Trump-Putin: Hai nhà lãnh đạo, hai chiến lược và một cuộc chiến chưa có hồi kết

Trump-Putin: Hai nhà lãnh đạo, hai chiến lược và một cuộc chiến chưa có hồi kết
9 giờ trướcBài gốc
Theo Washington Post, trong khi phía Nga, đặc biệt là những người theo đường lối cứng rắn, kêu gọi các bước đi mạnh mẽ hơn, bao gồm việc chia cắt Ukraine, thì Tổng thống Trump đã thể hiện quan điểm cứng rắn với lời đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Nga không chịu đàm phán.
Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhau trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức, vào ngày 7.7.2017 - Ảnh: Getty
Nga củng cố lập trường cứng rắn
Trước thềm cuộc điện đàm, giới lãnh đạo Nga, từ các quan chức cấp cao cho đến những chuyên gia thân Kremlin, đều tỏ rõ thái độ không kỳ vọng vào bất kỳ bước đột phá lớn nào trong quan hệ với Mỹ. Nhiều người tại Moscow tin rằng Nga đang nắm lợi thế trên chiến trường và có thể tận dụng điều này để đạt được mục tiêu chính trị, đặc biệt khi có khả năng cao là ông Trump sẽ giảm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị thân Kremlin, nhận định với Washington Post rằng thời điểm để đạt được một thỏa thuận khả thi có thể xuất hiện vào cuối năm.
“Vào mùa xuân, các điều kiện vẫn chưa chín muồi để chấm dứt chiến tranh. Nhưng đến mùa thu, khi quân đội Nga đạt được nhiều tiến triển hơn và nếu ông Trump cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, các điều kiện chính trị thuận lợi hơn có thể xuất hiện”, ông nói.
Tại Moscow, các quan chức Nga đang thúc đẩy một đàm phán hòa bình nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược lâu dài. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, Nga nhìn thấy ít cơ hội đạt được thỏa thuận với chính quyền Trump, nhưng nếu đàm phán diễn ra, các yêu cầu của Moscow sẽ bao gồm những thay đổi lớn về cấu trúc an ninh châu Âu. Những điều kiện này có thể bao gồm việc Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập, phi quân sự hóa và không gia nhập NATO, trong khi Nga giữ lại các lãnh thổ đã sáp nhập.
Các yêu cầu khác của Nga bao gồm việc NATO rút cơ sở hạ tầng quân sự khỏi khu vực biên giới phía đông và cam kết không mở rộng thêm về phía đông. Yuri Ushakov, một trợ lý thân cận của Tổng thống Putin, nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải “dựa trên sự tôn trọng lợi ích khách quan của Nga”, chứ không phải là một lệnh ngừng bắn ngắn hạn.
Nikolai Patrushev, một cố vấn cứng rắn của ông Putin, thậm chí còn đưa ra tuyên bố rằng Ukraine và Moldova có thể “không còn tồn tại” vào cuối năm. Quan điểm này phản ánh sự quyết đoán trong giới lãnh đạo Nga, khi họ tin rằng các mục tiêu của mình tại Ukraine là không thể thỏa hiệp.
Chiến lược của ông Trump và phản ứng của Nga
Về phía mình, Tổng thống Trump đã thể hiện mong muốn giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột. Ông nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán cần được thực hiện ngay lập tức. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social mới đây, ông thậm chí còn đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế mạnh tay đối với Nga, bao gồm việc áp thuế và lệnh trừng phạt lên mọi sản phẩm Nga xuất khẩu sang Mỹ, nếu ông Putin không chịu ký thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
“Tôi sẽ mang đến cho Nga - một nền kinh tế đang suy thoái và Tổng thống Putin một cơ hội lớn. Hãy giải quyết ngay bây giờ và dừng cuộc chiến phi lý này lại! Tình hình chỉ ngày càng tệ hơn”, ông Trump viết.
Mặc dù ông Trump kêu gọi chấm dứt cuộc chiến, một số quan chức Nga lại lo ngại rằng ông có thể theo đuổi lợi ích của Mỹ một cách quyết liệt, gây tổn hại đến Nga. Những ký ức về nhiệm kỳ đầu của Trump, khi ông tăng cường trừng phạt Nga và cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, khiến nhiều người Nga tỏ ra thận trọng. Anatoly Antonov, cựu đại sứ Nga tại Mỹ, nhận định rằng chính quyền Trump trước đây đã “phá hủy liên tục các mối quan hệ song phương” giữa hai quốc gia.
Một nguy cơ lớn đối với Nga là khả năng ông Trump sẽ gia tăng áp lực kinh tế bằng cách đẩy giá dầu xuống thấp. Chính sách năng lượng của tổng thống Mỹ cỏ thể làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ, vốn là huyết mạch của nền kinh tế Nga. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt kinh tế mới có thể khiến tình hình tài chính của Nga thêm căng thẳng, đặc biệt khi chiến phí ngày càng tăng cao. Hiện tại, khoảng 40% ngân sách của Nga đang được chi cho quân đội và các cơ quan an ninh.
Tuy vậy, một số quan chức Nga vẫn kỳ vọng vào ông Trump. Họ tin rằng các quan điểm bất thường và khó đoán của ông có thể tạo cơ hội cho Nga đạt được những thỏa thuận có lợi. Các lựa chọn nhân sự của ông Trump, chẳng hạn như đề cử Tulsi Gabbard vào vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia, cũng được xem là dấu hiệu tích cực vì bà từng lặp lại nhiều quan điểm tương đồng với Kremlin.
Triển vọng hòa bình tại Ukraine
Ông Sergei Markov kỳ vọng rằng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và ông Putin có thể dẫn đến việc khởi động các nhóm làm việc về Ukraine và mở đường cho một hội nghị thượng đỉnh. Theo ông, hai bên có thể không đạt được thỏa thuận lớn về Ukraine, nhưng có thể thỏa hiệp ở những vấn đề khác, chẳng hạn như hạn chế Kyiv sử dụng vũ khí phương Tây.
Mặc dù vậy, triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình giữa hai bên vẫn còn rất xa vời. Theo các nhà phân tích, Nga sẽ không chấp nhận một thỏa thuận nếu nó không bao gồm việc Ukraine phải nhượng bộ lớn. Trong khi đó, Trump cũng đang đối mặt với áp lực từ trong nước, khiến ông khó có thể đưa ra các nhượng bộ dễ dàng.
Tatiana Stanovaya, một nhà phân tích chính trị, nhận định rằng Nga sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến trong nhiều năm nếu cần thiết. “Quan điểm của Nga là Ukraine đã thua cuộc và cần phải đầu hàng”, bà nói và nhấn mạnh rằng chi phí cuộc chiến cao và áp lực kinh tế có thể khiến Điện Kremlin phải tính toán lại nếu tình hình kéo dài.
Trong khi đó, những lời đe dọa trừng phạt của ông Trump, nếu được thực hiện, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế Nga. Lãi suất cao, lạm phát tăng vọt, và nợ doanh nghiệp lớn đang tạo áp lực không nhỏ lên nền kinh tế nước này.
Cuối cùng, nếu cuộc điện đàm của ông Trump-Putin diễn ra, đó sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Nga và cuộc chiến Ukraine. Cả hai bên đều đang cố gắng định hình vị thế của mình trước cuộc đối thoại, nhưng những khác biệt sâu sắc về lợi ích và mục tiêu chiến lược khiến triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình thực sự trở nên mờ mịt. Trong bối cảnh này, cả Nga và Mỹ đều phải đối mặt với những rủi ro lớn, không chỉ về kinh tế mà còn cả về uy tín và vị thế địa chính trị của mình.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/trump-putin-hai-nha-lanh-dao-hai-chien-luoc-va-mot-cuoc-chien-chua-co-hoi-ket-228592.html