Trung Á - Chìa khóa quan trọng cho chính sách đối ngoại của chính quyền Trump 2.0

Trung Á - Chìa khóa quan trọng cho chính sách đối ngoại của chính quyền Trump 2.0
20 giờ trướcBài gốc
Hội nghị thượng đỉnh C5+1 tại thành phố New York, Mỹ, ngày 19/9/2023. Ảnh: eurasiareview
Trong bối cảnh đó, Trung Á, một khu vực có ý nghĩa địa chính trị và kinh tế lớn, cần được ưu tiên hơn bao giờ hết.
Trung Á: Tâm điểm chiến lược của Á-Âu
Năm quốc gia Trung Á bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan tọa lạc tại trung tâm lục địa Á-Âu, nơi từ lâu đã được coi là ngã ba đường của thương mại và giao lưu văn hóa. Kể từ khi giành độc lập vào năm 1991 sau sự sụp đổ của Liên Xô, các quốc gia này đã từng bước xây dựng bản sắc dân tộc và chính sách đối ngoại riêng.
Với vị trí gần Biển Caspi, nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, Trung Á sở hữu tiềm năng kinh tế to lớn. Tuy nhiên, khu vực này thường bị các nhà hoạch định chính sách Mỹ lãng quên. Ngoại trừ giai đoạn sau vụ khủng bố 11/9/2001, khi Mỹ tăng cường quan hệ với một số nước Trung Á nhằm phục vụ chiến dịch quân sự ở Afghanistan, sự hiện diện của Washington tại khu vực này đã giảm sút rõ rệt.
Chưa từng có tổng thống Mỹ nào đến thăm Trung Á, và chỉ một số ít quan chức cấp chính phủ từng thực hiện các chuyến công du tại đây. Điều này phản ánh sự thiếu chú ý cấp cao và có nguy cơ làm suy yếu lợi ích chiến lược của Mỹ.
Hồi tháng 9/2023, bên lề Kỳ họp lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì Hội nghị thượng đỉnh nhóm 5 nước Trung Á (bao gồm: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, gọi tắt là Nhóm C5+1). Thời điểm đó, các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ tăng cường quan hệ với các nước Trung Á là nhằm cạnh tranh trực diện với Trung Quốc và Nga hay muốn gửi một tín hiệu nhất định đến Trung Quốc và Nga khi khu vực này được ví là “khoảng sân ảnh hưởng” của 2 nước này.
Những hạn chế trong cách tiếp cận của Mỹ
Chính sách của Washington đối với Trung Á thường tập trung vào dân chủ hóa và nhân quyền, trong khi ít chú ý hơn đến các vấn đề như an ninh, chống khủng bố, năng lượng và thương mại. Dù các giá trị này rất quan trọng, sự mất cân đối trong chiến lược đã làm phật lòng nhiều chính phủ Trung Á, khiến mối quan hệ song phương không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Hiện tại, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng, việc xây dựng một chiến lược rõ ràng và cân bằng đối với Trung Á là điều cấp thiết. Chiến lược khu vực gần nhất của Mỹ được công bố vào năm 2020, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nay đã trở nên lỗi thời sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine làm thay đổi cục diện địa chính trị.
Hướng đi mới cho chính sách Trung Á của Mỹ
Chính quyền của ông Trump, trong nhiệm kỳ mới, cần ưu tiên xây dựng một chiến lược toàn diện cho Trung Á, tập trung vào bốn lĩnh vực chính sau:
Hỗ trợ các quốc gia Trung Á cân bằng quan hệ đối ngoại
Các nước Trung Á có mối quan hệ kinh tế, địa chính trị và văn hóa chặt chẽ với Nga và Trung Quốc. Mỹ cần tránh áp đặt một lựa chọn đối kháng, mà thay vào đó khuyến khích các quốc gia này duy trì quan hệ đa phương, đồng thời thúc đẩy các lợi ích chung với Washington.
Tăng cường hợp tác năng lượng và giao thương
Việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của châu Âu là yếu tố quan trọng với NATO, trong khi các quốc gia Trung Á muốn mở rộng thị trường xuất khẩu và cải thiện kết nối. Mỹ nên hỗ trợ các dự án như đường ống khí đốt xuyên Caspi, giúp kết nối nguồn tài nguyên khí đốt dồi dào của Turkmenistan với thị trường châu Âu, giảm bớt sự phụ thuộc của khu vực vào Nga và Trung Quốc.
Đẩy mạnh hợp tác an ninh
An ninh khu vực là mối quan tâm chung giữa Mỹ và các quốc gia Trung Á, đặc biệt khi Mỹ đã rút khỏi Afghanistan. Việc hợp tác chống khủng bố và giải quyết các mối đe dọa mới nổi là yếu tố quan trọng để duy trì ổn định khu vực.
Hợp tác với đồng minh và tổ chức quốc tế
Mỹ cần làm việc với các đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ và Tổ chức các Quốc gia Turkic để thúc đẩy thương mại, năng lượng và hợp tác chính trị tại Trung Á. Mối quan hệ với Ankara, dù có những thách thức, vẫn là cầu nối quan trọng để tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Cần thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn
Để khẳng định cam kết, chính quyền của ông Trump cần thực hiện các chuyến thăm cấp cao đến Trung Á. Một chuyến thăm của tổng thống Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử, sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự tái cam kết.
Trung Á tiếp tục là một khu vực có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ. Trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực gia tăng, việc bỏ qua khu vực này sẽ là một sai lầm lớn. Chính quyền tổng thống đắc cử Trump có cơ hội định hình lại mối quan hệ với Trung Á, tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác lâu dài và bền vững.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo eurasiareview)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-a-chia-khoa-quan-trong-cho-chinh-sach-doi-ngoai-cua-chinh-quyen-trump-20-20241202124058108.htm