'Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền'

'Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền'
3 giờ trướcBài gốc
Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc đón tiếp, phục vụ hơn 30.000 lượt khách/năm.
Trong các tỉnh vùng Việt Bắc, Thái nguyên vinh dự được Quân khu 1 lựa chọn làm "đại bản doanh". Theo đó, Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc “định chân” tại TP. Thái Nguyên, trở thành một điểm đến đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và du khách. Ở đó có những bài học về lịch sử cách mạng kháng chiến trên quê hương Việt Bắc được tái hiện sinh động thông qua từng hiện vật.
Mỗi hiện vật là một câu chuyện về tinh thần chiến đấu quả cảm của cha ông và mang sức sống kỳ diệu về tinh thần yêu nước được trao truyền qua các thế hệ. Đến Bảo tàng, ấn tượng ngay từ những giây khắc đầu tiên là niềm kiêu hãnh chiến thắng. Một tổ hợp ngoài trời với những hiện vật lưu dấu anh hùng.
Đây, khẩu sơn pháo 75mm được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 675 bắn viên đạn đầu tiên vào Đồn To Đông Khê mở màn chiến dịch Biên Giới 1950. Góp sức cùng các cánh quân tiêu diệt hơn 300 tên địch, giành thắng lợi hoàn toàn, cổ vũ khí thế chiến đấu và tạo thế thuận lợi mới cho chiến dịch.
Đây, một mái lán Tỉn Keo, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị họp bàn, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Và có một khoảng nhỏ trưng bày cảnh vật, thiên nhiên, đất nước con người và truyền thống của nhân dân các tỉnh trong vùng Việt Bắc… Mộc mạc, đơn sơ mà chứa đựng bao khát vọng lớn lao của một dân tộc anh hùng. Và gợi trong tâm trí mỗi người về những thời điểm quan trọng của đất nước: Hầu hết các tỉnh trong vùng Việt Bắc đều mang một dấu ấn lịch sử đặc biệt.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Việt Bắc đón Bác Hồ sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước và là căn cứ địa cách mạng vững chắc; những năm đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Việt Bắc là an toàn khu kháng chiến; giai đoạn chống đế quốc Mỹ xâm lược, các tỉnh trong vùng là một trong những hậu phương vững mạnh, bảo đảm quân lương phục vụ cho các mặt trận.
Chiếc máy bay MIG 21, số hiệu 4320 lập nhiều chiến công trên bầu trời miền Bắc.
Hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng lực lượng vũ trang Việt Bắc là minh chứng sống động về một thời cha ông ta đánh giặc. Với những mũ lá, áo tơi, bát tre, gươm dao, giáo mác, chông mìn, cạm bẫy, súng kíp hỏa mai… thô sơ, tự tạo mà làm quân thù khiếp đảm.
Đặc biệt, trong Bảo tàng có một hiện vật được ví là biểu tượng của tinh thần yêu nước. Đó là khẩu súng ba-zô-ca được nghiên cứu, chế tạo thành công tại xưởng quân giới Giang Tiên, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Súng đủ uy lực bắn cháy xe tăng, bắn chìm tàu thủy của giặc Pháp và được mệnh danh “Vua chiến trường”.
Khẩu súng ba-zô-ca không chỉ làm giảm thiểu hy sinh của các cảm tử quân, mà còn mang câu chuyện dài về con người vĩ đại Hồ Chí Minh và người kỹ sư có tinh thần yêu nước Trần Đại Nghĩa. Nghe lời Bác, ông đã từ bỏ một công việc được Pháp trả tiền công với mức lương tháng tương đương với hơn 20 cây vàng, trở về Tổ quốc, ngược đường lên rừng núi Việt Bắc để cống hiến trí tuệ của mình cho đất nước.
Trong dáng chiều ngày Đông sậm tím, bên khẩu pháo phòng không 100mm của Đoàn Tân Trào (Lữ đoàn 210), đã có bao du khách đến đây, lắng nghe nữ hướng dẫn viên của Bảo tàng kể cho nghe câu chuyện về một thời đất nước đội đạn bom đánh Mỹ.
Khẩu pháo bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.000 của giặc Mỹ trên bầu trời miền Bắc.
Hôm ấy, ngày 29/4/1966, một đàn giặc trời lao vào đánh phá Thái Nguyên, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Tân Trào đã trụ vững trận địa, dùng khẩu pháo phòng không này tiêu diệt thêm 1 chiếc máy bay Mỹ. Đó cũng là chiếc máy bay thứ 1.000 rơi trên bầu trời miền Bắc. Chiến công này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Cũng trong thời kháng chiến chống Mỹ, vẫn còn đây chiếc máy bay MIG 21, số hiệu 4320 do anh hùng Phạm Thanh Ngân, người con của quê hương Phú Bình (Thái Nguyên) lái và cùng đồng đội bắn cháy 8 máy bay Mỹ, riêng đồng chí bắn rơi 2 chiếc…
Còn nhiều nữa những hiện vật gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu và những kỷ vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của quê hương Việt Bắc đã anh dũng chiến đấu trên khắp nẻo đường của Tổ quốc và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế.
Những chiến công vang dội của năm tháng đất nước có chiến tranh vọng lại qua từng câu chuyện kể của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Bảo tàng. Những hiện vật ấy có sức sống mãnh liệt cùng thời gian, bởi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ làm công tác sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị hiện vật.
Ngoài trưng bày, triển lãm, giới thiệu đến nhân dân, du khách tại không gian trưng bày trong Bảo tàng, hằng năm, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương ở các tỉnh trong vùng Việt Bắc, nhất là nơi vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để tổ chức trưng bày, triển lãm phục vụ nhân dân, du khách.
- 40 năm thành lập, đi vào hoạt động (1984-2024), Bảo tàng lực lượng vũ trang Việt Bắc đã đón tiếp, phục vụ hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan.
- Được Bộ Quốc phòng tặng 8 Bằng khen; Quân khu 1 tặng 16 Bằng khen.
- 5 năm (2019-2024) đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.
- Năm 2024 được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.
Phạm Ngọc Chuẩn
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/80-nam-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-anh-hung/202412/trong-ve-viet-bac-ma-nuoi-chi-ben-c8a076b/