Ngày 13/5, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo phương án sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông có tổng cộng hơn 5.900 cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính mới. Trong đó, trên sẽ có 80% được bố trí làm việc tại TP Đà Lạt.
Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Thế Phong).
Theo đó, 330 cán bộ, công chức khối Văn phòng UBND, Đoàn ĐBQH và HĐND của 3 tỉnh sẽ được bố trí làm việc tại các công sở hiện có tại tỉnh Lâm Đồng.
Cán bộ, công chức các sở, ngành có 3.253 người, được bố trí làm việc chủ yếu tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng hiện tại (số 36 Trần Phú, TP Đà Lạt) và dự phòng hai địa chỉ tại Ban Tôn giáo tỉnh Lâm Đồng (cũ) và trụ sở UBND phường 3, TP Đà Lạt.
1.295 viên chức các đơn vị sự nghiệp sẽ được bố trí làm việc tại trụ sở cũ UBND TP Đà Lạt (số 5 Trần Nhân Tông, TP Đà Lạt).
Cũng theo UBND tỉnh Lâm Đồng, 1.093 người khối mặt trận, đoàn thể chính trị sẽ bố trí làm việc tại trụ sở MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Tỉnh Đoàn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh.
Cùng với đó, tỉnh Lâm Đồng rà soát xong các trụ sở, biệt thự cũ trên địa bàn TP Đà Lạt để bố trí chỗ ở cho khoảng 1.959 người (khoảng 70%) có nhu cầu về chỗ ở để công tác.
Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ hợp nhất thành một tỉnh mới lấy tên gọi là Lâm Đồng.
Trung tâm Hành chính - Chính trị của tỉnh mới đặt tại TP Đà Lạt.
Thống kê, có khoảng 2.200 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh của 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận. Sau khi giảm 20% số lượng cán bộ, công chức, viên chức còn khoảng 1.760 người.
Trong số này, ngoài dự kiến tiếp tục bố trí làm việc tại trụ sở hành chính của các địa phương thì còn có khoảng 880 có nhu cầu về chỗ ở tại TP Đà Lạt (khoảng 50% số cán bộ, công chức, viên chức).
Để phục vụ hoạt động ngay sau khi hợp nhất, Lâm Đồng đã lên phương án bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Tưởng Cao Sơn