Trong xoáy nước phù sa Phong Châu

Trong xoáy nước phù sa Phong Châu
2 giờ trướcBài gốc
8 giờ sáng, mặt trời lên cao tỏa ánh sáng vàng xuống mặt nước sông Hồng ngầu đỏ phù sa. Từ bờ hữu bên huyện Tam Nông, hướng mặt về phía thượng nguồn, tôi thấy rõ nhịp cầu Phong Châu sót lại sau vụ gãy sập ở bên bờ tả thuộc huyện Lâm Thao nằm chơi vơi, cô đơn soi bóng xuống dòng sông Hồng.
Trên mặt nước phía bờ hữu, một vài chiếc tàu trục vớt nằm kế nhau, mũi tàu dập dềnh theo dòng chảy như chờ cơ hội. Những ngày qua, để bảo đảm an toàn cho lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và ghép cầu, phà, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra thông báo nghiêm cấm các loại tàu, thuyền đi qua đoạn sông này nên từ phía cầu phao PMP do Lữ đoàn 249 của Binh chủng Công binh triển khai về phía thượng lưu rất bình lặng.
Cầu Phong Châu nhìn từ phía hạ lưu. Ảnh: MINH THẮNG
Lúc này, cách chỗ tôi đứng vài mét có khoảng chục người đang ngồi lặng lẽ. Mắt họ hướng về mặt sông như nhìn vào xoáy nước vô định, chờ mong thông tin từ lực lượng thợ lặn của Lữ đoàn 126. Họ là người nhà của những nạn nhân xấu số bị mất tích trong vụ sập cầu. Hiện dưới dòng sông ấy còn 4 nạn nhân và nhiều phương tiện chưa tìm thấy và trục vớt.
Chuẩn bị phương tiện lặn tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu. Ảnh: MINH THẮNG
Dưới mặt nước, hai chiếc xuồng cao su chuyên dùng của Lữ đoàn 126 đang thực hiện nhiệm vụ. Ánh phản quang từ những chiếc áo phao vàng cam di động dưới nắng. Thỉnh thoảng tôi lại thấy chiếc xuồng di chuyển đoạn ngắn rồi dừng lại. Tôi theo chân Đại úy Nguyễn Văn Hoàng, Đại đội trưởng Đại đội 11, Trung tâm huấn luyện lặn sâu của Lữ đoàn 126 trượt xuống con dốc để tiếp cận mép nước, nơi chiếc xuồng cao su có 4 người ngồi trên đó đợi sẵn.
Kiểm tra an toàn cho thợ lặn trước khi bước vào tác nghiệp tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: MINH THẮNG
Hoàng nói với tôi, mỗi kíp sẽ có 2 thợ lặn. Trên xuồng có một chỉ huy, 3 đồng chí làm công tác bảo đảm an toàn, một lái xuồng và một y sĩ sinh lý lặn, Hoàng là chỉ huy bộ phận bảo đảm an toàn của ca lặn này.
Trong kíp của Hoàng có hai thợ lặn là Thiếu úy QNCN Cao Tiến Thành, Tiểu đội trưởng và Trung úy QNCN Đồng Văn Minh. Họ nhanh chóng làm công tác chuẩn bị. Vài phút sau, tôi thấy xuồng di chuyển và dừng lại ở một vị trí cách bờ khoảng 30-40m. Thợ lặn rời khỏi xuồng và hòa vào dòng nước đục ngầu. Họ được kết nối với bộ phận làm công tác bảo đảm an toàn và kiểm soát hoạt động lặn bằng một chiếc dây dù to gấp đôi dây võng mà tôi vẫn thường thấy cùng dây thông tin thủy âm. Phía sau xuồng là một chiếc phao tròn. Căng mắt quan sát, tôi thấy bóng họ nhấp nhô theo dòng nước rồi mất hẳn.
Thợ lặn Lữ đoàn 126 tác nghiệp tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: MINH THẮNG
Leo lên bờ sông, tôi gặp Trung tá Phạm Ngọc Tuấn Anh, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126. Anh Tuấn Anh sơ bộ thông báo tình hình công việc tìm kiếm dưới nước. Theo đó, từ sáng 1-10, các tổ thợ lặn của lữ đoàn đã sử dụng những phương tiện hiện đại để tìm kiếm nạn nhân và phương tiện từ khu vực cầu Phong Châu về hạ lưu sông Hồng. Công tác tổ chức tìm kiếm nạn nhân chìm dưới nước ở Phong Châu mất nhiều thời gian và rất công phu. Trước hết là xác định dòng chảy trong khu vực; đánh dấu tâm tìm kiếm bằng neo và phao. Tiếp đó, chia thợ lặn thành các kíp, mỗi kíp tìm kiếm trong các ô có đánh dấu bằng phao theo chỉ huy và dẫn đường của lực lượng trên xuồng. Tìm hết ô này thì chuyển sang ô khác.
Trung tá Phạm Ngọc Tuấn Anh là một trong những cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong tổ chức tìm kiếm cứu nạn sông, biển. Theo anh, tìm kiếm nạn nhân ở khu vực cầu Phong Châu khó khăn, phức tạp hơn tìm kiếm ngoài biển gấp nhiều lần. Nếu như dưới biển, thợ lặn hoạt động bơi, lặn và quan sát khá thuận lợi thì ở đây, thợ lặn thường không tự chủ được hành động. Do lượng phù sa trong nước dày đặc nên tầm nhìn của thợ lặn gần như bằng 0. Điều này là thách thức lớn cho công tác bảo đảm an toàn lặn của chỉ huy.
Do dòng chảy ở đây rất xiết, các xoáy nước tạo ra lực hút lớn khiến thợ lặn bị đẩy lăn tròn theo vòng xoáy, giống như người nhào lộn trong môi trường không trọng lượng, nhưng với vận tốc cao hơn hoặc quay trong lồng máy giặt. Thế nên, để giải quyết bài toán tạo giữ được thế vững dưới nước, thợ lặn phải dùng dây liên kết từng người vào tổ và từng tổ vào neo đồng thời tăng thêm trọng lượng chì đeo trên người. Tính ra, ngoài thiết bị, bình khí nén 30kg, khi tìm kiếm dưới nước, mỗi thợ lặn phải mang trên người ít nhất 20kg chì nữa mới bảo đảm tạo ra thế tương đối vững khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm ở độ sâu 10-15m dưới mặt nước.
Khi tìm kiếm nạn nhân ở dưới biển, ngoài ánh sáng mặt trời thì thợ lặn sử dụng đèn pin soi được khoảng 1,5m. Còn ở đoạn sông này, phù sa ngầu đỏ, che hết tầm mắt, khiến tiến độ tìm kiếm giảm rất lớn. Ngay cả việc quan sát kim đồng hồ đo khí trong bình cũng không thực hiện được. Thế nên, cứ 20 phút lặn là chỉ huy trên xuồng phải ra tín hiệu, yêu cầu họ ngoi lên đổi ca để bảo đảm an toàn. Những ngày qua, khi các thợ lặn tác nghiệp trên sông là Trung tá Phạm Ngọc Tuấn Anh và các đồng đội ở trên bờ như ngồi trên lửa. Phần vì mong mỏi tìm kiếm được dấu vết của nạn nhân, phần vì lo lắng tới sức khỏe cũng như bảo đảm an toàn cho các thợ lặn.
Gần 30 phút sau tôi thấy Đại úy Nguyễn Văn Hoàng dẫn tổ lặn của mình về bờ nghỉ ngơi. Sau khoảng 10 phút, họ yên vị phục hồi thể lực và hít thở khí tươi, tôi lại gần Thiếu úy QNCN Cao Tiến Thành để trò chuyện.
Thành chia sẻ: Từ vị trí chân cầu Phong Châu hất xuống hạ lưu, mặt sông tồn tại hai dòng chảy. Từ giữa mặt sông hất sang bên phía bờ tả thuộc huyện Lâm Thao là dòng chảy chính xuôi xiết. Nhưng từ giữa hất lại phía bờ hữu, bên huyện Tam Nông thì dòng chảy bị xoáy ngược lại thành vòng tròn khép kín. Ngày đầu tìm kiếm, dưới đáy khu vực dòng xoáy là vô số vật thể khác nhau mà chủ yếu là gốc cây. Thế nên tiến độ tìm kiếm vô cùng chậm. Nếu ở dưới biển thì tốc độ bơi có thể đạt 3-5 km/h (0,83-1,38m/s) còn ở đây thì tốc độ di chuyển phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng bám dây neo để lần tìm. Điều này khiến thợ lặn phân tán tư tưởng. Không chỉ tập trung vào nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân mà còn phải luôn đề phòng xử lý tình huống có nguy cơ mất an toàn.
Những ngày sau, khi lưu tốc nước giảm dần thì mức độ bồi đắp phù sa lại quá nhanh. Ví dụ, khi tìm kiếm ở vị trí dầm của nhịp cầu bị rơi, những ngày đầu còn xác định nó nhô lên mặt đáy sông gần 2m. Nhưng chỉ qua một đêm, phù sa đã lắng đọng, khiến chiếc dầm ấy chỉ còn nhô lên đáy sông chưa đầy 1m. Những bãi gốc cây ở khu vực xoáy cũng đã bị phù sa phủ lấp. Thợ lặn phải mang thuốn dài 1,2m để xăm vào đáy sông nhưng ấn hết cỡ cũng chỉ chọc sâu được 40cm là cùng vì cát nín rất chặt.
Khó khăn là thế nhưng những thợ lặn của Lữ đoàn 126 Hải quân vẫn không từ bỏ hoặc lơ là trách nhiệm. Hằng ngày, họ lần lượt tìm kiếm từng vị trí đã xác định với phương châm tuyệt đối không bỏ sót. Với họ, an toàn trong thực hiện nhiệm vụ và tìm thấy nạn nhân là mục tiêu cao nhất.
Tôi nhớ mãi lời của Trung tá Phạm Ngọc Tuấn Anh, việc này vô cùng cẩn trọng, không thể làm bừa, làm ẩu và càng không thể làm cho xong vì nếu không nhanh thì từng giờ, từng phút các lớp phù sa thi nhau theo dòng xoáy mà bồi đắp, khiến công tác tìm kiếm khó khăn gấp bội lần.
Tôi tin lời của Trung tá Phạm Ngọc Tuấn Anh và những đồng đội can trường, dũng cảm của Lữ đoàn 126. Bởi đây là điều kiện để họ kiểm chứng những bài học trong huấn luyện, đồng thời cũng là dịp để họ vượt qua một khó khăn mới và chiến thắng nó. Tôi cũng tin, những xoáy nước và phù sa đang bồi đắp từng phút trên dòng sông Hồng không thể ngăn được quyết tâm của họ trong cuộc tìm kiếm này.
Ghi chép của NGUYỄN MẠNH THẮNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/trong-xoay-nuoc-phu-sa-phong-chau-800299