Trực tiếp Đại lễ 30-4 tại TP.HCM: Tổng Bí thư cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự đại lễ

Trực tiếp Đại lễ 30-4 tại TP.HCM: Tổng Bí thư cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự đại lễ
6 phút trướcBài gốc
Lúc 6 giờ 30 sáng nay ( 30-4), lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã chính thức diễn ra.
Lễ Kỷ niệm cấp quốc gia do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP.HCM tổ chức.
Tham dự Lễ Kỷ niệm có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Tham dự Lễ Kỷ niệm có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an…
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cùng nhiều lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước và khách mời tham dự tại buổi lễ. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tham dự lễ còn có các nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân…
Ngoài ra còn có lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, TP; cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động, tướng lĩnh, đại diện các chiến sĩ, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; đại diện sở, ban, ngành TP.HCM, gia đình thương binh liệt sĩ, có công với nước…
Cùng dự lễ có khoảng 20 đoàn khách quốc tế, bao gồm 3 đoàn cấp cao, 4 đoàn cấp bộ trưởng trở lên, hơn 15 chính đảng ở các châu lục khác nhau; đại diện của hơn 20 địa phương kết nghĩa với TP.HCM và rất nhiều cá nhân nước ngoài có đóng góp cho phong trào phản chiến, chống chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chương trình buổi lễ gồm phần lễ kỷ niệm và lễ diễu binh, diễu hành với sự tham gia của khoảng 13.000 người.
*****
Chương trình dự kiến có chương trình nghệ thuật trước Lễ Kỷ niệm (màn trống hội, múa súng kết hợp quân nhạc, tiết mục nghệ thuật); lễ chính thức gồm có chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, giới thiệu lãnh đạo Đảng và Nhà nước đọc diễn văn, phát biểu của đại diện Cựu Chiến binh, phát biểu đại diện thế hệ trẻ.
Người dân có mặt từ rất sớm để chọn được một vị trí đẹp theo dõi lễ diễu binh, diễu hành. Ảnh: PHẠM HẢI
Trong lễ kỷ niệm sẽ tổ chức bắn 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tại Bến Bạch Đằng.
Bên cạnh đó sẽ có không quân bay chào mừng; diễu hành của xe mô hình Quốc huy - khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc - xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - xe mô hình biểu tượng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam; diễu binh các khối quân đội, dân quân tự vệ; diễu binh các khối công an; diễu hành các khối quần chúng.
Để chuẩn bị cho buổi lễ chính thức này, trước đó, buổi lễ sơ duyệt, tổng duyệt đã được diễn ra vào các ngày 25-4 và 27-4 cũng thu hút hàng chục nghìn người dân khắp nơi đổ về xem.
30/04/2025 08:14
Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh
Ngay sau đó, khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc đang tiến vào Lễ đài.
Những lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay, tượng trưng cho lý tưởng, niềm tin chiến thắng; bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được khơi nguồn, bồi đắp từ lịch sử, bừng cháy cho hôm nay và tỏa sáng đến mai sau.
Đó là cội nguồn, là sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhiệt liệt chào đón chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tiến vào Lễ đài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người Cha kính yêu của các lực Lượng vũ trang nhân dân. Người đã mở đường, chỉ lối và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong đó có Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bác đã đi xa, nhưng thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mãi mãi tỏa sáng, soi đường cho dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đang tiến vào Lễ đài là xe mô hình biểu tượng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc; hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cổ vũ và thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân và các dân tộc bị áp bức vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Tiếp đó là khối Quân kỳ do Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy dẫn đầu các khối đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ đang tiến vào Lễ đài.
Trên Quân kỳ quyết chiến, quyết thắng tung bay, lấp lánh những tấm Huân chương cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng, xứng đáng với truyền thống: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, xứng đáng là Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng.
Trải qua hơn 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã đi từ không tới có, từ nhỏ tới lớn, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Ngày nay, Quân đội đang tiến lên xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
30/04/2025 08:09
Lễ diễu binh, diễu hành chính thức diễn ra, dàn máy bay của các đội Mi, YAK, SU bay trên bầu trời TP
Mở đầu Cuộc diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là các Biên đội của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng, đang bay trên bầu trời Tổ quốc.
Dẫn đầu đội hình là các máy bay Mi-8T, Mi-17, Mi-171. Đây là các loại máy bay trực thăng được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bay chuyên cơ phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội; vận chuyển quân sự, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và sử dụng để đào tạo, huấn luyện giáo viên, tổ bay cho học viên trong nước và quốc tế.
Tiêm kích chiến đấu Su-30MK2 thả đạn nhiệt trên bầu trời trung tâm TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Với phương châm “lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”; bằng tinh thần quả cảm phi thường, sự thông minh, sáng tạo, Bộ đội Không quân “đã xuất kích là mang chiến thắng trở về”, đánh bại kẻ thù cả trên không, mặt đất và trên biển; thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy“mở mặt trận trên không thắng lợi”.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, “Phi đội Quyết thắng” đã đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếp theo là các máy bay YAK-130. Đây là loại máy bay huấn luyện chiến đấu có khả năng bay trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày và đêm; được trang bị vũ khí có khả năng tiêu diệt chính xác các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển; máy bay có khả năng trực ban chiến đấu và huấn luyện, đào tạo phi công chiến đấu mang lại hiệu quả cao.
Tiếp theo là các máy bay Su-30MK2. Đây là loại máy bay tiêm kích đa năng siêu âm thế hệ mới, hiện đại; có ưu điểm vượt trội về tính năng kỹ, chiến thuật; dùng để tiêu diệt các loại máy bay đối phương, trong điều kiện giản đơn, phức tạp, cả ngày và đêm. Máy bay Su -30MK2 sử dụng huấn luyện, trực ban chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống.
Hiện nay, Không quân nhân dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trên mặt trận đối không, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống.
Người dân phấn khích khi máy bay tiêm kích Su-30MK2 bay qua bầu trời khu vực bến Bạch Đằng. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Trong không khí tưng bừng của ngày chiến thắng, non sông tụ hội về đây kỷ niệm một trang sử hào hùng của dân tộc. Đội hình diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm trọng thể hôm nay tái hiện khí thế hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với phương châm “thần tốc, táo bạo”, với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, các đoàn quân tiến vào Sài Gòn đã giành thắng lợi hoàn toàn vào trưa ngày 30-4-1975.
Chiến thắng thể hiện khí phách, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; sự lớn mạnh và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng; khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới, sáng tạo; thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
30/04/2025 07:46
"Sài Gòn ơi ta đã về đây"
Đúng 7 giờ 35 phút, Biên đội trực thăng cất cánh, nhằm thẳng hướng trung tâm TP.HCM, nơi đang diễn ra đại Lễ 30-4. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trong gió, "Sài Gòn ơi ta đã về đây".
Trực thăng Mi kéo theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời, đang tiến về TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN VỮNG
10 chiếc trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc xuất hiện trên bầu trời TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN VỮNG
30/04/2025 07:43
Tự hào trước những thành tựu to lớn của đất nước
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, đại diện Cựu chiến binh, nhìn nhận chiến thắng 30-4-1975 đến nay vừa tròn 50 năm nhưng những ký ức của một thời đánh Mỹ mãi không bao giờ phai nhạt trong trái tim người dân nước Việt Nam.
Ông chia sẻ: “Được dự lễ kỷ niệm long trọng này, tôi vô cùng xúc động, tưởng nhớ những người đồng chí, đồng đội sống chết cùng nhau trên các chiến trường đánh giặc, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh vì sự toàn thắng của dân tộc”.
Ông cũng bày tỏ xúc động, cảm phục trước những người lính đã ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, để lại phía sau những người mẹ già, vợ trẻ, con thơ.
Qua đó, ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, đã hiến dâng những người chồng, người con ưu tú nhất cuộc đời mình cho Tổ quốc. Đồng thời, ghi sâu công ơn của nhân dân trên mọi miền của đất nước đã hy sinh, quên mình chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng bộ đội trong suốt chiều dài tháng năm.
“Với riêng tôi không thể nào quên được sự cưu mang, sẻ chia của bà con miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ - nơi tôi trực tiếp chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt. Không có nhân dân, không có chúng tôi hôm nay” - Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ xúc động.
Ông cũng bày tỏ niềm phấn khởi, tự hào trước những thành tựu to lớn của đất nước sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
30/04/2025 07:29
Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi lễ
Trong diễn văn, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Việt Nam, của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập tự do và thống nhất non sông với chân lý: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; là dấu mốc khẳng định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hiện thực được mong muốn và lời căn dặn thiết tha nhất của Bác Hồ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà.
Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, từ đường lối chiến tranh Nhân dân tiến hành bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; tự sự kết hợp đấu tranhh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và nghệ thuật chọn đúng thời cơ, tập trung lực lượng tiến hành tổng tiến công và nổi dậy.
Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn tại buổi lễ. Ảnh: THUẬN VĂN
Chiến thắng còn bắt nguồn từ sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; từ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình và hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em, của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào- Campuchia, của nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hòa bình tiến bộ trên thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ.
Đặc biệt, đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và và tiến bộ xã hội, mở đầu của sự phá sản chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của nhân loại thế kỷ 20.
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế cùng tham dự tại đại lễ. Ảnh: THUẬN VĂN
Cùng với ý nghĩa mang tầm vóc thời đại, đại thắng mùa Xuân năm 1975 để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Đó là bài học về sự phát huy sức mạnh của Nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Bài học về phát huy tịnh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, anh dũng, kiên cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Bài học về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc của CNXH, xác định đường lối đúng đắn phù hợp với điều kiện và đặc điểm của cách mạng Việt Nam.
Bài học về vận dụng và phát triển sáng tạo phương pháp đấu tranh cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện; triển khai lý luận chiến tranh nhân dân với nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân thay cường bạo.
Bài học về nắm vững, tranh thủ thời cơ tiến công thần tốc, táo bạo, chủ động, nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo và kiên quyết tiến hành cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi trọn vẹn.
Bài học về lòng nhân ái, hòa hợp dân tộc, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai sau chiến thắng.
Nhưng bài học lớn nhất, đồng thời là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của đại thắng mùa Xuân năm 1975 là giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh, toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ thành quả CNXH.
30/04/2025 07:13
Người dân tại khu vực công viên 23/9 tập trung trước chợ Bến Thành, ga Metro và tại giao lộ Trần Hưng Đạo-Yesin xem truyền hình trực tiếp qua màn hình và cùng nhau chào cờ.
ẢNH: HẢI ĐĂNG - HUỲNH THƠ
30/04/2025 07:11
Bắn 21 loạt đại bác mừng đại lễ
Tại Bến Bạch Đằng, 21 loạt đại bác được bắn để chào mừng lễ kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Đúng 7 giờ, loạt pháo bắn khai mạc lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Sau đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng hô vang to khẩu lệnh: "Chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống đất nước bắt đầu. Trân trọng kính mời các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cùng toàn thể quý vị đại biểu, các vị khách quý và đồng bào đứng dậy làm lễ chào cờ".
Các đại biểu, các vị khách quý và đồng bào làm lễ chào cờ. Ảnh: THUẬN VĂN
Trong tiếng nhạc hào hùng và tiếng súng đại bác vang rền, lời hát quốc ca vang lên trang nghiêm, hào hùng.
30/04/2025 06:49
Cuộc hành trình "tinh thần" đầy phấn khởi và tự hào
Vào sáng sớm ngày 30-4, ông Huyền (56 tuổi, phường An Phú, Bình Dương) cùng gia đình gồm 4 người đã bắt đầu chuyến hành trình đến xem lễ diễu binh, khởi hành từ lúc 3 giờ sáng. Gia đình ông Huyền thuê xe để kịp thời tham gia xem diễu binh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chuyến đi không chỉ là một hành trình về mặt địa lý, mà còn là một cuộc hành trình tinh thần đầy phấn khởi và tự hào.
Ông Huyền cùng gia đình đã thuê xe từ Bình Dương lên TP.HCM xem lễ diễu binh. ẢNH: NHƯ NGỌC
"Trước đó, tối ngày 26-4, gia đình tôi cũng đã thuê xe để xem diễu binh và không khỏi háo hức. Tuy chưa chắc chắn có thuê được xe hay không, nhưng chúng tôi quyết định lên đường trước để không bỏ lỡ sự kiện đặc biệt này.
Tối hôm qua, gia đình tôi đã đến đường Lê Duẩn nhưng không thể vào được. Dù vậy, tôi cảm nhận tinh thần của người dân thật sự không thể diễn tả hết bằng lời. Mọi người đều hăng hái và đầy niềm tin. Cả gia đình tôi chuẩn bị đầy đủ ghế ngồi, nước uống để có thể thoải mái theo dõi và cảm nhận không khí hào hùng của buổi lễ” - ông Huyền bộc bạch.
Với ông Huyền, đây là một dịp hiếm hoi để thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, là dịp để cả gia đình cùng nhau trải qua những khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử đất nước.
30/04/2025 06:43
Hơn 1.000 nghệ sĩ biểu diễn 'Rạng rỡ non sông Việt Nam'
Chương trình nghệ thuật đặc biệt Rạng rỡ non sông Việt Nam diễn ra lúc 6 giờ 30 ngày 30-4 tại sân khấu đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM, đồng thời được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Sự kiện do Bộ VH-TT&DL và UBND TP.HCM chỉ đạo, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.
Ngoài 1.000 nghệ sĩ, chương trình quy tụ một lực lượng nghệ sĩ, ca sĩ TP.HCM và các lực lượng biểu diễn hùng hậu từ nhiều lĩnh vực, lứa tuổi: Chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP, sinh viên các trường đại học, thiếu nhi TP, nhóm múa Mai Trắng, Phương Nam, HBSO, cùng sự góp mặt của các hàng trăm vận động viên đến từ các nhóm thể thao, cổ động, nghệ thuật đường phố…
Quang cảnh đường Lê Duẩn - nơi diễn ra đại lễ nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Chụp màn hình
Trước khi chương trình bắt đầu, hàng vạn người dân háo hức chờ đại lễ bắt đầu, đội diễu binh, diễu hành vào vị trí.
Chương trình được mở màn với màn biểu diễn trống hội linh thiêng, chủ đề Bản hùng ca toàn thắng do Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện với sự tham gia của 1.000 diễn viên là học viên thuộc Đoàn Nghệ thuật trống hội Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an), thể hiện hình ảnh Công an nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Bản hùng ca toàn thắng do Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện với sự tham gia của 1.000 diễn viên. Ảnh: Chụp màn hình
Nối vào sau là tiết mục xếp hình Đất nước trọn niềm vui do Đoàn Nghi lễ quân đội/Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và các Đoàn văn công của Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 9 và Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội biểu diễn.
Giải phóng trống hội - Đất nước trọn niềm vui – Màu hoa đỏ do NSND Quốc Hưng và NSND Tạ Minh Tâm trình bày. Ảnh: Chụp màn hình
Tiếp đến là mashup Giải phóng trống hội - Đất nước trọn niềm vui – Màu hoa đỏ do NSND Quốc Hưng và NSND Tạ Minh Tâm trình bày cùng hợp xướng.
30/04/2025 06:33
Rực cờ đỏ sao vàng
6 giờ 10 phút, tuyến đường Lê Lợi rực cờ đỏ sao vàng. Giao lộ Phạm Ngọc Thạch - Điện Biên Phủ, hàng trăm người dân vẫn đang tìm kiếm vị trí thuận lợi để theo dõi lễ diễu binh. Không khí trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi những đoàn người đứng chật kín, háo hức chờ đón khoảnh khắc lịch sử. Nhiều người đứng chen chân, mắt không rời khỏi con đường lớn, hy vọng sẽ có một vị trí đẹp nhất.
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 6h25 phút, không khí công viên bờ sông Sài Gòn TP Thủ Đức, nhiều người đã chọn được vị trí, không khí sôi động hơn, tất cả đã sẵn sàng và ổn định vị trí để xem máy bay biểu diễn qua khu vực.
30/04/2025 06:05
Các đội diễu binh, diễu hành đã vào vị trí
Phóng viên PLO từ sân bay Biên Hòa cho hay sau khi bay trinh sát khí tượng, máy bay SU30 đã quay trở lại. Cùng với đó, đội ngũ kỹ thuật cũng chuẩn bị cờ Đảng, cờ Tổ quốc gắn vào máy bay để chuẩn bị trình diễn trên bầu trời. Từ TP.HCM, người dân cũng có thể quan sát được chiếc máy bay này.
Máy bay SU30 bay trinh sát khí tượng. Ảnh: NGUYỄN VỮNG
Đội ngũ kỹ thuật chuẩn bị cờ Đảng, cờ Tổ quốc đang gắn vào máy bay để chuẩn bị trình diễn. Ảnh: NGUYỄN VỮNG
Đến 6 giờ 15 phút sáng, Đội bay trực thăng đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cất cánh mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc tiến về bầu trời TP. HCM chào mừng ngày non sông thống nhất; "bay trong bầu trời độc lập, tự do, hạnh phúc" đánh dấu thời khắc lịch sử 50 non sông liền một dải. Ảnh: NGUYỄN VỮNG
Trong khi đó tại khu vực trướng Dinh Thống Nhất, lực lượng chức năng đang phân luồng và đón các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dự đại lễ. Ảnh: LÊ THOA
Tại đường Lê Duẩn - nơi diễn ra lễ chính, các khối diễu binh - diễu hành đã sẵn sàng vào vị trí. Ảnh: HOÀNG GIANG
Xe mô hình quốc huy sẽ đi dẫn đầu các khối trong lễ diễu binh, diễu hành. Ảnh: HOÀNG GIANG
30/04/2025 05:59
5 giờ 50 phút, dòng người vẫn đổ về kín đường Tôn Đức Thắng - công viên Bạch Đằng.
ẢNH: NGUYỄN TIẾN
Ông Phan Xuân Ninh - Người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho biết, "Tôi tự hào khi nhìn thấy lực lượng diễu binh diễu hành đầy hoành tráng, lực lượng quân đội phát triển hùng mạnh. Tôi phải vào tận đây để tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lịch sử 50 năm. Tôi rất tự hào khi Việt Nam có sự chuẩn bị đại lễ hoành tráng".
Ông Phan Xuân Ninh. ẢNH: NGUYỄN TIẾN
30/04/2025 05:25
Hà Nội: Chờ đón nghi thức chào cờ ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lúc 5 giờ 15, tại Hà Nội rất đông người dân đã tập trung trước khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để chờ đón nghi thức chào cờ sắp diễn ra.
Khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. ẢNH: PHI HÙNG
30/04/2025 05:05
Các khối vào vị trí tập luyện trước chương trình
Các khối vào vị trí tập luyện trước chương trình. Ảnh: HOÀNG GIANG
Các khối vào vị trí tập luyện trước chương trình. Ảnh: HOÀNG GIANG
30/04/2025 04:21
Quân khu 7 tiếp sức Nhân dân
Khoảng 4 giờ 30 sáng tại giao lộ Điện Biên Phủ – Hai Bà Trưng (gần công viên Lê Văn Tám), khi trời còn lờ mờ sáng, các chiến sĩ thuộc Cục Hậu cần – Kỹ thuật Quân khu 7 đã bắt đầu phát lương khô và nước suối miễn phí cho người dân có mặt từ sớm để chờ xem lễ diễu binh, diễu hành.
Nhiều bạn trẻ vui vẻ nhận phần quà nhỏ, có người hào hứng giơ thanh lương khô lên chụp ảnh, lưu giữ kỷ niệm trong một buổi sáng trọng đại của đất nước.
Bạn Nguyễn Thị Kim Anh (21 tuổi, sinh viên, quê Bình Định) cười rạng rỡ khi cầm bịch lương khô trên tay, chia sẻ: “Em bất ngờ vì được tặng quà từ sớm. Chỉ là lương khô thôi nhưng cảm giác rất đặc biệt, giống như được tiếp thêm năng lượng để chờ đến khoảnh khắc lịch sử. Ở đây ai cũng vui, cũng háo hức”.
Các chiến sĩ lực lượng Quân khu 7 tiếp sức nhân dân tham gia diễu binh, diễu hành. Ảnh: PHẠM HẢI
Các chiến sĩ lực lượng Quân khu 7 tiếp sức nhân dân tham gia diễu binh, diễu hành. Ảnh: PHẠM HẢI
Xe của lực lượng Quân khu 7 tiếp sức nhân dân tham gia diễu binh, diễu hành. Ảnh: PHẠM HẢI
Các bạn trẻ hào hứng được nhận lương khô. Ảnh: HUỲNH THƠ
Các bạn trẻ ổn định chỗ ngồi tại tuyến đường Lê Lai, chờ tới giờ để xem diễu binh, diễu hành. Trên khuôn mặt ai cũng nở nụ cười rất tươi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Các bạn trẻ tươi vui, hào hứng trước giờ diễn ra lễ chính thức. Ảnh: NHƯ NGỌC - HỒNG THẮM
30/04/2025 04:04
Dòng người chờ để xem diễu binh, diễu hành
Dòng người đổ về khu trung tâm TP.HCM mỗi lúc một đông. Ảnh: VÕ TÙNG
Người dân háo hức chờ trời sáng để xem diễu binh, diễu hành. Ảnh: HỒNG THẮM - PHẠM HẢI
Người dân tập trung tại khu vực Khánh Hội, quận 4. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Người dân tập trung tại khu vực Khánh Hội, quận 4. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Người dân tập trung tại khu vực Khánh Hội, quận 4. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Nhiều người tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức sáng nay xem diễu binh, diễu hành. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Nhiều người tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức sáng nay xem diễu binh, diễu hành. Ảnh: HUỲNH THƠ
Người dân chờ xem diễu binh, diễu hành ở khu vực đường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: NGUYỄN TÂN
30/04/2025 03:55
Tôi rất vinh dự được tham gia lễ kỷ niệm quan trọng này"
Hai mẹ con chị Vương Lệ Thủy (54 tuổi, đến từ Hải Phòng) có mặt tại khu vực trung tâm TP.HCM từ 3 giờ sáng 30-4, sau khi đáp chuyến bay vào TP.HCM vào hôm qua (29-4).
Trong trang phục áo dài truyền thống và tay cầm lá cờ đỏ sao vàng, chị Thủy cho biết cả hai mẹ con rất vui và háo hức khi được tận mắt chứng kiến không khí đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước.
Hai mẹ con chị Vương Lệ Thủy đến từ Hải Phòng. Ảnh: HỒNG THẮM
“Cả thành phố như không ngủ. Người dân nô nức, rợp cờ hoa, không khí rất rộn ràng” - chị Thủy chia sẻ. Đây là lần thứ hai chị trở lại TP.HCM sau nhiều năm, điều khiến chị ấn tượng nhất chính là sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của TP.
Bà Trần Thị Ngợi nói đi từ Long An lên TP.HCM lúc 12 giờ đêm để chờ xem diễu binh, diễu hành. Ảnh: TRẦN LINH
Bà Trần Thị Ngợi, 75 tuổi, quê Long An vui mừng cho biết: “Tôi đi từ Long An lên đây lúc 12 giờ đêm. Con cháu cứ lo sức khỏe cho tôi nhưng đây là niềm vui chung của đất nước. Thấy không khí rộn ràng, mọi người đều vui vẻ, mình cũng vui theo. Mấy bữa trước sơ duyệt, tổng duyệt gia đình tôi đều đi nên mình có kinh nghiệm rồi, vị trí đẹp nhất để xem diễu binh, diễu hành là trước chợ Bến Thành.
Ông Justin Stout (bên phải) và Mr. Lan (bên trái). Ảnh: NHƯ NGỌC
Ông Justin Stout (bên phải) người Mỹ xúc động nói: “Đây là một thời điểm rất đặc biệt đối với đất nước và con người Việt Nam. Tôi rất vui khi có thể chia sẻ trải nghiệm này cùng mọi người. Năng lượng tại đây thật tuyệt vời và người dân rất thân thiện với chúng tôi. Mọi người đều mong muốn có những bức ảnh lưu niệm cùng chúng tôi”.
Mr. Lan (bên trái) người Anh, chia sẻ thời khắc này 50 năm trước là một cột mốc trọng đại đối với đất nước.
“Hôm nay, tôi rất vinh dự được tham gia lễ kỷ niệm quan trọng này cùng với những con người tuyệt vời của Việt Nam. Được có mặt tại đây để chúc mừng sự kiện lịch sử này là một vinh dự lớn lao” – Mr. Lan nói.
30/04/2025 03:42
Tất bật chuẩn bị trước giờ diễn ra đại lễ
Đường Phạm Ngọc Thạch lúc 3 giờ sáng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chốt chặn trên đường Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chốt kiểm tra an ninh trên đường Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lực lượng an ninh kiểm tra an ninh. Ảnh: HOÀNG GIANG
Công tác chuẩn bị tại khán đài chính. Ảnh: HOÀNG GIANG
Công tác chuẩn bị đang tất bật tại khu vực tổ chức lễ. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nơi sẽ diễn ra lễ diễu binh diễu hành. Ảnh: HOÀNG GIANG
Khu vực khán đài chính sẽ diễn ra buổi lễ. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lực lượng chức năng kiểm tra những khâu còn lại trước giờ diễn ra đại lễ. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhóm bạn trẻ chụp ảnh trên đường Lê Duẩn trước giờ lễ chính thức. Ảnh: HOÀNG GIANG
30/04/2025 03:25
Người dân đi chơi lễ gửi xe ở đâu?
Nhằm phục vụ người dân và du khách, UBND TP.HCM đã tổ chức nhiều điểm giữ xe tập trung quanh khu vực quận 1 và trung tâm TP.
Cụ thể, Công viên 23/9 (khu B), giữ xe máy; Công viên Tao Đàn (cổng Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Du); Sân vận động Tao Đàn, giữ xe máy và ô tô nhỏ; Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), giữ xe máy; Trung tâm Thể dục Thể thao Hoa Lư (số 2 Đinh Tiên Hoàng), giữ ô tô và xe máy; Nhà Văn hóa Thanh Niên.
Ngoài ra còn mốt số điểm khác như Công viên Lê Văn Tám; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (227 Nguyễn Văn Cừ, quận 5), giữ xe máy và một số ô tô cá nhân.
Các trung tâm thương mại lớn như Saigon Centre, Vincom Đồng Khởi, Diamond Plaza cũng đã phối hợp tăng cường bãi giữ xe cho khách.
30/04/2025 03:25
Hướng lưu thông thay thế để tránh khu vực tổ chức lễ kỷ niệm
Để thuận lợi cho quá trình di chuyển của người dân, Phòng CSGT Công an TP.HCM cũng đưa ra một số lộ trình thay thế như sau:
- Hướng di chuyển từ TP Thủ Đức sang các quận 1, 5, 6, 10, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh
+ Lộ trình 1: Võ Nguyên Giáp – Mai Chí Thọ – hầm vượt sông Sài Gòn – Võ Văn Kiệt – đi quận 5, 6, huyện Bình Chánh
+ Lộ trình 2: Võ Nguyên Giáp – Mai Chí Thọ – hầm vượt sông Sài Gòn – Võ Văn Kiệt – Trần Đình Xu (hoặc Nguyễn Văn Cừ) – Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ – Lý Thái Tổ – 3 Tháng 2 – đi quận 10, Tân Bình
+ Lộ trình 3: Võ Nguyên Giáp – Cầu Sài Gòn– Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng – Võ Thị Sáu – 3 Tháng 2.
+ Lộ trình 4: Võ Nguyên Giáp – Cầu Sài Gòn – Điện Biên Phủ – Vòng xoay Hàng Xanh – Bạch Đằng – Phan Đăng Lưu – Hoàng Văn Thụ – Phan Đình Giót – Trường Sơn.
+ Lộ trình 5: Võ Nguyên Giáp – Võ Văn Ngân – Tô Ngọc Vân – Phạm Văn Đồng – Hồng Hà – Trường Sơn – vào sân bay Tân Sơn Nhất hoặc tiếp tục Trường Sơn – Hoàng Văn Thụ - Xuân Hồng – Xuân Diệu – Trường Chinh – Lý Thường Kiệt – Lạc Long Quân – tiếp đi các hướng.
- Hướng di chuyển từ quận Bình Thạnh sang các quận 10, 11, 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn
+ Lộ trình 1: Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng – Võ Thị Sáu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa hoặc Vòng xoay Công trường Dân Chủ - 3 Tháng 2.
+ Lộ trình 2: Điện Biên Phủ – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Bạch Đằng – Phan Đăng Lưu – Hoàng Văn Thụ – Vòng xoay Lăng Cha Cả – đi các hướng.
- Hướng di chuyển từ huyện Củ Chi, quận 12, Tân Bình sang các quận Bình Thạnh, quận 4, 6, 7, 10, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, TP Thủ Đức:
+ Lộ trình 1 : Lê Quang Đạo – rẽ phải Lê Đức Anh hoặc rẽ trái Đỗ Mười – đi các hướng
+ Lộ trình 2: Lê Quang Đạo – Trường Chinh – Cộng Hòa – Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Thị Sáu – 3 Tháng 2.
+ Lộ trình 3: Lê Quang Đạo – Trường Chinh –Cách mạng tháng Tám – Vòng xoay Dân Chủ – 3 tháng 2 – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – Cầu Nguyễn Văn Cừ – Dương Bá Trạc – cầu Him Lam – đi quận 4, 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ.
+ Lộ trình 4: Lê Quang Đạo – Trường Chinh – Lý Thường Kiệt – Hồng Bàng – Châu Văn Liêm – đi quận 6, 10.
+ Lộ trình 5: Trường Chinh – Cách mạng tháng Tám – 3 tháng 2 – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – hầm vượt Sông Sài Gòn – Mai Chí Thọ đi TP Thủ Đức.
+ Lộ trình 6: Trường Chinh – Cộng Hòa – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Điện Biên Phủ – Cầu Sài Gòn – đi TP. Thủ Đức hoặc Hoàng Văn Thụ – Phan Đình Giót – Trường Sơn – Hồng Hà – Phạm Văn Đồng – đi TP Thủ Đức.
- Hướng di chuyển từ quận 4, 7 đi huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận Tân Bình
+ Lộ trình 1: Nguyễn Văn Linh – cầu Tân Thuận 1 (hoặc cầu Tân Thuận 2) – Nguyễn Tất Thành – Hoàng Diệu – Cầu Ông Lãnh – Trần Hưng Đạo –Nguyễn Văn Cừ - Lý Thái Tổ - 3 Tháng 2 – Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa - Trường Chinh – Lê Quang Đạo.
+ Lộ trình 2: Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập – cầu Him Lam – cầu Kênh Xáng – Dương Bá Trạc – Nguyễn Văn Cừ - Lý Thái Tổ - Vòng xoay Ngã 7 – 3 Tháng 2 – Vòng xoay Dân Chủ – Cách mạng tháng Tám – Xuân Diệu – Xuân Hồng – Trường Chinh – Lê Quang Đạo.
+ Lộ trình 3: Nguyễn Tất Thành – Hoàng Diệu – cầu Ông Lãnh – Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ – Lý Thái Tổ – 3 Tháng 2 – Lý Thường Kiệt – đi quận Tân Bình (sân bay Tân Sơn Nhất).
+ Lộ trình 4: Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ – cầu Kênh Tẻ – Khánh Hội – đi thẳng rẽ trái Bến Vân Đồn – cầu Nguyễn Văn Cừ – Nguyễn Văn Cừ – Lý Thái Tổ – 3 Tháng 2.
30/04/2025 03:23
Cấm 20 tuyến đường từ 3 giờ sáng
Để phục vụ Đại lễ, Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết sẽ cấm người và phương tiện lưu thông ở một số tuyến đường; cấm dừng đỗ và hạn chế lưu thông từ 3 giờ sáng đến 12 giờ trưa 30-4. Cụ thể:
- Cầu Ba Son, hướng từ TP Thủ Đức sang quận 1
- Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn giáp đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Nguyễn Hữu Cảnh)
- Đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn giáp đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Lê Duẩn)
- Đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Lê Duẩn đến điểm quay đầu trước số 37 đường Tôn Đức Thắng)
- Đường Mạc Đĩnh Chi (đoạn từ đường Trần Cao Vân đến đường Nguyễn Du)
- Đường Hai Bà Trưng (đoạn từ giáp đường Trần Cao Vân đến giáp đường Lý Tự Trọng)
- Đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ giáp vòng xoay Hồ Con Rùa đến nhà thờ Đức Bà)
- Đường Pasteur (đoạn từ giáp đường Võ Văn Tần đến giáp đường Lý Tự Trọng)
- Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ giáp đường Võ Văn Tần đến giáp đường Lý Tự Trọng)
- Đường Trương Định (đoạn từ giáp đường Võ Văn Tần đến giáp đường Lý Tự Trọng)
- Đường Nguyễn Du (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến giáp đường Cách mạng Tháng Tám)
- Đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến giáp đường Cách Mạng Tháng Tám)
Các tuyến đường nằm bên trong vòng giới hạn của các tuyến đường trên như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Chiêm, Lê Quý Đôn, Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên, Alexandre De Rhodes, Công xã Paris, Đặng Trần Côn, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Đồng Khởi…
30/04/2025 03:20
56 khối diễu binh, diễu hành
Tham gia diễu binh, diễu hành hôm nay có 56 khối, trong đó có 23 khối quân đội; 3 khối dân quân, tự vệ; 12 khối lực lượng công an; 12 khối diễu hành quần chúng; các khối nghi trượng và ba khối quân đội các nước gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Ngoài ra, các trực thăng, máy bay chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng mang theo cờ Đảng và cờ Tổ quốc cất cánh từ sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) tiến về trung tâm TP để tổng duyệt trên bầu trời TP.HCM.
Khi kết thúc diễu binh, diễu hành sẽ chia thành 4 hướng và di chuyển về điểm tập kết. Chi tiết lộ trình của 4 hướng cụ thể như sau:
Hướng 1: Từ Hội trường Thống Nhất, đoàn diễu hành di chuyển qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi- Nguyễn Thị Nghĩa - Ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương - Cách Mạng Tháng 8 và tập kết tại Công viên Tao Đàn.
Hướng 2: Từ Hội trường Thống Nhất, các lực lượng di chuyển qua Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Vòng xoay Mê Linh và tập kết tại Bến Bạch Đằng.
Hướng 3: Từ Hội trường Thống Nhất, các lực lượng di chuyển qua Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng và tập kết tại Sân vận động Hoa Lư.
Hướng 4: Từ Hội trường Thống Nhất, các lực lượng di chuyển qua Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hai Bà Trưng và tập kết tại Công viên Lê Văn Tám.
30/04/2025 03:13
"Chúng tôi có được hòa bình chính là nhờ sự hi sinh của đồng đội"
Ông Hoàng Tam Sơn (75 tuổi) cùng đồng đội 16 người vượt cả ngàn cây số từ Hà Nội vào TP.HCM tham gia Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Sơn cho biết mình là nhân chứng lịch sử tham gia giải phóng miền Nam, thuộc Trung đoàn 66 F10 Quân đoàn 3.
Những cựu chiến binh kỳ vọng giới trẻ cố gắng phát huy tinh thần thanh niên Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Cách đây 50 năm, đơn vị của ông Sơn được phân công đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu, đã giải phóng hai nơi này vào trưa 30-4-1975. Một cánh quân còn lại tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.
Nhớ lại ngày toàn thắng được ghi vào lịch sử đó, ông Sơn và đồng đội cảm thấy xúc động.
"Chúng tôi có được hòa bình như hôm nay chính là nhờ sự hi sinh của các đồng đội. Tôi thật sự rất cảm động và biết ơn. Tôi mong giới trẻ ngày nay cố gắng phấn đấu noi gương ông cha ta trong truyền thống đánh giặc giữ nước, phát huy tinh thần thanh niên Việt Nam trong kỷ nguyên mới" - ông Sơn bày tỏ.
30/04/2025 03:12
Thuê khách sạn gần trung tâm để tiện theo dõi diễu binh
Tại giao lộ Nguyễn Đình Chiểu – Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM), anh Trương Minh Huế, quê Kiên Giang, chia sẻ anh cùng gia đình đến TP từ sáng sớm và thuê khách sạn gần khu vực trung tâm để tiện theo dõi lễ diễu binh.
Anh nói dù phải di chuyển một quãng đường xa nhưng với lòng yêu nước cả gia đình đều rất háo hức vì đây là dịp hiếm hoi được tận mắt chứng kiến một sự kiện quy mô lớn như vậy.
Anh Trương Minh Huế thuê khách sạn ở gần trung tâm TP.HCM để tiện theo dõi lễ diễu binh.
30/04/2025 03:10
"Đó là ký ức, là lịch sử sống đang hiện hữu trước mắt mình"
Giữa dòng người đổ về khu vực đường Hai Bà Trưng từ nửa đêm để chờ xem diễu binh sáng 30-4, gia đình chị Lê Thị Bích Giang (40 tuổi, quê ở Huế) đã có mặt từ lúc gần 2 giờ 30 sáng, trong trang phục cờ đỏ sao vàng.
Gia đình chị Lê Thị Bích Giang với trang phục cờ đỏ sao vàng.
Chị Giang cho biết cả gia đình vào TP.HCM du lịch dịp lễ nhưng khi biết có diễu binh kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị đã quyết định “dành riêng một đêm để cùng thành phố sống trong không khí lịch sử”.
Với gia đình chị Giang, điều mong chờ nhất trong chương trình đại lễ sáng nay là phần diễu hành có sự tham gia của các cựu chiến binh và lực lượng vũ trang.
“Khi thấy các bác bước đi trong bộ quân phục năm xưa, tôi tin không ai có thể kìm lòng. Đó là ký ức, là lịch sử sống đang hiện hữu trước mắt mình” – chị Giang nói.
30/04/2025 03:10
Lực lượng chức năng tích cực phân luồng giao thông
Ghi nhận của phóng viên vào gần 2 giờ sáng 30-4, khu vực giao nhau giữa công viên bến Bạch Đằng và Nguyễn Huệ người dân cắm trại ngồi ra cả lề đường khiến khu vực ùn ứ. Lực lượng chức năng đang tích cực phân luồng, giữ an ninh trật tự.
30/04/2025 03:07
Náo nhiệt Khu vực công viên Lê Văn Tám
Khu vực công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP.HCM) trở thành điểm nhấn đặc biệt khi là nơi các đoàn cựu chiến binh từ Thái Nguyên, Tuyên Quang… đi qua trong lễ diễu binh – diễu hành mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không khí náo nức, hào hùng hiện diện ngay từ khi trời còn chưa sáng rõ.
Nhiều bạn trẻ có mặt tại khu vực công viên Lê Văn Tám từ sớm.
Từ 3 giờ chiều hôm trước, nhiều nhóm bạn trẻ đến từ Biên Hòa (Đồng Nai) đã có mặt, mang theo cờ Tổ quốc, băng rôn, thức ăn nhẹ và loa bluetooth phát nhạc cách mạng. Họ chọn một góc vỉa hè gần công viên, trải bạt ngồi chờ qua đêm để có được vị trí đẹp chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng.
“Chúng em đi từ sớm để không chỉ xem diễu binh, mà còn được tận tay vẫy cờ chào các bác cựu chiến binh - những người hùng của dân tộc" - bạn Phạm Minh Hiếu (21 tuổi) xúc động nói.
Đến rạng sáng 30-4, hai bên vỉa hè chật kín người, đa phần là thanh niên, sinh viên. Khi các đoàn cựu chiến binh tiến qua, cả tuyến đường rợp cờ đỏ sao vàng, vang lên những tiếng vỗ tay vang dội, những lời hô “Việt Nam – Hồ Chí Minh!” hào sảng và những ca khúc cách mạng được hát vang không ngớt.
30/04/2025 03:05
Niềm tự hào lớn lao của một cựu binh
Dù đêm vẫn còn sâu, giao lộ Điện Biên Phủ – Hai Bà Trưng (quận 3, gần Công viên Lê Văn Tám) đã rộn ràng không khí chờ đón diễu binh mừng ngày thống nhất đất nước.
Trong dòng người đổ về đây từ rất sớm, chú Đỗ Văn Trung – cựu chiến binh thuộc đoàn Thái Nguyên – có mặt từ 1 giờ 30 phút sáng. Dáng người rắn rỏi trong bộ quân phục cũ, chú Trung chia sẻ: “Tôi từng đi qua chiến tranh, nay được tận mắt chứng kiến TP.HCM rợp cờ hoa trong ngày 30-4. Cảm giác như sống lại thời khắc lịch sử”.
Chứng kiến TP.HCM rợp cờ hoa trong ngày 30-4 là niềm tự hào lớn lao của một cựu binh. Ảnh: HỒNG THẮM
Không chỉ có các cựu chiến binh, nhiều người dân từ khắp nơi cũng đổ về TP để chung vui. Ông Doãn Tiến Giáo (60 tuổi) và ông Bùi Trí Cây (66 tuổi) từ Hà Nội vào TP.HCM bằng tàu lửa từ năm ngày trước, chỉ để kịp chứng kiến thời khắc trọng đại này. Có mặt tại giao lộ từ 7 giờ 30 tối hôm trước, hai ông mang theo ghế xếp, nước uống và quốc kỳ.
“Chờ đợi từ tối tới sáng không mệt chút nào. 50 năm – một cột mốc quá đặc biệt của đất nước, không thể không chứng kiến tận mắt” - ông Giáo nói đầy xúc động.
30/04/2025 03:03
Sinh nhật đáng nhớ
Chị Bảo Ngọc (ngụ TP.HCM) đã có một sinh nhật đáng nhớ ngay đúng ngày 30-4. Ngọc cho biết: “Hôm nay, tôi với bạn bè rủ nhau đi xem diễu binh, chúng tôi đến từ lúc chiều 29-4. Thật bất ngờ khi được các bạn tặng bánh kem mừng sinh nhật, hòa cùng niềm vui thống nhất của đất nước”.
Bảo Ngọc có một ngày sinh nhật không thể quên.
30/04/2025 03:00
Thức trắng đêm để đón đoàn diễu hành
Bà Trần Thị Lê từ TP Biên Hòa đến TP.HCM từ rất sớm lúc 14 giờ ngày 29-4 để chọn vị trí đẹp xem đoàn diễu binh.
"Tôi đã xem đoàn diễu binh diễu hành lần này lần thứ 2, hôm nay có cháu dẫn lên đây từ sớm để chọn vị trí đẹp. Mặc dù tuổi đã cao nhưng 50 năm mới có một lần nên tôi quyết định sẽ thức trắng đêm để đón đoàn diễu hành đi qua. Tôi rất tự hào vì con người Việt Nam" - bà Lê xúc động chia sẻ.
Nhiều người dân đến sớm tìm vị trí đẹp và thức trắng đêm chờ xem diễu binh.
Sinh viên năm 3 trường Đại học Gia Định, Liêu Mỹ Phụng cho biết đây là lần thứ hai cô xem diễu binh.
“Dù là lần thứ 2, tôi vẫn cảm thấy phấn khích và nôn nao như lần đầu. Lần này, tôi cùng với bạn bè và gia đình có mặt tại giao lộ Phạm Ngọc Thạch - Điện Biên Phủ từ 21 giờ 30 (ngày 29-4) để tham dự sự kiện đặc biệt này. Mặc dù khoảng cách không xa nhưng tôi và nhóm bạn đã đến từ rất sớm để có một vị trí đẹp, thuận lợi cho việc theo dõi diễu binh.
Chúng tôi chuẩn bị như một ngày cắm trại đặc biệt ngay trong lòng TP. Nước uống, bánh, dù, bạt... tất cả đều đã được chuẩn bị kỹ càng để có thể tận hưởng ngày lễ trọn vẹn” - Phụng nói.
Là một bạn trẻ, Phụng cho biết Phụng luôn cảm thấy biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh vì Tổ quốc. Phụng và gia đình có tổng cộng 8 người, cùng nhau tham gia sự kiện, mang đến một không khí ấm áp, đầy ý nghĩa trong ngày lễ trọng đại.
Sống ở TP từ nhỏ, bà Nguyễn Kim Hoàng (69 tuổi) cho biết đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm bà mới trở lại trung tâm thành phố trong dịp đặc biệt này. Bà cảm thấy hào hứng và vui mừng như vậy khi tham gia diễu binh.
“Tôi cùng các cháu đã có mặt từ 21 giờ 30 để chuẩn bị cho ngày 30-4.
Ban đầu, tôi lo ngại đông đúc, sợ không thể tham gia được nhưng khi đến nơi và tận mắt thấy người dân dù già hay trẻ đều hòa làm một, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và mãn nguyện.
Tôi cố gắng giữ sức khỏe để 10 năm sau, nếu có dịp, tôi sẽ lại đi nữa” - bà Hoàng tâm sự.
30/04/2025 02:59
Có khoảng 870 phóng viên tham gia trong và ngoài nước tác nghiệp
Có 701 phóng viên của 106 cơ quan báo chí Việt Nam và 169 phóng viên nước ngoài thuộc 58 cơ quan báo chí nước ngoài tham dự tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30-4-1975 - 30-4-2025.
Khu vực đường Cách mạng tháng 8.
Khu vực Bến Bạch Đằng
Rạng sáng 30-4, rất đông chọn vị trí sẵn ở khu vực giao lộ Điện Biên Phủ - Phạm Ngọc Thạch.
Nhiều người dân trải bạt ngủ 2 bên đường Nguyễn Đình Chiểu.
Khu vực đường Lê Lợi tập trung rất đông người.
30/04/2025 02:52
Tự hào có con gái tham gia diễu hành
Gia đình chị Lê Thị Ngọc Giàu cho hay hôm nay dẫn cậu mợ và đại gia đình từ Sóc Trăng lên đây để xem diễu binh, diễu hành vào sáng 30-4.
"Tôi rất tự hào vì con gái mình là một chiến sĩ trong khối nữ Du kích miền Nam sẽ diễu hành qua địa điểm này. Hôm nay tôi lên đây để tận mắt chứng kiến bước chân của con gái tôi, tôi rất tự hào. Chúc mọi người một buổi tối vui vẻ và một ngày Lễ 30-4 hạnh phúc" - chị Giàu chia sẻ.
Chị Lê Thị Ngọc Giàu cùng gia đình từ Sóc Trăng vào TP.HCM. Ảnh: PHẠM HẢI
30/04/2025 02:50
Mang theo lều nghỉ ngơi chờ diễu binh
Đến từ Vũng Tàu, chị Đặng Diệu mang theo lều chọn cho mình một góc trên đường Lê Lợi để nghỉ ngơi, chờ đến sáng đón đoàn diễu binh. "50 năm mới có một ngày. Tôi muốn được tận mắt thấy các anh, các bác và ở trong không khí của ngày hội non sông" - chị Diệu nói.
Chị Đặng Diệu mang theo lều nghỉ ngơi chờ đến giờ xem diễu binh.
30/04/2025 02:45
Cảm giác khó tả và xúc động
Trái với các khu vực tập trung đông đúc người dân, tại Công viên Tao Đàn lại khá vắng vẻ vào khuya 29-4. Một số người dân từ các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai cũng lên từ sớm, đi ngang hoặc dừng chân nghỉ ngơi tại Công viên.
Ông Trần Văn Hiển (56 tuổi, ngụ Đồng Nai) nói từng tham gia quân ngũ những năm 1988, năm nay kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khiến ông không khỏi xúc động xen lẫn tự hào.
Gia đình ông Trần Văn Hiển.
Ông Hiển cho biết cùng bốn thành viên trong gia đình từ Đồng Nai lên TP.HCM xem diễu binh từ 13 giờ 30 phút chiều 29-4, đến 16 giờ thì đến nơi.
"Tôi đi dạo phố, từ chợ Bến Thành đến phố đi bộ Nguyễn Huệ rồi về Công viên Tao Đàn... Thấy cảm giác khó tả và xúc động vì đây là kỷ niệm 50 năm chắc tôi chỉ có một lần trong đời đi dự như thế này thôi" - ông Hiển nói và cho biết rất vui, hạnh phúc khi thấy TP.HCM nhộn nhịp, phát triển, người dân hòa đồng, hiếu khách.
30/04/2025 02:40
Háo hức hướng về ngày hội lớn
Từ tối 29-4, không khí tại trung tâm TP.HCM được ghi nhận đã trở nên náo nhiệt, đang nóng dần lên khi rất đông người dân tập trung về chụp ảnh, tham quan, check-in… trong lúc chờ đợi để xem diễu binh, diễu hành.
Nhiều người dân còn mang theo hành lý, đồ ăn, ghế ngồi và cờ đỏ sao vàng để sẵn sàng đón diễu binh.
Đăng Khoa, đến từ TP Thủ Đức, cho biết đang rất háo hức và mong chờ đoàn diễu binh diễu hành. Khoa nói đã có mặt tại ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đinh Tiên Hoàng từ buổi chiều.
“Chị gái em là một thành viên trong khối nữ Du kích miền Nam" - Đăng Khoa nói.
Nhóm bạn trẻ đến từ quận Bình Thạnh, TP.HCM nói đã đến đường Nguyễn Đình Chiểu từ 20 giờ tối 29 để chọn vị trí thật đẹp có thể quan sát được cảnh đẹp nhất của đoàn diễu binh, diễu hành. Mặc dù còn khoảng 10 tiếng nữa mới đến giờ diễn ra lễ kỷ niệm nhưng các bạn rất háo hức. Ảnh: PHẠM HẢI
Gia đình bạn Như Ý đến từ Long An cho hay cả gia đình bắt xe lên TP.HCM từ chiều 29-4 để chờ xem buổi lễ diễu binh.
"Gia đình em đến đây từ rất là sớm để chọn cho mình một vị trí đẹp để đón đoàn diễu binh đi qua, đây là lần đầu tiên em được tham dự nên rất háo hức và hạnh phúc. Mặc dù đi xe tương đối xa nhưng lên tới đây, thấy không khí vô cùng náo nức như thế này nên cả gia đình không ai thấy mệt" - Như Ý chia sẻ.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/truc-tiep-dai-le-30-4-tai-tphcm-tong-bi-thu-cung-lanh-dao-nguyen-lanh-dao-dang-nha-nuoc-du-dai-le-post847384.html