Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Nhà đầu tư GD được tiếp cận sẽ tạo 'cú hích' đột phá

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Nhà đầu tư GD được tiếp cận sẽ tạo 'cú hích' đột phá
5 giờ trướcBài gốc
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 đã có buổi tiếp xúc với các cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa nhằm ghi nhận và giải đáp các ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp. Quán triệt tinh thần không để lãng phí trụ sở dôi dư sau sáp nhập, Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng ưu tiên sử dụng những nơi này làm trường học, cơ sở y tế và không gian công cộng cho người dân. [1]
Từ tinh thần nêu trên, các nhà đầu tư, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đề xuất tạo điều kiện cho khối giáo dục tư thục được tiếp cận nguồn lực này.
Bởi lẽ, trên thực tế thì hệ thống giáo dục tư thục vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất, giải phóng “mặt bằng sạch” để phát triển hệ thống trường lớp, trong khi đó thì hệ thống các trường công lập lại được quy hoạch sẵn mạng lưới, tiếp cận nguồn lực về đất đai dễ hơn.
Nhà đầu tư giáo dục mong mở rộng hạ tầng phục vụ học sinh tốt hơn nhưng nhiều khi "lực bất tòng tâm"
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chủ trương này, ông Nguyễn Đức Quốc – Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân”.
Ông Nguyễn Đức Quốc - Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt. Ảnh: NVCC
Theo ông Nguyễn Đức Quốc, vào năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, và hiện nay tinh thần của Nghị quyết này đang được triển khai thực hiện rất quyết liệt. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Một trong những băn khoăn về quá trình thực hiện là khi sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã và xóa bỏ cấp huyện… nhiều trụ sở sẽ dôi dư sau sáp nhập; nếu không kịp thời có những định hướng sẽ dẫn đến lãng phí.
“Băn khoăn này đã dần được giải đáp khi tôi được biết các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp đã chủ động thống kê và tính toán trong việc quản lý và định hướng sử dụng đối với các trụ sở dôi dư sau sắp xếp.
Điều đáng mừng nhất là nghe quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 17/4/2025, với định hướng ưu tiên sử dụng những trụ sở dôi dư làm trường học, cơ sở y tế và không gian công cộng cho người dân”, ông Nguyễn Đức Quốc nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt bày tỏ: “Nếu cơ sở giáo dục tư thục được tiếp cận nguồn lực này sẽ gỡ được nhiều khó khăn. Trong điều kiện quỹ đất đô thị hạn chế và dân số đô thị tăng nhanh, cơ sở giáo dục tư thục nếu có nguồn quỹ đất "sạch" sẽ giúp cải thiện hạ tầng giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập”.
Hiện nay, so với hệ thống giáo dục công lập đã được cấp có thẩm quyền quy hoạch, được thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai, thì hệ thống giáo dục tư thục nói chung và đặc biệt là hệ thống giáo dục tư thục ở các thành phố lớn nói riêng mặc dù có tiềm lực mạnh về tài chính nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất, giải phóng “mặt bằng sạch”, phát triển trường lớp và đầu tư các hạng mục nhằm rèn luyện kỹ năng sống và phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh.
Ông Quốc nêu, như Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt hiện nay, mặc dù được sự tín nhiệm và đánh giá cao từ quý phụ huynh và xã hội, nhu cầu học sinh muốn đăng ký được theo học tại trường rất lớn, nhưng do khó khăn về trụ sở nên Tập đoàn chỉ được tiếp nhận số lượng nhất định học sinh theo chỉ tiêu phân bổ của ngành giáo dục. Bên cạnh đó, ý tưởng trong đầu tư hạ tầng phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục của Tập đoàn nhằm hướng đến đạt “chuẩn quốc tế”, nhưng đôi khi “lực bất tòng tâm” bởi diện tích quỹ đất còn khá hạn chế.
Vì vậy, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt cho rằng, nếu được tiếp cận, cần công khai danh mục trụ sở dôi dư, xây dựng cơ chế rõ ràng trong việc giao đất, cho thuê hoặc hợp tác... đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đủ năng lực được tiếp cận các nguồn lực này một cách công bằng.
Cùng với đó, để tránh sử dụng sai mục đích, trong quá trình thực hiện, các cấp có thẩm quyền cũng nên tăng cường giám sát tránh để tránh các trụ sở dôi dư bị sử dụng không đúng mục đích và không hướng đến mục tiêu phục vụ đời sống dân sinh.
“Theo tôi, nếu giáo dục tư thục được tiếp cận nguồn lực này sẽ trở thành “cú hích” mạnh mẽ, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước; đồng thời giảm áp lực cho hệ thống các trường công lập và tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận môi trường giáo dục chất lượng cao, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực “vừa hồng vừa chuyên” trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, ông Nguyễn Đức Quốc nhấn mạnh.
“Nút thắt” lớn nhất của giáo dục tư thục hiện nay là quỹ đất
Ông Bùi Gia Hiếu – Chủ tịch Hội đồng trường Trường tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Tre Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn ủng hộ và đánh giá rất cao chủ trương này. Việc quán triệt tinh thần không để lãng phí trụ sở công dôi dư và định hướng sử dụng chúng để phục vụ cho giáo dục, y tế và đời sống văn hóa của nhân dân là một bước đi vô cùng hợp lý, nhân văn và mang tầm chiến lược dài hạn.
Trong đó, nếu mở rộng cánh cửa cho khối giáo dục tư thục tiếp cận các nguồn lực này là một tín hiệu rất tích cực. Bởi trên thực tế, giáo dục tư thục đóng vai trò bổ trợ quan trọng cho hệ thống công lập, nhưng lâu nay vẫn gặp khó khăn lớn về quỹ đất – nhất là tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội”.
Ông Bùi Gia Hiếu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Tre Việt. Ảnh: NVCC
Theo ông Bùi Gia Hiếu, hiện nay, quỹ đất phù hợp với đúng quy hoạch để làm trường học tại các đô thị lớn là vô cùng khan hiếm. Việc tìm được một khu đất vừa có vị trí thuận lợi, vừa đáp ứng đúng điều kiện pháp lý để đầu tư xây dựng trường học là một trong những bài toán nan giải nhất đối với các nhà đầu tư giáo dục tư thục.
Trong khi đó, chủ trương của Nhà nước là khuyến khích xã hội hóa giáo dục, nhưng các quy định hiện hành vẫn yêu cầu cơ sở giáo dục phải được xây dựng trên đất có chức năng đúng theo quy hoạch giáo dục. Điều này khiến không ít nhà đầu tư tâm huyết lâm vào thế khó, dù có năng lực và mong muốn đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Vì vậy, chủ trương cho phép khai thác, chuyển đổi các trụ sở công dôi dư thành trường học, và nếu tạo điều kiện để khối tư thục được tham gia sẽ mang tính đột phá. Nếu được triển khai một cách minh bạch, linh hoạt và đồng bộ, việc này không chỉ giúp tận dụng hiệu quả nguồn lực công mà còn giải tỏa “nút thắt” lớn nhất của giáo dục tư thục hiện nay là quỹ đất.
Chủ trương này mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, vừa giải được bài toán “đầu ra” cho trụ sở công dôi dư, vừa mở ra “đầu vào” mới cho giáo dục tư thục – nơi luôn khao khát được cống hiến nhiều hơn nhưng đang bị “kẹt” bởi hạ tầng.
Tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, áp lực quá tải lên hệ thống trường công là rất rõ ràng. Trong khi đó, nhiều phụ huynh có nhu cầu tìm kiếm môi trường giáo dục chất lượng cao, hiện đại, cá nhân hóa hơn cho con. Nếu giáo dục tư thục được “cởi trói” bằng quỹ đất phù hợp, thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều trường học tốt ra đời, góp phần giảm tải cho trường công, đồng thời mang đến cho học sinh nhiều lựa chọn hơn – một điều rất đáng quý trong thời đại đổi mới giáo dục.
"Tôi đề xuất cần có một cơ chế rõ ràng, minh bạch và công bằng trong việc rà soát, công bố danh mục các trụ sở công dôi dư, đồng thời xây dựng quy trình đấu thầu hoặc hợp tác công tư (PPP) linh hoạt để các nhà đầu tư giáo dục có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả”, ông Bùi Gia Hiếu nói.
Ngoài ra, nếu được tiếp cận nguồn lực này, theo ông Bùi Gia Hiếu thì nên có tổ công tác liên ngành ở cấp thành phố để tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng về thủ tục, giấy phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi hành lang pháp lý thông thoáng, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn trong việc cải tạo, đầu tư và đưa vào vận hành các cơ sở giáo dục đạt chuẩn.
Chúng ta có thể biến điều này thành một “đòn bẩy vàng” cho giáo dục nếu kết hợp được ba yếu tố: quyết tâm chính trị – hành lang pháp lý rõ ràng – và sự đồng hành từ cộng đồng doanh nghiệp giáo dục.
“Tôi kiến nghị cần có chiến lược dài hạn để kêu gọi đầu tư tư nhân vào giáo dục theo định hướng “lấy chất lượng làm thước đo”, đồng thời tạo quỹ tín dụng ưu đãi cho các dự án giáo dục được lựa chọn. Bên cạnh đó, cần bảo đảm cơ chế giám sát để các cơ sở hình thành từ trụ sở dôi dư vẫn giữ đúng sứ mệnh phục vụ cộng đồng. Nếu làm tốt, đây sẽ là một cú hích giúp phát triển giáo dục tư thục bền vững, san sẻ gánh nặng với Nhà nước, và quan trọng nhất là mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu học sinh và gia đình”, ông Bùi Gia Hiếu nêu rõ.
Tài liệu tham khảo:
1/ https://tienphong.vn/tong-bi-thu-tru-so-cong-doi-du-uu-tien-de-lam-truong-hoc-noi-kham-benh-vui-choi-cua-nhan-dan-post1734496.tpo
Việt Dũng
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/tru-so-doi-du-sau-sap-nhap-nha-dau-tu-gd-duoc-tiep-can-se-tao-cu-hich-dot-pha-post250816.gd