Trồng nấm sò cho lợi nhuận cao

Trồng nấm sò cho lợi nhuận cao
13 giờ trướcBài gốc
Chị Lê Thị Thụy, thôn Đơn Quế, xã Hải Quế chăm sóc nấm sò - Ảnh: M.T
Dẫn chúng tôi tham quan trại nấm, chị Lê Thị Thụy vui vẻ chia sẻ câu chuyện 10 năm gắn bó với nghề: “Trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, tôi bị bệnh nên không làm được công việc nặng nhọc. Loay hoay nhiều cách mà chưa thể thoát nghèo. Cuối cùng chọn cây nấm sò tuyết, sò tím để trồng vì đầu tư ít vốn, lại nhanh cho thu nhập ổn định, phù hợp với điều kiện gia đình. Tuy nhiên, thời gian đầu mới bắt tay trồng nấm sò do chưa có kinh nghiệm nên nhiều lần thất bại. Không nản chí, gia đình rút kinh nghiệm và tìm hiểu thêm các kênh thông tin về kỹ thuật ủ, bảo quản phôi nấm nên mới thành công”.
Hiện tại, trại nấm của gia đình chị có tổng cộng hơn 4.000 bịch đang độ thu hoạch. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Đầu tư để trồng nấm không mấy tốn kém. Giá 1 kg nấm giống khoảng 15.000 đồng. Trong khi đó, nguyên liệu để sản xuất nấm sò rất phong phú, lại hoàn toàn có thể tận dụng trong tự nhiên như mùn cưa, rơm rạ. Thông thường, 1 tạ mùn cưa có thể làm được hàng trăm bịch nấm. Trung bình mỗi bịch cho 6 lạng nấm ăn. Trong khi đó, giá 1 kg nấm sò trên thị trường hiện là 30.000 đồng. Thế nên, nếu được đầu tư thì thu nhập của nghề trồng nấm sò là khá cao.
Tuy nhiên, trồng nấm sò, việc đầu tiên là nguyên liệu phải được đảm bảo. Gia đình chị Thụy chọn mùn cưa để làm nguyên liệu chủ yếu. Mùn cưa trước khi sử dụng phải được phơi khô, sàng sảy. Đây là việc phải làm ngay vì nếu để lâu các loại nấm mốc sẽ ăn mất phần có lợi trong mùn cưa. Khâu tiếp theo là xử lý các loại bào tử, vi sinh vật bằng hơi nước nóng hoặc nước vôi. Mùn cưa sau khi xử lý sẽ được vớt ra, phối trộn với một số loại bột rồi được ủ kín. Hỗn hợp mùn cưa sau đó được lèn chặt vào các túi ni long. Đồng thời với việc làm này là rắc giống nấm sò vào túi, thông thường cấy độ 3 - 4 lớp/túi. Sau khi cấy, túi ni long được cột chặt miệng, treo thành chùm trên giàn. Khoảng 1 - 2 ngày sợi nấm sẽ mọc lan ra trong mỗi bịch. Thời điểm bịch nấm trắng toát như bông báo hiệu đã đến lúc cần dùng dao rạch độ 3 - 4 đường ở xung quanh bịch, mỗi vết có độ dài từ 3 - 4 cm, nấm sẽ mọc ra ở đây trong vài ngày sau.
Trồng và chăm sóc nấm vốn không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nhưng lại phải tuân thủ đúng quy trình, cần được theo dõi thường xuyên, đảm bảo vệ sinh... Trước tiên, trại nấm phải được thiết kế chắc chắn, thoáng mát, tránh luồng gió trực tiếp. Các bịch nấm treo có hàng lối, giữ một khoảng cách thích hợp để dễ tưới tắm và kịp thời phát hiện sâu bệnh. Ở các vùng có nhiệt độ cao, độ ẩm thấp thì việc tưới nước cho nấm phải đảm bảo ít nhất là 4 - 6 lần/ngày. Có thể hạn chế lượng nước tưới vào mùa mưa. Đặc biệt, mọi công đoạn trồng và chăm sóc nấm sò cần đảm bảo vệ sinh tuyệt đối.
Kinh nghiệm cho thấy càng tưới nước sạch thì nấm càng phát triển tốt. Đặc biệt, trong quá trình trồng và chăm sóc, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể gây hại rất lớn cho nấm, nên bà con đều không dùng các loại hóa chất. Đó là lý do để có thể khẳng định nấm sò là thực phẩm sạch. Thế nên, càng ngày thực phẩm này càng được ưa chuộng trên thị trường. Chị Thụy cho biết: “Trước đây, gia đình tôi phải đưa nấm sò ra chợ bán hằng ngày, nhưng giờ thì có nhiều tiểu thương đến tận nhà để mua. Nhiều người đặt mua nấm với số lượng lớn và tìm hiểu cách trồng, chăm sóc”.
Chủ tịch UBND xã Hải Quế Hoàng Tấn Thông cho biết: “Mô hình trồng nấm của gia đình chị Lê Thị Thụy là một trong những mô hình hiệu quả trên địa bàn xã. Các mô hình này đã tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã 4,73%, đến năm 2024 giảm còn 3,78%”.
Minh Trí
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/trong-nam-so-cho-loi-nhuan-cao-190626.htm