Trồng tre bốn mùa lấy măng, thu lãi hàng tỉ đồng mỗi năm

Trồng tre bốn mùa lấy măng, thu lãi hàng tỉ đồng mỗi năm
6 giờ trướcBài gốc
Trao đổi với PLO, ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, cho biết địa phương đã gửi hồ sơ và đang chờ cấp tỉnh công nhận sản phẩm măng tre bốn mùa của một hộ dân trên địa bàn là sản phẩm OCOP.
Thu lãi 2 tỉ đồng mỗi năm nhờ măng tre
Vừa nghe điện thoại, bà Nguyễn Thị Sang (73 tuổi, ngụ xã Đắk Som,) vừa lúi húi ghi chép địa chỉ, số lượng măng tre theo yêu cầu của khách hàng.
“Có người vừa đặt mua măng khô. Dịp này tôi khá bận vì đơn hàng nhiều” - bà Sang mở đầu câu chuyện.
Bà Sang lấy măng tươi trong rẫy. Ảnh: N.S
Theo lời bà Sang, vợ chồng bà đến xã Đắk Som lập nghiệp hồi năm 1997. Thời đó, vùng đất bà ở còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Cũng như những hộ dân khác trong vùng, vợ chồng bà Sang canh tác nông nghiệp nhưng năng suất thấp vì đất đai cằn cỗi.
Đến mùa mưa, bà Sang theo chân nhiều người dân ở xã Đắk Som vào rừng hái măng le, măng lồ ô về bán kiếm thêm thu nhập. Nhận thấy mặt hàng này có tiềm năng, thị trường tiêu thụ ổn, về sau bà Sang quyết định đầu tư, thu mua măng tươi của người dân để chế biến, bán kiếm lời.
Tuy nhiên, việc buôn bán măng của bà Sang không mấy thuận lợi vì thời gian thu hoạch măng rừng chỉ kéo dài vài tháng vào mùa mưa. Mùa khô, măng rừng khan hiếm, không có nguồn cung.
Măng tre bốn mùa được thu hoạch trong rẫy của bà Sang. Ảnh: N.S
Dù vậy, thời gian tập tành kinh doanh măng rừng đã thôi thúc bà Sang về việc gây dựng một vườn tre lấy măng, có nguồn cung ổn định.
Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, bà Sang cùng con trai đã chọn giống tre bốn mùa để khởi nghiệp. Vì loại tre này có thể thích nghi, phát triển trên mọi loại đất và cho măng bốn mùa.
Cuối năm 2017, bà Sang đặt mua 1.000 gốc tre bốn mùa về trồng trên 1 ha đất tại xã Đắk Som. Tuy nhiên, sau một thời gian trồng, 1.000 gốc tre của bà Sang chết dần chết mòn, chỉ còn lại 200 gốc.
Nghĩ mình chăm sóc chưa đúng kĩ thuật, bà Sang cùng con trai tiếp tục tra cứu nhiều tài liệu trên mạng và đi thực tế một số nơi để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm.
Đầu năm 2018, những gốc tre của bà Sang phát triển xanh tốt, bắt đầu cho măng. Măng tre bốn mùa không đắng, có vị ngọt nhẹ và giòn nên người được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đến năm 2019, khi tre gốc đã trưởng thành, bà Sang triển khai nhân giống để trồng lên diện tích đất còn lại của gia đình. Hiện nay, gia đình bà Sang có khoảng 40.000 gốc tre bốn mùa trên diện tích 40 ha đất.
Gia đình bà Sang hiện có 40 ha đất trồng tre lấy măng. Ảnh: N.S
Với diện tích nói trên, hàng năm, gia đình bà Sang thu hoạch khoảng 250 tấn măng tươi. Ngoài ra, gia đình bà còn chế biến nhiều sản phẩm như: măng sấy khô, măng măng chua ngọt... hướng đến thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.
Bà Sang nhẩm tính, sau khi trừ các khoản chi phí về nhân công, phân bón… gia đình bà thu lãi hơn 2 tỉ đồng mỗi năm.
Tuổi già không ngại xông pha
Ngoài việc tìm tòi, trồng tre lấy măng để phát triển kinh tế, bà Sang còn tạo công ăn việc làm cho 10 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương với mức lương từ 7,5-9 triệu đồng/tháng.
Dù tuổi đã cao, nhưng bà Sang vẫn rất nhiệt huyết với công việc. Những năm qua, bà đã tham gia nhiều hội chợ tại các tỉnh Gia Lai, Bình Định…để quảng bá, giới thiệu sản phẩm măng tre bốn mùa của gia đình.
Bà Sang cùng các sản phẩm làm từ măng tre. Ảnh: N.S
Ngoài ra, bà Sang cũng tận dụng các nền tảng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm măng tre bốn mùa của mình đến đông đảo khách hàng trong và ngoài nước. Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi, nên các sản phẩm măng tre bốn mùa của bà Sang được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, đặt mua.
Ngoài việc kinh doanh giỏi, bà Sang còn là một người sẵn sàng chia sẻ, truyền kinh nghiệm trồng tre lấy măng để người dân học hỏi, cùng nhau làm giàu.
Thời gian qua, bà Sang đã chuyển giao giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc tre bốn mùa, kỹ thuật sơ chế, bảo quản măng cho nhiều nông dân ở các tỉnh Đắk Nông, Long An, Hậu Giang, Đắk Lắk...
Dù tuổi đã cao nhưng bà Sang vẫn miệt mài đi nhiều nơi, tham gia nhiều cuộc thi, hội chợ để giới thiệu sản phẩm. Ảnh: N.S
“Trồng tre bốn mùa lấy măng không đòi hỏi kỹ thuật cao. Mỗi năm tôi chỉ tốn khoảng 15 triệu đồng để bón các loại phân chuồng cho 1 ha tre. Khi mùa khô đến, tôi đầu tư tưới nước để gốc tre có độ ẩm, cho măng mọc đều quanh năm” - bà Sang nói.
Chờ cấp tỉnh công nhận sản phẩm OCOP
Trao đổi với PLO, ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som, cho biết địa phương đã gửi hồ sơ và đang chờ cấp tỉnh công nhận sản phẩm măng tre của gia đình bà Sang là sản phẩm OCOP của địa phương.
“Qua theo dõi từ mô hình kinh tế của bà Sang, cây tre bốn mùa rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Ngoài việc tận dụng diện tích đất xấu để phát triển kinh tế, cây tre bốn mùa còn có tác dụng chắn gió, chống xói mòn rất hiệu quả” - ông Đại nói.
TIẾN THOẠI
Nguồn PLO : https://plo.vn/trong-tre-bon-mua-lay-mang-thu-lai-hang-ti-dong-moi-nam-post833057.html