Nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện
Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 65/2024/TT-BCA quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm giấy phép lái xe. Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố sẽ đảm nhận việc kiểm tra này.
Nội dung gồm hai phần lý thuyết kiến thức pháp luật thực hiện theo câu hỏi sát hạch lý thuyết để cấp giấy phép lái xe và kiểm tra mô phỏng các tình huống giao thông phức tạp để đánh giá khả năng xử lý tình huống thực tế.
Với kiểm tra lý thuyết, tài xế làm bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính theo phần mềm kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phần mô phỏng, người thi kiểm tra xử lý các tình huống giao thông theo mô phỏng trên máy tính.
Đáng chú ý sẽ có thời gian, quy định cụ thể để người thi thực hiện như với giấy phép lái xe hạng A1, tài xế làm 25 câu hỏi trắc nghiệm trong 19 phút, mỗi câu được tính một điểm và có một câu được tính là điểm liệt. Người thi được 21/25 điểm trở lên là đạt yêu cầu song nếu trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt sẽ không đạt yêu cầu.
Người có kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật không đạt yêu cầu, thì không được kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng.
Việc trừ điểm giấy phép lái xe, tài xế sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm hơn, thường xuyên theo dõi thông tin trên cơ sở dữ liệu.
Trước quy định mới, anh Đình Trung (quê Vĩnh Phúc) cho rằng, việc trừ điểm giấy phép và tài xế phải kiểm tra lại kiến thức về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm sẽ vừa có tính chất răn đe nhưng lại vừa giáo dục người tham gia giao thông chấp hành quy định pháp luật.
Khi lái xe chưa bị trừ hết điểm thì vẫn được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông cũng như việc làm, sinh kế đời sống.
Trường hợp tài xế bị trừ hết điểm, muốn phục hồi điểm thì phải kiểm tra lý thuyết và mô phỏng trong thời gian, quy định cụ thể. Chắc chắn chỉ cần nghĩ đến những điều này là mỗi lái xe lại phải cân nhắc tuân thủ quy định tham gia giao thông trên đường.
Còn theo anh Tâm (trú tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội), mọi hành vi vi phạm an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn trên đường đều phải có mức trừ điểm tương xứng, đủ sức răn đe.
Tuy nhiên đối với những hành vi đã phạt tiền, cần xem xét mức trừ điểm phù hợp để tránh khi bị trừ hết điểm người dân phải đi thi để phục hồi lại điểm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Khi đã bị trừ hết điểm thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về an toàn giao thông mới được phục hồi điểm, đây là biện pháp để người vi phạm có nhận thức đầy đủ về hành vi vi phạm của mình. Mỗi lần bị trừ điểm như là “tiếng chuông” cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn nhưng đảm bảo nhân văn.
Minh bạch trong xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông
Trước thông tin áp dụng quy định trừ điểm giấy phép lái xe và việc kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, với việc trừ điểm giấy phép lái xe, tài xế sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm hơn, thường xuyên theo dõi thông tin trên cơ sở dữ liệu, luôn chú ý và chấp hành nghiêm quy định khi điều khiển xe trên đường để không bị trừ hoặc trừ hết điểm.
Ngoài giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế, quy định này cũng giúp doanh nghiệp vận tải có căn cứ xem xét việc ký hợp đồng, giám sát được tài xế trong suốt thời gian làm việc.
Chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định rất đồng tình với quy định trừ điểm giấy phép lái xe nhằm đánh giá toàn diện kỹ năng cũng như nhận thức của mỗi tài xế. Việc trừ điểm giấy phép lái xe như thế nào rất khó, đòi hỏi các cơ quan phải làm việc một cách nghiêm túc, khoa học, chính xác và nhân văn.
Số liệu thống kê cho thấy tại Việt Nam khoảng 500.000 giấy phép lái xe bị tước có thời hạn. Việc không được phép điều khiển phương tiện có tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh của người dân.
Việc tước giấy phép lái xe hiện nay vẫn đang thực hiện thủ công. Nhiều trường hợp cố tình bỏ giấy phép lái xe dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được lưu trữ trong Hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và trừ điểm giấy phép lái xe. Việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được tự động thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu.
Bên cạnh đó trừ điểm giấy phép lái xe sẽ hỗ trợ quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái sau khi được cấp giấy phép; phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội số, khoa học công nghệ.
Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến bày tỏ băn khoăn liệu rằng sẽ có sự chồng chéo, lãng phí hay không khi đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện kiểm tra, phục hồi điểm với cơ sở hạ tầng đào tạo sát hạch lái xe do Bộ Giao thông Vận tải quản lý hay không?
Dẫu vậy, trừ điểm giấy phép lái xe và phục hồi điểm là quy định mới và để đi vào thực tiễn đạt hiệu quả cần có thời gian để đánh giá. Đồng thời cần có hướng dẫn rõ ràng đối với cả người tham gia giao thông lẫn lực lượng chức năng để việc thực hiện được diễn ra công bằng, minh bạch.
Thế Anh