Mỗi lần tham gia chữa cháy là mỗi lần lực lượng gác rừng đứng giữa lằn ranh sinh tử. Ảnh: H.N.
Hiểm nguy luôn rình rập
Sáng tháng 5, ánh nắng chói chang xuyên qua kẽ lá, những luồng gió Lào ồ ạt trút hơi nóng cháy bỏng xuống miền biên giới Việt - Lào. Lưng đeo ba lô nặng trĩu với những đồ vật lỉnh kỉnh, chân đeo giày ba ta, cán bộ, nhân viên “gác rừng” của ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ngàn Phố thoăn thoắt lên xe máy, ngược ngàn tuần tra trên khu vực biên giới.
Trước khi lên đường, anh Đào Nam Giang (SN 1981), Phó BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố ân cần căn dặn những nhiệm vụ trọng yếu cho chuyến tuần tra lần này: “Anh em đi tuần rừng chuyến này cần xác định những vùng, điểm rừng xung yếu dễ xảy ra cháy rừng, kiểm tra các công trình phòng cháy chữa cháy rừng, kiểm soát những khu vực dễ bị xâm hại để có kế hoạch cụ thể bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng. Phải cẩn trọng trong từng bước chân, đừng để xảy ra tai nạn như vụ cành cây khô rơi trúng người như vụ việc cách đây hơn 7 năm về trước”.
Lần về ký ức, anh Đào Nam Giang kể với chúng tôi vụ việc khiến anh nặng lòng bấy lâu. Vụ tai nạn nghiêm trọng của đồng nghiệp vào ngày 3/4/2018 luôn ám ảnh trong tâm trí anh Giang. Là người trực tiếp gánh đồng nghiệp băng rừng, lội suối trong đêm đi cấp cứu, dù thời gian trôi qua đã lâu nhưng vụ việc vẫn là “dấu lặng” trong lòng anh Giang.
Anh Giang kể: Hôm đó, đoàn tuần tra liên ngành gồm BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đi kiểm tra rừng dọc tuyến biên giới Việt - Lào, tại xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn. Đoàn đi từ sáng sớm, đến khoảng 15h ngày 3/4/2018, khi đến khu vực Tiểu khu 78, các thành viên đoàn ngồi nghỉ chân thì bất ngờ có luồng gió mạnh cuộn xuống khiến một cây gỗ khô trên cây lao xuống. Lúc này, mọi người hoảng hốt hô hoán nhau bỏ chạy, tuy nhiên, anh Hồ Phúc Tự (SN 1971), nhân viên BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố bị cành cây gỗ đập trúng đầu, đè lên người, bất tỉnh.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, các thành viên đoàn nhanh chóng dùng cáng võng, thay nhau gánh anh Tự ra khỏi khu vực rừng để đi cấp cứu. Do địa hình hiểm trở, nhiều dốc đá, khe suối, cây cối um tùm, không có sóng điện thoại… nên phải đến 2h sáng hôm sau, đoàn mới đưa được anh Tự ra đến bìa rừng, tiếp cận lực lượng cứu hộ. Vụ việc khiến anh Tự bị chấn thương sọ não, tụ máu, máu chảy trong màng cứng và đa chấn thương.
“Anh Tự đã phẫu thuật ghép hộp sọ, phải điều trị nhiều tháng liền nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề, suy giảm đến 56%. Anh Tự là lao động chính trong gia đình, nuôi 5 đứa con ăn học, sau vụ tai nạn, gia đình anh phải sống hết sức chật vật. Nghề này hiểm nguy luôn rình rập nên tôi phải dặn dò anh em hết sức cẩn trọng, nhất là vào mùa nắng nóng này” - Phó BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố nói với chúng tôi.
Ở chốn “rừng thiêng nước độc”, những người “gác rừng” gặp không ít tai nạn bất ngờ như anh Hồ Phúc Tự. Mỗi lần đối mặt với “giặc lửa”, các anh phải đứng giữa lằn ranh sinh tử, thiếu nước uống, thiếu ô xi, bị bỏng, ngất lịm giữa rừng… Hay những chuyến tuần rừng ở vùng biên giới, các anh bị thú rừng tấn công, ong vò vẽ đốt phải nhập viện cấp cứu mới giữ được tính mạng.
“Bây giờ ý thức người dân thay đổi, rừng tự nhiên đóng cửa nên ít khi có lâm tặc. Trước đây, nghề này còn phải đối mặt với tội phạm nguy hiểm, bị chúng cầm dao chống trả. Nghề vất vả, nguy hiểm nhưng lương thấp, chế độ đãi ngộ không có nên nhiều người nghỉ việc” - anh Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố bày tỏ.
Phút nghỉ ngơi lấy sức sau khi chữa cháy của lực lượng BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố.
Đứng giữa lằn ranh sinh - tử
BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố được giao khoán, bảo vệ hơn 25.000 ha đất rừng. Trong đó, rừng tự nhiên gần 19.000 ha, ban có 7 trạm bảo vệ rừng gồm: Thủy Mai, Lễ Tiến, Lâm Giang, Rào Àn, Đường 8, Nước lạnh, Quyết Thắng. BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố có 49 nhân sự nhưng chỉ có 35 người trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, tương đương mỗi người phải quản lý bảo vệ gần 715 ha rừng. Việc quản lý, bảo vệ rừng nhiều gian truân nhưng vất vả nhất có lẽ là tham gia chữa cháy, bởi mỗi một vụ cháy, người “gác rừng” lại một lần đứng giữa lằn ranh sinh - tử.
Hơn 20 năm làm nghề “gác rừng”, anh Đào Nam Giang không thể nhớ nổi mình đã trực tiếp tham gia bao nhiêu vụ chữa cháy rừng. Nhưng, vụ cháy rừng khủng khiếp vào tháng 6/2019 khiến anh Giang không thể nào quên. Rừng ở Hương Sơn có nhiều khu vực xung yếu, dễ xảy ra cháy rừng. Thời điểm đó, khu vực này trải qua 41 ngày không một hạt mưa, nhiệt độ dao động từ 38 - 40 độ C, huyện miền núi này như một “chảo lửa”.
Vụ cháy phải huy động hàng nghìn người gồm lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, quân đội, công an, dân quân tự vệ, người dân… tham gia chữa cháy, vụ cháy kéo dài nhiều ngày với nhiều điểm phát lửa ở xã Sơn Lễ, Sơn Châu, Sơn Trung… ở huyện Hương Sơn. “Khi đó, chúng tôi mới tham gia dập tắt 2 đám lửa với người dân, sau đó tiếp tục đến Sơn Lễ để chữa cháy. Đám cháy bắt đầu từ mạn sườn phía Tây nhưng gió thổi mạnh bốc theo 1 đốm lửa bay vọt qua đường băng, bắt lửa sang sườn phía Đông. Cháy vào ban đêm (29/6/2019) nên việc tiếp cận, ứng phó gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, nước uống của lực lượng chữa cháy cạn kiệt, trong đêm, anh em thay nhau cầm đèn pin đi tìm khe suối, vũng nước tù đọng trong rừng để uống. Tôi cầm chai nước múc lên thấy hàng loạt con vật nhảy tung tăng trong chai nhưng vẫn phải uống vì lúc đó nếu không uống sẽ chết khát…” - anh Giang kể.
Cũng trong lần chữa cháy đó, anh Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố “mất liên lạc” suốt đêm, mọi người phải thay nhau đi tìm. Nhóm của anh Tuấn có 5 người mang theo 1 máy thổi, khi dập xong điểm cháy, trời trở gió, nhóm tách nhau ra mỗi người 1 hướng để kiểm tra lại các điểm cháy vừa dập để xem còn chỗ nào còn nguy cơ phát lửa thì dập tiếp. “Trải qua 3 ngày chữa cháy liên tục, thiếu nước, thiếu ô xi, người tôi mệt lả, trong lúc ngồi nghỉ chân bên gốc cây, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Ở đó không có sóng điện thoại, đến sáng hôm sau tỉnh dậy tôi xuống núi mới biết mọi người thay nhau đi tìm cả đêm” - anh Tuấn nhớ lại.
Nói đến việc thất lạc, anh Nguyễn Thế Anh - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Thủy Mai (xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn) cũng vì đi chữa cháy liên tục 3 ngày, người nhà không thể liên lạc được nên “tá hỏa” đi tìm. “Tham gia chữa cháy có thể ảnh hưởng đến tính mạng bởi thời gian tiếp xúc với nhiệt độ cao nhiều dễ bị mất nước, thiếu ô xi, kiệt sức, ngạt khói, còn việc bị bỏng rộp thì xảy ra thường xuyên. Ông Nguyễn Hải Ninh ở Trạm bảo vệ rừng Lễ Tiến từng bị chuột rút ngay ở đám cháy, may mắn được cứu kịp thời” - anh Nguyễn Thế Anh nói.
Mùa hè đến, những người lính “gác rừng” phải túc trực 100% ở những điểm nóng, nơi thâm sơn cùng cốc. Không những vậy, ngày lễ, Tết hay thời tiết giá rét, lực lượng quản lý bảo vệ rừng cũng phải trèo đèo, lội suối, tuần tra, canh gác, bảo vệ từng tấc đất, từng cây gỗ. “Dù làm việc với cường độ cao, địa hình hiểm trở, thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy nhưng gắn bó với rừng, với thiên nhiên, chúng tôi yêu rừng lúc nào không hay. Chắc hẳn tình yêu đó chính là động lực thúc đẩy chúng tôi bước tiếp trên chặng đường này” - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Thủy Mai chia sẻ.
Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố Nguyễn Hữu An cho biết: Công tác ở vùng “rừng thiêng nước độc” nhưng cơ chế chính sách hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng tại gốc chưa tương xứng. Đời sống cán bộ, công nhân viên còn nhiều khó khăn, một số người phải nghỉ việc, chuyển công tác. Nhiều năm qua, dù tuyển dụng nhiều đợt nhưng không mấy ai mặn mà với nghề “gác rừng”.
HẠNH NGUYÊN