Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu tại hội trường chiều 4/11
Chiều 4/11, tiếp tục phiên thảo luận hội trường về các vấn đề kinh tế xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phản ánh, tại vị trí "đất vàng" của TP. Đông Hà (Quảng Trị) có tòa nhà 3 tầng, diện tích hơn 2.000 m2 là trụ sở của Tòa án nhân dân TP Đông Hà bị bỏ hoang từ năm 2016 đến nay.
Tỉnh Quảng Trị và Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép bán đấu giá hoặc chuyển cho địa phương quản lý nhưng qua 8 năm chỉ nhận được câu trả lời là đang chờ sắp xếp tổng thể.
Vị đại biểu là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nêu câu hỏi: "Không biết phải chờ đến bao giờ?" vì hiện công trình này đang gây ra hoang hóa, mất mỹ quan đô thị giữa trung tâm thành phố, gây lãng phí tài sản lớn; đồng thời gây phản cảm, bức xúc trong dư luận, cử tri và nhân dân.
Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý dứt điểm vấn đề tài sản công, trụ sở của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn của các địa phương đã xây mới hoặc chuyển đi nơi khác.
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng nhắc lại, ở nhiệm kỳ này đã có rất nhiều phát biểu và tranh luận kéo dài về việc "chữa bệnh" cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.
Thế nhưng, theo đại biểu, kết quả xếp loại chất lượng công chức năm 2023 cho thấy chỉ có 6,57% không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. "Kết quả này đã đánh giá đúng tình hình chưa?", ông Đồng nêu câu hỏi.
Cũng bàn về vấn đề lãng phí đất công, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phản ánh, Nghị quyết 78 của Quốc hội ban hành năm 2022 đã hình thành danh mục 51 dự án đầu tư có vấn đề, 13 dự án trọng điểm bị chậm trễ, 19 dự án để hoang hóa, 880 dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)
Đại biểu cho rằng đây là cơ sở hết sức quan trọng. Trước khi chúng ta hình thành nên văn hóa chống lãng phí trong người dân, trong doanh nghiệp, chúng ta cần phải xử lý những dự án trong danh mục đã được Quốc hội chỉ ra như thế này để vừa cảnh tỉnh, vừa làm gương, vừa cắt đi những phần lãng phí lâu nay tồn tại.
Những số liệu này, tôi cho rằng hết sức đau lòng khi chúng ta thảo luận về chuyên đề giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tôi đề nghị có báo cáo rõ ràng việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đối với những dự án này", ông An kiến nghị.
Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vấn đề hạn chế trong thể chế, cơ chế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân; trong đó phải nói đến tác động không nhỏ do ảnh hưởng của sự lãng phí diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua.
Điều này đã và đang gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình)
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn có hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham nhũng và lãng phí, vì lãng phí rất phổ biến". Vấn đề này tại buổi làm việc về chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa phân tích sâu sắc những tác hại và sự cần thiết phải đẩy mạnh phòng, chống lãng phí.
Đồng thời, tại phiên thảo luận tổ mới đây về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ các công trình, dự án bỏ hoang, không sử dụng được, đơn cử như việc dôi dư các tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính, lãng phí trong đầu tư công (điển hình là dự án chống ngập ở TP Hồ Chí Minh qua 2 nhiệm kỳ mà người dân vẫn phải chịu ngập lụt hay 2 bệnh viện ở Hà Nam được nhà nước đầu tư hàng chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng).
Từ thực tiễn trên, đại biểu đoàn Hòa Bình tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đại biểu, giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra, do đó cần thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh; đặc biệt có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương, tổ chức thực hiện với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng" và thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Minh Minh