Nhiều kỳ vọng lớn đặt lên vai ngành giáo dục
Hôm nay, nhiều trường học, nhiều hội sở trong cả nước tưng bừng mít tinh chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam lần thứ 42 (20/11/2024). Đây là vinh dự lớn, niềm vui lớn mà chỉ những người “chèo đò”, những kỹ sư tâm hồn, những giáo viên nhân dân mới có được.
Những năm gần đây, giáo dục nước nhà có những bước tiến mới trong giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn. Hình ảnh của học sinh Việt Nam đạt các giải cao trong các kỳ thi quốc tế đã trở nên quen thuộc trong mỗi năm học. Thậm chí, có những đội tuyển đi thi đã vào top 3 đội có thành tích cao nhất sánh ngang với nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên trên thế giới.
Có được vinh dự đó, chính là nhờ đường lối chủ trương của Đảng, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là vai trò của những người thầy, người cô luôn miệt mài dạy học, trau dồi nghề nghiệp, phát triển bản thân hàng ngày.
“Lịch sử dân tộc ta và lịch sử ngành giáo dục đã từng làm nên những kỳ tích tưởng như không thể làm được trong quá khứ, và chúng ta đã từng làm được và tin tưởng rằng, trong tương lai giáo dục sẽ viết tiếp những kỳ tích lớn hơn” - ảnh minh họa - nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thành tích là điều rất đáng trân trọng nhưng có thể thấy chưa bao giờ, ngành giáo dục nước nhà được đặt trước những trọng trách và kỳ vọng lớn như bây giờ. Tại buổi gặp mặt với đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mới đây, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã phát biểu: “Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hình thành nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức; yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao…đã thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó.
Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân lực chất lượng cao tiếp tục được Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII xác định là đột phá chiến lược và đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV.
Những vấn đề về nhân lực và đổi mới giáo dục đào tạo không mới, đã được Đảng ta xác định trong văn kiện nhiều kỳ Đại hội từ Đại hội XI của Đảng đến nay, cho thấy khó khăn, cũng đòi hỏi sự chung sức đồng lòng, quyết tâm rất lớn của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đột phá chiến lược này”.
Xác định đúng trọng tâm nhiệm vụ của ngành, tại buổi gặp mặt với đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn. Sứ mệnh được giao càng lớn, yêu cầu và kỳ vọng càng cao thì càng đòi hỏi giáo dục nước nhà đã đổi mới thì phải càng cần đổi mới nhanh hơn, chất lượng đã từng bước nâng cao thì càng cần nâng cao nhanh hơn. Đất nước muốn phát triển nhanh để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất tốt, năng lực tốt, thể chất tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt, đặc biệt là nhân lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, các ngành đem lại vị thế, ưu thế cạnh tranh cho đất nước trên trường quốc tế. Đây là đòi hỏi lớn và khó đối với ngành giáo dục. Nhưng lịch sử dân tộc ta và lịch sử ngành giáo dục đã từng làm nên những kỳ tích tưởng như không thể làm được trong quá khứ, và chúng ta đã từng làm được và tin tưởng rằng, trong tương lai giáo dục sẽ viết tiếp những kỳ tích lớn hơn”.
Vinh dự càng cao, trách nhiệm càng nặng nề
Thấu hiểu được sự vất vả của các thầy cô, đồng hành cùng với sự vượt khó vươn lên của học trò. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục. Những chính sách đó đã đi vào thực tiễn, giúp giáo dục có những bước thay đổi mạnh mẽ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Chưa bao giờ lực lượng nhà giáo được Đảng, Nhà nước quan tâm như bây giờ”, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới những chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước gần đây về giáo dục và đào tạo, về đội ngũ nhà giáo như Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị, trình dự thảo Luật Nhà giáo trước Quốc hội…; những phát biểu chỉ đạo giao nhiệm vụ và kỳ vọng lớn của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ để minh chứng cho điều đó.
Vinh dự càng cao, quan tâm càng lớn, chắc chắn trách nhiệm càng nặng nề. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng xác định: “Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm củ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá.
Để giáo dục vượt qua những thách thức đó, ngành Giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cần nỗ lực vô cùng lớn và sáng tạo không ngừng, giải pháp trúng, đúng thì mới có thể thực hiện được. Để giáo dục làm được việc đó, vô cùng trông mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội đã quan tâm lớn, thì cần quan tâm lớn hơn nữa, để quốc sách hàng đầu thực sự là hàng đầu trong các quốc sách, cần quan tâm thiết thực hơn, kịp thời hơn… Để đột phá chiến lược thực sự là đột phá, phá tan đi những rào cản cho sự phát triển giáo dục, để nền giáo dục không còn là nền giáo dục lúc nào cũng bền vững trong sự vượt khó, vượt nghèo, lúc nào cũng dạy tốt học tốt trong mọi hoàn cảnh khó khăn”.
Có thể thấy, tới đây để hiện thực hóa những chỉ đạo của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, cùng sự kỳ vọng lớn của toàn dân tộc, chắc chắn toàn ngành giáo dục sẽ phải làm việc hăng say hơn, nhiệt huyết hơn và quyết tâm mãnh liệt hơn để góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Hy vọng rồi đây, hơn 1,6 triệu giáo viên trong toàn quốc sẽ phấn đấu hết mình đúng như lời chia sẻ: “Mỗi thầy cô phải là nguồn động lực thúc đẩy cho sự phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị; là những hạt nhân tỏa ra nguồn năng lượng tích cực nhất, ảnh hưởng, tác động lớn nhất tới đồng nghiệp, tới học trò, để rồi tất cả cùng cộng hưởng nhiều đời, tạo dựng một nền giáo dục hiện đại mà vẫn rất Việt Nam. Với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, với hành lang pháp lý và những cơ chế vận hành đang được điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi tin tưởng rằng đội ngũ nhà giáo sẽ hoàn thành sứ mệnh lớn” - của Cô giáo Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Sở GD&ĐT Yên Bái tại Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2024.
Nếu tất cả đều có tinh thần như vậy, thì những kỳ vọng của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ: “Lịch sử dân tộc ta và lịch sử ngành giáo dục đã từng làm nên những kỳ tích tưởng như không thể làm được trong quá khứ, và chúng ta đã từng làm được và tin tưởng rằng, trong tương lai giáo dục sẽ viết tiếp những kỳ tích lớn hơn” sẽ sớm thành hiện thực.
Vinh dự càng cao, trách nhiệm càng nặng nề. Hy vọng các thầy cô giáo sẽ phấn đấu hết mình, tạo thêm những kỳ tích mới trong giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trinh Phúc