Phút 83, Hà Nội FC thực hiện quyền thay người cuối cùng, khi đưa Kyle Colonna vào thay Thành Chung. Tuy nhiên, quyết định này bị trọng tài thứ tư Nguyễn Kim Việt Bảo chặn lại với lập luận theo kiểu mỗi đội chỉ được sử dụng một cầu thủ Việt kiều chưa có quốc tịch trên sân. Khi ấy, Pierre Lamothe - tiền vệ gốc Canada đang thi đấu, nên Colonna bị từ chối vào sân.
Không có điều khoản nào trong điều lệ giải do VPF ban hành quy định như vậy. Thực tế, đầu mùa giải, CLB Hà Tĩnh từng tung Viktor Lê và Adou Leygley ra sân cùng lúc, khi cả hai chưa có quốc tịch Việt Nam. Không ai can thiệp, không có tranh cãi, và tất nhiên cũng không có… sai luật.
Một sự cố hy hữu đã xảy ra ở vòng 21 V.League 2024/2025, và phản ánh một vấn đề quen thuộc là trọng tài không nắm luật. Ảnh: CLB Hà Nội
HLV Makoto Teguramori nói trong buổi họp báo sau trận: “Tôi thắc mắc và không hiểu tại sao trọng tài thứ tư lại nói chúng tôi chỉ được dùng một Việt kiều cùng lúc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch chiến thuật trong trận. Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn, cần được xem xét nghiêm túc trong công tác quản lý trọng tài”.
Trọng tài Nguyễn Kim Việt Bảo đã nhầm. Theo tìm hiểu của Saostar, giám sát trận đấu đã gọi điện xin lỗi phía CLB Hà Nội. Nhưng sai lầm của ông Bảo không phải cá biệt. Nó chỉ là một biểu hiện mới cho một căn bệnh cũ đã tồn tại quá lâu ở bóng đá Việt Nam: trọng tài tự chế luật ngay trên sân.
Năm 2016, trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng từng gây chấn động khi từ chối một bàn thắng hợp lệ của Khánh Hòa với lý do “cầu thủ không fair-play”. Lập luận này không tồn tại trong bất kỳ văn bản luật nào của FIFA hay AFC. Sai lầm đó khiến Khánh Hòa mất điểm oan, và sự nghiệp cầm còi đỉnh cao của ông Dũng cũng chấm dứt từ đó.
Năm 2017, trọng tài bàn Nguyễn Hiền Triết giơ bảng bù giờ… hai lần trong một hiệp đấu ở trận Long An và Bình Dương. Một hành động khiến Long An đánh rơi chiến thắng ở phút 90+6. Sự cố ấy làm sân Tân An náo loạn, nhưng chỉ một năm sau, ông Triết vẫn là… trọng tài FIFA, với quan điểm không sai luật.
Đến mùa 2018, Nguyễn Trọng Thư tạo ra một tình huống điển hình về việc không phân biệt giữa đá phạt và thả bóng. Sau khi phạt Dyachenko vì lỗi phản ứng, ông Thư thay vì cho Hà Nội hưởng đá phạt gián tiếp, lại cho trận đấu tiếp tục bằng một quả thả bóng chạm đất. Bị treo còi 2 trận, ông Thư trở lại và lặp lại lỗi y hệt ở trận Quảng Ninh - Nam Định.
Sai lầm của trọng tài Việt Nam không chỉ nằm ở lỗi nhận định hay yếu chuyên môn. Điều đáng báo động là một bộ phận trọng tài… không nắm chắc luật, điều tối kỵ với người được quyền cầm cân nảy mực trên sân. Họ không chỉ điều khiển trận đấu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, thậm chí làm thay đổi cục diện giải đấu.
Nhiều người đã nói về cải tổ công tác trọng tài. Nhưng khi ngay cả những người đứng đầu công tác đào tạo còn dính án kỷ luật như ông Võ Quang Vinh bị xử lý vì sai phạm trong sát hạch, ai có thể đảm bảo các trọng tài được đào tạo đủ năng lực và hiểu đúng luật?
Sự cố của Kyle Colonna không đơn thuần là một sự nhầm lẫn cá nhân. Nó là lời cảnh báo rõ ràng rằng, nếu không làm lại từ gốc, bóng đá Việt Nam sẽ còn nhiều lần bị ảnh hưởng bởi những “quyết định từ trí nhớ” của trọng tài. Và khi trọng tài quên luật, cả giải đấu sẽ luôn đứng trước nguy cơ bị điều khiển sai hướng.
Hoài Anh