Bức ảnh do Thông tấn xã Việt Nam chụp năm 1966. Bên phải bức ảnh trích lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cả tiếng Lào và tiếng Việt: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long”. Nhìn bức ảnh ấy, ai cũng có thể cảm nhận được giá trị to lớn của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Chuyến thăm cấp nhà nước tới Lào của Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị vĩ đại mà hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc đã dày công vun đắp.
Vẹn nguyên ký ức thuở nào
Khi đồng hồ chầm chậm điểm 18 giờ 30 phút ngày 24-4, một nghi lễ rất đặc biệt được nước bạn Lào dành cho Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ngay sau khi kết thúc hội đàm, đó là lễ buộc chỉ cổ tay cầu phúc. Chủ tịch nước Lương Cường được mời ngồi vào ghế danh dự trước tháp lễ, bên cạnh là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Tiếp đến, thầy chủ lễ cùng lãnh đạo cấp cao Lào buộc chỉ cổ tay cho Chủ tịch nước Lương Cường và thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Nghi lễ buộc chỉ cổ tay có rất nhiều ý nghĩa, sâu xa nhất là cầu phúc, cầu những điều may mắn. Điều thiêng liêng đó là khi tiến hành nghi lễ này, cả người thực hiện cũng như người được buộc chỉ phải nghiêm trang, nói những lời tự đáy lòng. Những lời nói ra là vui vẻ, tốt đẹp. Với văn hóa Lào, nghi lễ buộc chỉ cổ tay thường được dành cho người thân.
Và không ngoại lệ, sự chân thành, ấm áp tại nghi lễ khiến người chứng kiến không có cảm giác xa lạ, không còn chỉ là nghi lễ trang trọng nhất dành cho một nguyên thủ mà đó là sự tri kỷ dành cho những người bạn đặc biệt-Việt Nam. Cũng vì tình cảm đặc biệt giữa hai dân tộc nên dù lịch trình làm việc dày đặc nhưng Chủ tịch nước Lương Cường vẫn dành thời gian quý báu để đến thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Lào như nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Choummaly Sayasone và nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith.
Chủ tịch nước Lương Cường tại sân bay quốc tế Wattay, Thủ đô Vientiane, Lào. Ảnh: TTXVN
Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, báo chí Lào đã đồng loạt đăng tải nhiều tin, bài ca ngợi mối quan hệ thủy chung, son sắt, đồng thời nhấn mạnh đến những tiềm năng to lớn về hợp tác ở mọi lĩnh vực giữa hai nước.
Báo Pasaxon, tờ nhật báo lớn (tiếng nói của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) có nhiều bài viết ca ngợi kết quả hợp tác Việt Nam-Lào, trong đó nhấn mạnh sự giúp đỡ của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Lào. Hơn 100 ấn phẩm báo chí Lào cũng dành nhiều bài viết nói về mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước luôn hết mình ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau từ trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đặc biệt, báo chí Lào đã dành dung lượng khá lớn để viết về 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam, trong đó có sự kề vai sát cánh của nhân dân và quân đội Lào anh em.
Trong các cuộc gặp gỡ của Chủ tịch nước Lương Cường, các đồng chí lãnh đạo cấp cao Lào đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào là hình mẫu hiếm có trong quan hệ quốc tế. Bởi thế, cả hai dân tộc đều coi mối quan hệ ấy là tài sản chung vô giá. Như Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh đã nói: “Mối quan hệ ấy được nuôi dưỡng bằng xương máu và mồ hôi của biết bao chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, chiến sĩ Pathet Lào, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp”. Việt-Lào lưng tựa vào nhau, núi sông liền một dải, uống chung dòng nước sông Mê Công kỳ vĩ. Hai đất nước có lịch sử, văn hóa gắn bó chặt chẽ với nhau từ lâu đời. Nhân dân hai nước đã cùng kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi đấu tranh chống kẻ thù chung giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Chủ tịch Souphanouvong từng đánh giá rằng: "Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca, bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất".
Viết tiếp những trang sử hợp tác mới
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Lương Cường thăm Lào trên cương vị mới. Bởi thế, đất nước triệu voi anh em dành cho Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp đặc biệt trọng thị, chu đáo, chân tình, nồng ấm. Cả hai bên đã chuẩn bị rất chu đáo cho lịch trình nghị sự với nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước.
Những thỏa thuận được ký, chẳng hạn như việc ký kết trao Ý định thư giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Lào về việc Bộ Quốc phòng Việt Nam hỗ trợ xây dựng trụ sở Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân đội nhân dân Lào; Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào hay Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Gia Lai, Việt Nam và chính quyền tỉnh Attapeu (Lào) giai đoạn 2025-2030... đều rất thiết thực.
Trước đó, nhiều dự án lớn đã được triển khai, trong đó dự án Nhà Quốc hội Lào, cảng Vũng Áng... là minh chứng sinh động cho sự hợp tác hiệu quả, đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới. Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước Lương Cường công bố Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quyết định tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em công trình xây dựng bệnh viện tuyến huyện tại tỉnh Vientiane trị giá 3 triệu USD, góp phần ghi dấu ấn chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đó là minh chứng cho thấy chuyến thăm cấp nhà nước tới Lào của Chủ tịch nước Lương Cường đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực và lợi ích cho hai nền kinh tế, cho người dân hai nước.
Trong rất nhiều thành quả đáng ghi nhận ở mọi lĩnh vực với quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ song phương; hợp tác quốc phòng, an ninh, một trong những trụ cột quan trọng, tiếp tục được tăng cường cả về chất và lượng thì nổi bật lên là sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế, nhất là sự gia tăng đáng kể về kim ngạch thương mại và đầu tư song phương. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào vượt mốc lịch sử hơn 2 tỷ USD. Hai bên đang hướng tới nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD trong năm 2025. Hợp tác Việt Nam-Lào cho thấy, mối quan hệ đặc biệt này không chỉ là biểu tượng mà còn là một thực tế sinh động, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Chỉ hơn một tuần trước đây, nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư, Chủ tịch nước Lương Cường đã tiếp Thủ tướng Chính phủ Lào tại Phủ Chủ tịch. Buổi tiếp kéo dài gần gấp đôi thời gian lịch trình. Và lần này, sự ngoại lệ ấy đã lặp lại. Hầu hết trong các cuộc hội đàm, hội kiến với cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào hay Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Lào đều vượt thời gian dự kiến. Những cuộc hội đàm, hội kiến như vậy, dù mang tính thời sự cụ thể trong một chuyến thăm hay nằm trong tổng thể chính sách quốc gia, đều mở ra những cơ hội cho cả hai phía.
Đặc biệt, trong các buổi đó, cùng với việc bàn đến những vấn đề đại sự, các nhà lãnh đạo hai nước luôn dành nhiều thời gian gợi nhớ những ký ức tốt đẹp giữa hai dân tộc, ôn lại sự ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam, Lào và người dân hai nước. Đó là những tháng ngày mà hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc chung lưng đấu cật để chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc mình, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Và dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong tháng 4 này, nước bạn Lào anh em không chỉ cử đoàn đại biểu cấp cao sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm, cử đại diện Quân đội nhân dân Lào tham gia diễu binh mà còn coi sự kiện của Việt Nam chính là sự kiện của mình.
Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình hữu nghị Việt-Lào sẽ mãi vững bền hơn núi, hơn sông”. Di sản vĩ đại ấy đã và đang được hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc làm hết sức mình để kế thừa, gìn giữ, phát huy và truyền lại cho các thế hệ mai sau.
NGUYỄN ANH TUẤN (từ Vientiane, Lào)
(Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân)