/ha. Người nông dân không phải rơi vào điệp khúc được mùa, mất giá như các năm đã qua, thành viên HTX và người dân lân cận rất phấn khởi vì vụ mùa bội thu, được mùa, được giá.
Từ năm 2023 đến nay, HTX hợp tác với doanh nghiệp Tuyết Trinh, huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) bao tiêu sản phẩm diện tích 160 ha lúa Đài Thơm 8 và OM 18; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty Tập đoàn Lộc Trời 1.430 ha lúa; hợp đồng với doanh nghiệp Huy Quang Tân Hiệp (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) bao tiêu 85 ha lúa DS1.
“Với cách làm trên giúp cho HTX phát triển ổn định, đầu ra cho hạt lúa không còn bấp bênh như những năm trước đây”, ông Phương cho hay.
Giá trị về nhiều mặt
Đại diện UBND xã Long Thạnh nhận định, HĐQT của HTX Đường Gỗ Lộ đã làm việc rất năng nổ, đoàn kết, linh động, đặc biệt là sự chỉ đạo điều hành đúng hướng của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Nguyễn Hồng Phương. HTX đã khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển và hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng với cơ chế thị trường, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
“Số hộ khá, giàu trong HTX ngày càng tăng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, tiến bộ. Đây là điểm sáng trong mô hình kinh tế tập thể để ngành nông nghiệp địa phương nhân rộng trong thời gian tới và gắn với công cuộc giảm nghèo”, vị này nhấn mạnh.
Được biết, các chỉ tiêu giảm nghèo đều được huyện thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đến cuối năm 2024, hộ nghèo của huyện giảm còn 454 hộ, giảm 216 hộ nghèo so đầu năm 2024; hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chiếm 2,39%. Phấn đấu đến năm 2030, huyện cơ bản không còn hộ nghèo, trừ những hộ không có khả năng lao động.
Nhờ áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, diện tích sản xuất giống DS1 của HTX Đường Gỗ Lộ ngày càng tăng lên.
Lãnh đạo huyện cho biết lúa hữu cơ là mô hình tương đối mới với nhiều hộ nông dân. Với sự hỗ trợ từ các cấp, ngành và sự nỗ lực vào cuộc của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, nông dân dần có xu hướng chuyển đổi và khẳng định đây là hướng đi đúng đắn mang lại giá trị về nhiều mặt.
Ông Trần Minh Đức, thành viên HTX nông nghiệp nông dân Hòa Lợi, xã Hòa Thuận cho biết đã đăng ký tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 1ha. Ông Đức sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, bắt đầu từ vụ lúa hè thu năm 2023. “Sau khi áp dụng theo hướng hữu cơ, cây lúa chắc, khỏe, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn, đạt từ 150-200kg/công lúa”, ông Đức nói.
Sau khi trồng thử nghiệm có hiệu quả vụ lúa hè thu năm 2023, ông Đức quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất 3ha sang trồng lúa hữu cơ. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng lúa theo phương pháp hữu cơ nên ruộng lúa của gia đình ông phát triển tốt, ít sâu bệnh, giúp tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng lợi nhuận.
“Nếu trồng lúa theo kiểu truyền thống vụ đông xuân thu hoạch khoảng 1-1,1 tấn/công, nhưng sản xuất lúa hữu cơ vụ đông xuân vừa qua, tôi thu hoạch cao hơn 80kg/công; lợi nhuận từ 7-8 triệu đồng/công”, ông Đức phấn khởi.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang cho biết thời gian tới sẽ triển khai có hiệu quả mô hình HTX trồng lúa hữu cơ, đồng thời tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tham mưu, đề xuất các quy định hỗ trợ về mặt kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho các HTX, đặc biệt là các HTX quy mô vừa và nhỏ chưa/không đủ năng lực; chú trọng phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực về quản lý Nhà nước và quản trị sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Linh Đan
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/trong-lua-theo-huong-huu-co-theo-tu-duy-moi-doi-song-ba-con-giong-rieng-tung-buoc-nang-cao-1106866.html