Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Đề xuất xem xét cho trường tư thục được tiếp cận

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Đề xuất xem xét cho trường tư thục được tiếp cận
9 giờ trướcBài gốc
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 đã có buổi tiếp xúc với các cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa nhằm ghi nhận và giải đáp các ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp.
Quán triệt tinh thần không để lãng phí trụ sở dôi dư sau sáp nhập, Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng ưu tiên sử dụng những nơi này làm trường học, cơ sở y tế và không gian công cộng cho người dân. [1]
Từ tinh thần nêu trên, nhiều nhà đầu tư giáo dục, chuyên gia giáo dục đề xuất tạo điều kiện cho khối giáo dục tư thục tiếp cận nguồn lực này. Bởi trên thực tế, hệ thống tư thục vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất, giải phóng “mặt bằng sạch”, phát triển trường lớp so với hệ thống công lập đã có nguồn lực đất đai sẵn.
Cho phép khối giáo dục tư thục tiếp cận nguồn lực trụ sở dôi dư sẽ tạo ra "cú hích" quan trọng
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Anh Đức - Nghiên cứu viên tại Trường Đại học RMIT đánh giá, chủ trương sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính để làm trường học là một định hướng đúng đắn và đầy tầm nhìn, đặc biệt là có ý kiến đề xuất tạo điều kiện cho khối giáo dục tư thục tiếp cận nguồn lực này. Điều này không chỉ thể hiện tư duy quản trị hiệu quả tài sản công mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết về cơ sở giáo dục trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng tại các thành phố lớn.
Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Đức: "Giáo dục tư thục, với vai trò là bộ phận không tách rời của hệ thống giáo dục quốc dân, đã và đang đóng góp đáng kể vào việc bổ sung nguồn lực, đa dạng hóa môi trường học tập và giảm tải áp lực cho hệ thống công lập. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà khối tư thục phải đối mặt chính là tiếp cận quỹ đất và cơ sở vật chất tại vị trí thuận lợi, dẫn đến chi phí đầu tư ban đầu cao và gián tiếp tác động đến học phí.
Việc xem xét cho phép khối giáo dục tư thục tiếp cận trụ sở dôi dư sẽ tạo ra cú hích quan trọng, tháo gỡ nút thắt về cơ sở vật chất và mở ra cơ hội phát triển bền vững. Đặc biệt, đây còn là cơ hội hiếm có để chúng ta sửa chữa các hạn chế về quy hoạch trong quá khứ, khi các quỹ đất trước đây thường được quy hoạch theo các khu đô thị với tầm nhìn trung hạn".
Tiến sĩ Hoàng Anh Đức - Nghiên cứu viên Trường Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Tiến sĩ Đức nhìn nhận: "Thực tế, sự phát triển nóng của đô thị đã phá vỡ nhiều quy hoạch ban đầu, khiến hạ tầng đất dành cho giáo dục bị giới hạn nghiêm trọng. Khi được tiếp cận nguồn lực này, các trường tư thục sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu, từ đó có thể cân nhắc giảm học phí hoặc tăng cường đầu tư vào chất lượng đào tạo.
Đồng thời, vị trí thuận lợi của các trụ sở hành chính (thường nằm ở trung tâm khu dân cư, giao thông thuận tiện) sẽ giúp các trường tư thục tiếp cận được nhiều đối tượng học sinh hơn. Cách tiếp cận này cũng phù hợp với xu thế quốc tế, coi hệ thống giáo dục tư thục là đối tác bổ sung và thúc đẩy sự phát triển của hệ thống công lập, cùng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước".
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu giáo dục, sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính để làm trường học có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện hạ tầng giáo dục. Đặc biệt, nếu khối tư thục tiếp cận nguồn lực đất đai này giúp “cởi trói” cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện cho các học sinh có nhu cầu tiếp cận giáo dục chất lượng cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn - khi hệ thống trường công đang quá tải.
Tiến sĩ Đức lý giải: "Đối với giáo dục tư thục, việc này thực sự là một bước "cởi trói" quan trọng, tạo điều kiện cho khu vực này phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư giáo dục tư thục chính là khó khăn trong việc tiếp cận đất đai và cơ sở vật chất, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Khi được tạo điều kiện tiếp cận trụ sở dôi dư, các trường tư thục có thể giảm đáng kể gánh nặng tài chính ban đầu, từ đó tập trung nguồn lực vào nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giáo dục và phát triển đội ngũ giáo viên. Sự đa dạng hóa về mô hình giáo dục cũng sẽ được thúc đẩy, khi các nhà đầu tư có điều kiện phát triển các trường chuyên biệt như trường STEM, trường nghệ thuật, trường dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, hay các mô hình giáo dục tiên tiến. Điều này không chỉ mở ra nhiều lựa chọn chất lượng cho người học mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy cả hệ thống giáo dục không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng".
Tiến sĩ Hoàng Anh Đức cũng gợi mở một số lưu ý để nếu được tạo điều kiện, nhà đầu tư giáo dục có thể tiếp cận dễ dàng nguồn lực đất đai này.
Trước hết, cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch với các quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí và quy trình tiếp cận trụ sở dôi dư dành cho giáo dục tư thục. Các văn bản hướng dẫn cần được ban hành đồng bộ từ trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng từ trụ sở hành chính sang cơ sở giáo dục cũng cần được ưu tiên thực hiện, với quy trình “một cửa” rõ ràng.
Đặc biệt, theo Tiến sĩ Đức, cần có cơ chế ưu đãi về thời hạn thuê dài hạn (50 năm) với mức giá hợp lý, và có thể thanh toán tiền thuê từng năm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể hoạch định chiến lược phát triển dài hạn.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Đức cũng đề xuất xây dựng bộ tiêu chí minh bạch để đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, trong đó ưu tiên các dự án có cam kết về chất lượng giáo dục và đóng góp xã hội.
Cụ thể, có thể xem xét mức độ uy tín, kinh nghiệm và năng lực tài chính của nhà đầu tư; chất lượng đề án phát triển trường học; đóng góp cho sự phát triển giáo dục địa phương... Các dự án giáo dục đặc thù, đáp ứng nhu cầu xã hội như trường năng khiếu, trường dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, nên được ưu tiên xem xét.
Ngoài ra, theo chuyên gia nghiên cứu giáo dục này, một vấn đề quan trọng cần được giải quyết là các quy định kỹ thuật về diện tích hay chiều cao tối thiểu của các loại hình lớp học.
"Nhiều trụ sở hành chính hiện tại có thể không đáp ứng đúng các tiêu chuẩn này, vì vậy cần có cơ chế cho phép ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xem xét phê duyệt linh hoạt các trường hợp cụ thể, với điều kiện vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng học tập. Nếu không có sự linh hoạt này, nhiều trụ sở dôi dư sẽ khó lòng được chuyển đổi thành cơ sở giáo dục một cách hiệu quả.
Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ kỹ thuật trong việc cải tạo công trình để phù hợp với tiêu chuẩn trường học, hỗ trợ thẩm định, và có thể xem xét hình thức đối tác công - tư cho một số công trình lớn cần đầu tư nhiều để cải tạo. Những chính sách hỗ trợ này sẽ góp phần giảm gánh nặng cho nhà đầu tư trong giai đoạn đầu, đồng thời đảm bảo các cơ sở giáo dục được phát triển đáp ứng đúng nhu cầu và tiêu chuẩn", Tiến sĩ Hoàng Anh Đức chia sẻ thêm.
Ảnh minh họa: Tuệ Nhi.
Để đề xuất này thực sự trở thành “cú hích” phát triển giáo dục tư thục bền vững, giảm bớt gánh nặng ngân sách cũng như giảm tải áp lực cho hệ thống công, theo Tiến sĩ Đức, điều quan trọng là sự cân bằng giữa các bên liên quan.
Trong đó, nhà đầu tư được đảm bảo quyền lợi hợp pháp, người học được tiếp cận giáo dục chất lượng với chi phí hợp lý, và nhà nước tối ưu hóa được việc sử dụng tài sản công. Bởi vậy, trước hết, cần đảm bảo tính bền vững trong chính sách với việc xây dựng các hợp đồng thuê dài hạn, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên, tránh tình trạng thay đổi chính sách giữa chừng gây bất ổn cho nhà đầu tư và người học.
Bên cạnh đó, cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng cần được thiết lập ngay từ đầu, với các tiêu chí rõ ràng về chất lượng giáo dục, đóng góp xã hội, và hiệu quả sử dụng tài sản. Ví dụ, trong trường hợp nhà đầu tư thắng thầu nhưng không triển khai dự án trong khoảng 2 năm, cần thu hồi và tiến hành đấu thầu công khai thay vì cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng dự án cho một bên thứ ba.
Vấn đề đảm bảo chất lượng giáo dục cũng cần được đặt lên hàng đầu, không chỉ để bảo vệ quyền lợi người học mà còn đảm bảo tính hiệu quả của chính sách. Việc xây dựng và áp dụng các cơ chế kiểm định chất lượng nghiêm túc, định kỳ là cần thiết, cùng với yêu cầu các trường tư thục cam kết về mức học phí hợp lý tương ứng với chất lượng đào tạo. Đặc biệt, cần quy định rõ về tỷ lệ học sinh được miễn giảm học phí, học bổng để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục chất lượng.
Đồng thời, các trường tư thục cần được khuyến khích phát triển đa dạng các mô hình giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội, từ mầm non đến phổ thông, từ giáo dục chuyên biệt đến giáo dục hòa nhập, tạo nên một hệ thống giáo dục đa dạng, bổ trợ hiệu quả cho hệ thống công lập.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho giáo dục tư thục tiếp cận trụ sở dôi dư, chúng ta cũng nên khuyến khích và tạo không gian cho sự đổi mới, sáng tạo. Việc phát triển mô hình hợp tác công - tư trong giáo dục, không chỉ ở khía cạnh cơ sở vật chất mà còn có thể được triển khai trong chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ, và chia sẻ nguồn lực. Các trường công lập và tư thục không nên được nhìn nhận như hai hệ thống riêng biệt và cạnh tranh, mà là hai bộ phận bổ trợ cho nhau trong cùng một hệ thống giáo dục quốc dân. Cơ chế chia sẻ nguồn lực giảng dạy, cơ sở vật chất, và kinh nghiệm quản lý giữa hai khu vực sẽ mang lại lợi ích cho cả hệ thống.
Việc tạo điều kiện cho giáo dục tư thục tiếp cận trụ sở dôi dư rõ ràng là một bước quan trọng, nhưng cần được đặt trong một chiến lược toàn diện về phát triển giáo dục của quốc gia, hướng tới xây dựng một hệ thống giáo dục đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên mới.
Tiến sĩ Hoàng Anh Đức
Tận dụng trụ sở dôi dư để phục vụ giáo dục tránh lãng phí tài sản công, mở rộng không gian học tập
Cùng bàn luận về nội dung trên, Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (Hà Nội) nhìn nhận: "Gợi ý sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính để làm trường học, cơ sở ý tế, không gian công cộng cho người dân là một chủ trương hết sức đúng đắn, mang tầm nhìn chiến lược, thể hiện tư duy sâu sắc và tinh thần đổi mới.
Việc tận dụng các trụ sở dôi dư để phục vụ giáo dục không chỉ tránh lãng phí tài sản công mà còn đáp ứng được nhu cầu bức thiết về mở rộng không gian học tập trong bối cảnh dân số đô thị ngày càng tăng.
Đặc biệt, có ý kiến đề xuất tạo điều kiện cho khối giáo dục tư thục tiếp cận nguồn lực này là một bước tiến rất đáng khích lệ. Điều này thể hiện sự cởi mở, bình đẳng trong phát triển giáo dục, cho thấy giáo dục tư thục là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống giáo dục quốc dân".
Tiến sĩ Phạm Kim Thư. Ảnh: NVCC.
Theo Tiến sĩ Thư, đề xuất trên mang ý nghĩa lớn lao, không chỉ ở góc độ sử dụng hiệu quả tài sản công, mà còn ở khía cạnh phát triển đồng bộ hệ sinh thái giáo dục. Bởi trong nhiều năm qua, hệ thống giáo dục tư thục luôn đóng vai trò “chia lửa” với giáo dục công lập, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà áp lực về sĩ số, cơ sở vật chất luôn hiện hữu.
Thầy Thư nhìn nhận: "Nếu được 'cởi trói' về mặt bằng giúp khối tư thục có thêm điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giảng dạy, từ đó học sinh – đặc biệt là con em các gia đình có nhu cầu học tập chuyên biệt – sẽ có thêm nhiều lựa chọn phù hợp. Đây chính là tiền đề để xây dựng một nền giáo dục đa dạng, linh hoạt và tiệm cận chuẩn quốc tế trong tương lai gần".
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Kim Thư cũng nêu một số kiến nghị để nếu được tạo điều kiện, nhà đầu tư giáo dục có thể tiếp cận được nguồn lực này một cách thuận lợi. Theo đó, cần xây dựng một cơ chế minh bạch, công khai và thuận lợi trong việc rà soát, đánh giá và chuyển đổi công năng sử dụng các trụ sở dôi dư. Tổ chức đấu thầu, cho thuê dài hạn hoặc hợp tác công – tư với các tiêu chí rõ ràng, ưu tiên các nhà đầu tư có tâm huyết, có năng lực chuyên môn và cam kết đóng góp cho cộng đồng.
Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp liên ngành – giữa các sở, ngành như giáo dục, xây dựng, tài nguyên môi trường – để đảm bảo tiến độ triển khai thuận lợi, tránh tình trạng chồng chéo, gây khó khăn cho nhà đầu tư giáo dục tư thục trong quá trình tiếp cận.
"Cần xác định rõ, giáo dục tư thục không phải là 'thay thế' mà là 'bổ trợ' cho giáo dục công lập. Chính vì thế, chính sách cần hướng tới việc tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng, đạo đức nghề giáo và quyền lợi người học.
Cần lưu ý thêm là không chỉ tạo điều kiện tiếp cận đất đai, mà còn nên xem xét các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đào tạo giáo viên cho khu vực tư thục. Bên cạnh đó, công tác giám sát chất lượng cũng cần được thực hiện chặt chẽ để đảm bảo mọi cơ sở giáo dục – dù công hay tư – đều tuân thủ quy chuẩn chung, mang lại lợi ích cao nhất cho học sinh và gia đình.
Nếu được triển khai bài bản, nhất quán và có sự đồng thuận từ nhiều phía, đề xuất này này chắc chắn sẽ trở thành “cú hích” thực sự mạnh mẽ cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ mới", Tiến sĩ Phạm Kim Thư đánh giá thêm.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://tienphong.vn/tong-bi-thu-tru-so-cong-doi-du-uu-tien-de-lam-truong-hoc-noi-kham-benh-vui-choi-cua-nhan-dan-post1734496.tpo
Thi Thi
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/tru-so-doi-du-sau-sap-nhap-de-xuat-xem-xet-cho-truong-tu-thuc-duoc-tiep-can-post250712.gd