Trao đổi với phóng viên Vnbusiness, bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) dự đoán, qua những gì quan sát được từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, 4 năm tới thế giới sẽ có những thay đổi rất căn bản.
Đó cũng là nhận định của nhiều chuyên gia khi dự báo về những tác động đối với kinh tế thế giới sau khi ông Donald Trump đắc cử. Nhật báo Le Figaro cho rằng mối đe dọa đến từ hàng rào thuế quan, chủ nghĩa bảo hộ, nguy cơ lạm phát và những cuộc chiến tranh thương mại mới khiến nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng và có thể làm gia tăng bất ổn toàn cầu. "Căng thẳng thương mại dự kiến với Trung Quốc có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra lạm phát nhập khẩu ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp", chuyên gia John Plassard của ngân hàng Mirabaud, Thụy Sĩ cảnh báo.
Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục duy trì được đà phát triển ổn định dưới thời Trump, thậm chí động lực FDI còn có thể mạnh mẽ hơn nữa.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục duy trì được đà phát triển ổn định dưới thời Trump, thậm chí động lực FDI còn có thể mạnh mẽ hơn nữa.
Từ “cú hích” cho thương mại - đầu tư
Điểm lại những kết quả đạt được trong giai đoạn trước, có thể thấy Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi chính từ thương mại toàn cầu kể từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump (2017 - 2020).
Cụ thể, Việt Nam đã bắt đầu hưởng lợi từ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ khoảng năm 2018 - 2019, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và các doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa sản xuất, giảm thiểu rủi ro tập trung tại Trung Quốc.
Theo thống kê, giai đoạn 2017 - tháng 9/2024, tổng vốn FDI đăng ký và thực hiện vào Việt Nam tăng trung bình hằng năm lần lượt là 3,3% và 1,9%. Cùng kỳ, vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam cũng theo xu hướng tăng. Trong những năm xảy ra dịch COVID-19 (2020 – 2022), vốn đầu tư từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong sụt giảm, trong khi từ Singapore đạt đỉnh.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển của dòng vốn FDI vào Việt Nam, phần nào tương ứng với xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng – đã tăng tốc kể từ khi thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018.
Giao dịch bất động sản cũng được đẩy mạnh trong giai đoạn này. Tính từ 2017 đến tháng 6/2024, số thương vụ tăng gần 20% trong so với thời kỳ trước khi Trump nhậm chức Tổng thống (2009 - 2016).
Một số cơ sở sản xuất mới đáng chú ý từ Trung Quốc và Hong Kong được thiết lập tại Việt Nam từ năm 2017 như Trinasolar khánh thành nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang; deli vận hành nhà máy đầu tiên tại Việt Nam; Goertek khởi công giai đoạn 1 - nhà máy Goertek tại KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Cũng trong năm này, Foxconn đã vận hành nhà máy Fuyu Precision Component và ký quyết định đầu tư giai đoạn 1 dự án “S-Vietnam”…
Các chuyên gia nhận định, dưới thời kỳ Trump 2.0, xu hướng Trung Quốc + 1 sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn nữa. Theo các chuyên gia từ Avision Young, tuyên bố áp thuế 60% cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10 - 20% với tất cả hàng nhập khẩu của ông Trump có thể châm ngòi các động thái trả đũa không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ các đối tác thương mại khác của Mỹ, chẳng hạn như Liên minh châu Âu.
Điều này có thể đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang diễn ra, thúc đẩy các chiến lược đầu tư vào các nước thân cận về mặt ngoại giao và địa lý (friendshoring và nearshoring), cũng như gia tăng phân cực thương mại trên toàn cầu. Việt Nam có thể tiếp tục hưởng lợi từ những xu hướng này.
“Với lực lượng lao động dồi dào và chi phí nhân công vừa phải, vị trí địa lý chiến lược, chính trị tương đối ổn định và các chính sách FDI thuận lợi, Việt Nam đã có những chuyển đổi thành công trong vài thập kỷ gần đây. Chất lượng thể chế được cải thiện dần qua các năm và Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tăng tính kết nối và nâng cao tính hiệu quả hậu cần trên toàn quốc”, báo cáo từ Avision Young chỉ ra nhiều thế mạnh của Việt Nam.
Đến mối nguy vẫn ở phía trước?
Những yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và đã thu hút hàng tỷ USD vẫn tiếp tục duy trì. Tuy nhiên cần lưu ý, ngay trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã phàn nàn về thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, đe dọa áp thuế lên sản phẩm từ Việt Nam trong bối cảnh thương chiến với Trung Quốc diễn ra khi đó. Trump cũng nhiều lần nói rằng ông sẽ áp thuế lên các sản phẩm nếu được sản xuất bởi các công ty do Trung Quốc sở hữu, bác bỏ quy tắc truyền thống về xác định nguồn gốc của hàng hóa. Điều bỏ ngỏ bây giờ là ông ấy có thể hành động theo những tuyên bố này đến mức độ nào và sớm đến đâu.
Các chuyên gia lo ngại chính quyền Trump có thể trở nên cực đoan hơn bằng cách tăng thuế dựa trên xuất xứ hàng hóa (hay “quốc tịch kinh tế” của sản phẩm). Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã dọa áp thuế 200% lên các loại xe nhập khẩu từ Mexico do có liên kết sản xuất với Trung Quốc.
Dù vậy, ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital vẫn tin tưởng: “Mặc dù có thể Mỹ sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng chúng tôi cho rằng rất khó có khả năng Mỹ sẽ áp thuế nặng (20 - 30%) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Hơn nữa, nếu Mỹ áp thuế toàn diện, ví dụ như 5 - 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn sẽ giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDI”.
Vị chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà phát triển ổn định dưới thời chính quyền ông Trump. Chính sách ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ tốt với tất cả các cường quốc trên thế giới đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành công, và không có lý do gì để tin rằng điều này sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, “Việt Nam sẽ có lợi nếu bắt đầu xem xét cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ trước khi vấn đề này trở thành mối quan ngại lớn với chính quyền mới”, ông Michael Kokalari lưu ý.
Bên cạnh đó, không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng có cơ hội trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và họ đã có rất nhiều đột phá về chiến lược ưu đãi thu hút các dự án lớn vào lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trung tâm dữ liệu.
Theo bà Bùi Thị Việt Lâm, chắc chắn dưới thời Tổng thống Trump, chính quyền Mỹ sẽ gây sức ép nhiều hơn về vấn đề mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Như vậy Việt Nam phải cân nhắc rất nhiều yếu tố về mặt chính sách, vừa phục vụ cho các mục tiêu trong nước nhưng cũng đồng thời đảm bảo mục tiêu thu hút FDI.
Việt Nam cũng cần đảm bảo cung ứng năng lượng, trước mắt là đáp ứng đủ và tiến tới là đáp ứng năng lượng sạch cho các nhà sản xuất lớn. Cuối cùng là cải thiện môi trường chính sách cho phát triển công nghệ số. Việt Nam đã có chiến lược phát triển kinh tế số rất tốt nhưng chiến lược đó cần phải được cụ thể hóa hơn thành các chính sách cụ thể, thể hiện ở ngay trong các luật mới Việt Nam đang xây dựng.
PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore
Trong lĩnh vực bán dẫn, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ ưu tiên sản xuất ở Mỹ nhưng chuỗi cung ứng sẽ nằm ở nước ngoài. Việt Nam có lợi thế khi là nơi được Samsung, Intel chọn mở nhà máy. Ngay cả khi sản xuất bán dẫn trở lại Mỹ, vai trò mắt xích của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn vẫn có thể được nâng cao hơn.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Doanh thu xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2024 dự báo đạt 44 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm gần 40%. Do vậy, mỗi chính sách mới từ thị trường này đều có tác động rất lớn đến ngành dệt may Việt. Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ có lợi hơn cho ngành này bởi nhiều năm qua, quan hệ Việt Nam - Mỹ ổn định, giúp các doanh nghiệp Mỹ chuyển dịch từ các nước khác sang thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, Chứng khoán Maybank
Vốn FDI vào Việt Nam có thể tăng thêm, tương tự như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump bởi 10% thuế nhập khẩu vẫn tốt hơn nhiều so với mức 60%. Bên cạnh đó, sẽ có những cơ hội kinh doanh mới có thể xuất hiện trong các ngành năng lượng, công nghệ thông tin và logistics hàng không, khi Việt Nam có thể tìm cách nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn từ Mỹ (như LNG, phần mềm…) nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng với đối tác của mình.
Đỗ Kiều