Kết quả thanh tra của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam từ năm 2024 đến hết tháng 4/2025 tại gần 23.000 đơn vị, cho thấy nhiều sai phạm trong quá trình đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Qua kết quả thanh tra, cơ quan BHXH đã truy thu tiền đóng của khoảng 17.500 lao động thuộc nhóm phải tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo BHTN, song chưa đóng với số tiền trên 130 tỷ đồng. Đồng thời, ngành cũng yêu cầu truy thu hơn 127 tỷ đồng đóng thiếu của gần 39.000 lao động.
Đề cập về thực trạng trục lợi quỹ BHTN, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng BHTN, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, nhiều trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định vẫn được giải quyết do hồ sơ ban đầu bị làm sai lệch hoặc không được kiểm tra kỹ. Có những người lao động thuộc diện không đủ điều kiện hưởng, hoặc đã có việc làm nhưng không khai báo, dẫn đến việc tiếp tục được nhận trợ cấp và chỉ bị phát hiện qua thanh tra.
“Đáng lẽ người lao động không được hưởng hoặc phải chấm dứt hưởng thì vẫn tiếp tục nhận tiền, đến khi thanh tra vào cuộc mới phát hiện sai phạm. Thậm chí có trường hợp lợi dụng chế độ hỗ trợ đào tạo nghề để lập danh sách, ký nhận nhưng không thực hiện đúng, vẫn được thanh toán” - ông Tú cho biết.
Theo bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tình trạng trục lợi BHTN xuất phát từ nhiều phía. Nhiều người lao động thiếu tự giác và chưa hiểu biết pháp luật, dẫn đến sai phạm trong việc khai báo tình trạng việc làm, trong khi theo quy định, trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải khai báo nếu có việc làm mới.
Còn ở phía người sử dụng lao động, có trường hợp doanh nghiệp (DN) trốn đóng BHTN, hoặc khai báo không đúng thực trạng sử dụng lao động nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng. Theo bà Ngân, điều này không chỉ gây thất thoát quỹ, mà còn khiến người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi về sau.
Để ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHTN, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Nội vụ Hà Nội), cho rằng người lao động cần hiểu đúng bản chất của BHTN. Đó là, trợ cấp thất nghiệp chỉ là phần ngắn hạn, quan trọng và lâu dài hơn là hỗ trợ việc làm và học nghề miễn phí. “Nếu người lao động có việc làm thì nên thông báo ngay với Trung tâm dịch vụ việc làm để được bảo lưu thời gian đã đóng, đó mới là cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp” - bà Liễu nhấn mạnh.
Theo bà Liễu việc thanh kiểm tra hiện nay còn gặp khó khăn. Hàng năm, Sở Nội vụ tổ chức các đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ, nhưng không thể bao phủ hết các trường hợp. Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ Việc làm không có công cụ quản lý vi phạm hiệu quả, nhiều lúc chỉ phát hiện khi sự việc đã rồi. Do đó, để hạn chế trục lợi quỹ BHTN việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động có vai trò rất quan trọng.
Đồng quan điểm, bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, nếu không kiểm soát tốt, quỹ BHTN có nguy cơ mất cân đối, chính sách mất giá trị và các tính toán dài hạn của cơ quan quản lý có thể bị sai lệch. Do đó, việc tuyên truyền pháp luật cần được đẩy mạnh, để cả người lao động và người sử dụng lao động hiểu đúng và thực hiện đúng.
Lê Bảo