Ngân hàng thanh toán quốc tế: Trụ sở của các nhà tài phiệt
Chuyên gia tiền tệ nổi tiếng Franz Pieck từng nói: “Số phận của đồng tiền cũng chính là số phận của đất nước.”
Tương tự như vậy, số phận của tiền tệ thế giới cũng sẽ quyết định số phận của thế giới.
Trên thực tế, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế là tổ chức ngân hàng được thành lập sớm nhất nhưng tiếng nói của nó lại không có trọng lượng nên hầu như chẳng được mấy ai quan tâm tới. Đến giới học giả cũng không nghiên cứu đầy đủ về nó.
Hàng năm, ngoại trừ tháng 8 và tháng 10, còn vào mười tháng còn lại, cứ mỗi tháng một lần lại có một số nhân vật ăn mặc sang trọng từ London, Washington và Tokyo bí mật kéo nhau đến Basel của Thụy Sĩ, ở lại khách sạn Euler tham dự hội nghị thầm lặng nhất nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Để phục vụ cho hội nghị đó và những người tham dự, ngoài việc luôn có hơn 300 người phục vụ trong mọi hoạt động từ lái xe, đầu bếp, vệ sĩ, đưa thư, phiên dịch, tốc ký, thư ký cho tới cả việc nghiên cứu, thì còn có thêm các hệ thống siêu máy tính, sân tennis, hồ bơi, thậm chí là cả các câu lạc bộ với đầy đủ những trang thiết bị hiện đại nhất.
Trụ sở Ngân hành thang toán quốc tế đặt tại Thụy Sĩ. Ảnh: Occupy.com.
Những người có thể tham gia đều phải tuân thủ những quy định hết sức nghiêm ngặt, và chỉ có những nhà tài phiệt ngân hàng hàng đầu với khả năng kiểm soát lãi suất, quy mô tín dụng cũng như nguồn cung ứng tiền tệ của các nước theo từng ngày mới đủ điều kiện tham gia vào câu lạc bộ siêu cấp này.
Họ chính là các Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương Đức. Tổ chức này hiện đang nắm giữ khoảng 40 tỷ đô-la Mỹ tiền mặt, trái phiếu Chính phủ các nước, và cả một lượng vàng bằng 10% tổng lượng dự trữ toàn thế giới, chỉ đứng sau ngân khố quốc gia của Mỹ. Chỉ cần sử dụng đúng lợi nhuận từ việc cho vay vàng cũng có thể chi trả hết toàn bộ chi phí cho chính ngân hàng đó. Vậy nên, mục đích của hội nghị bí mật hàng tháng chính là để cân đối và khống chế hoạt động tiền tệ của các nước công nghiệp.
Tòa nhà đặt trụ sở của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có hầm ngầm tránh bom hạt nhân, đầy đủ các trang thiết bị y tế, hệ thống phòng cháy hiện đại tới mức cho dù có xảy ra cháy lớn thì cũng không cần phải huy động đến lính cứu hỏa bên ngoài. Trên tầng cao nhất của tòa nhà này có một nhà ăn tráng lệ chỉ dùng riêng cho những thực khách cao cấp đến tham dự hội nghị “Basel cuối tuần” này. Đứng trên bục pha lê lớn nhất trong phòng ăn và phóng tầm mắt về bốn hướng, thực khách có thể thấy cảnh đẹp tráng lệ của ba quốc gia Đức, Pháp và Thụy Sĩ.
Ngoài ra, tất cả máy tính tại trung tâm máy tính của tòa nhà đều có đường mạng riêng kết nối trực tiếp đến các ngân hàng đầu não của các nước. Chính vì vậy mà mọi số liệu của thị trường tài chính thế giới đều hiển thị liên tục trên màn hình đặt tại đại sảnh. Ở đây luôn thường trực 18 giao dịch viên luôn tay giải quyết các giao dịch cho vay ngắn hạn trên thị trường tiền tệ châu Âu. Còn các giao dịch viên vàng làm việc tại một tầng khác, vô cùng bận rộn với những cuộc giao dịch không ngừng giữa các ngân hàng đầu não qua điện thoại.
Đối với mọi loại hình giao dịch, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế hầu như chẳng bao giờ phải chịu bất cứ rủi ro nào, bởi những giao dịch này đều có tài khoản của các nhà tài phiệt ngân hàng hàng đầu đảm bảo với phí thanh toán quốc tế ở mức cao. Câu hỏi đặt ra là tại sao những nhà tài phiệt ngân hàng đó lại chấp nhận để cho Ngân hàng Thanh toán Quốc tế xử lý những nghiệp vụ hết sức cơ bản này với mức phí cao đến vậy?
Chỉ có một câu trả lời duy nhất cho điều này, đó chính là “giao dịch bí mật”.
Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động